Kỳ vọng vào sự phát triển của Thủ đô trong giai đoạn mới
(Chinhphu.vn) - Tại hội nghị góp ý vào Dự thảo Văn kiện Đại hội XVIII Đảng bộ TP. Hà Nội lần thứ XVIII, các nhà khoa học, trí thức đã đưa ra các ý kiến đóng góp tâm huyết, cho thấy kỳ vọng vào sự phát triển của Thủ đô trong giai đoạn mới.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/GH
Tại hội nghị góp ý vào Dự thảo Văn kiện Đại hội XVIII Đảng bộ TP. Hà Nội sáng 18/7, các đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị của Dự thảo Văn kiện Đại hội XVIII. Đồng thời cho rằng, đây là văn kiện có tính kế thừa cao, toàn diện và nghiêm túc, bao quát cả bốn nội dung trọng tâm, không chỉ giới hạn trong báo cáo chính trị như nhiều địa phương khác.
Đó là các vấn đề về: Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thu hút nhân tài gắn với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Thủ đô; tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho các ngành công nghiệp công nghệ; phát triển hạ tầng giao thông, nâng tầm chất lượng tăng trưởng kinh tế… nhằm đóng góp để Hà Nội thực sự trở thành đầu tàu phát triển của cả nước trong giai đoạn tới.
Thu hút nhân tài cần gắn với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo
Trao đổi tại hội nghị, GS.TS Lê Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, 2 trong ba khâu đột phá chiến lược được đề cập trong văn kiện là "đột phá về nhân lực" và "đột phá về hạ tầng" cần có những nội dung cụ thể, rõ nét hơn.
Từ đó, GS.TS Lê Anh Tuấn trao đổi hai nội dung: Thứ nhất là về các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thu hút nhân tài gắn với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Thủ đô và tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho các ngành công nghiệp công nghệ chiến lược, công nghệ lõi. Thứ hai là về phát triển đồng bộ hệ thống giao thông đô thị hiện đại, xanh và thông minh.
GS.TS Lê Anh Tuấn nhấn mạnh, thu hút nhân tài trình độ cao cho Hà Nội không thể tách rời một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh. Hệ sinh thái này bao gồm: Khu công nghệ cao, phòng thí nghiệm quốc gia, trung tâm nghiên cứu xuất sắc, các đại học hàng đầu, quỹ đầu tư phát triển khoa học công nghệ…
Tuy nhiên, các giải pháp nêu trong dự thảo còn "thiếu lực" để hiện thực hóa mục tiêu này. Một số nội dung trong phát triển khu công nghệ cao Hòa Lạc như hoàn thành giai đoạn 2 và sản xuất sản phẩm công nghệ cao chưa đề cập đến cơ chế phối hợp chặt chẽ với các đại học – nơi tập trung nguồn lực nhân lực và nghiên cứu.
Liên quan đến phát triển giao thông, GS.TS Lê Anh Tuấn chỉ ra sự thiếu đồng bộ trong việc nêu mục tiêu và danh mục dự án. Mục tiêu đặt ra là rất lớn (100% giao thông trung tâm quản lý thông minh, giảm 50% ùn tắc…), song Phụ lục 4 của Dự thảo chỉ đề cập chuyển đổi xe buýt điện, trong khi các dự án hạ tầng đô thị thực sự cần thiết vẫn chưa được đề cập.
Từ đó, GS.TS Lê Anh Tuấn kiến nghị cập nhật danh mục các dự án ưu tiên mới, phản ánh đúng mục tiêu lớn đã đề ra, đặc biệt là các dự án đường sắt đô thị, kết nối liên thông vùng, các hệ thống điều hành giao thông thông minh… để thể hiện đầy đủ tầm nhìn và mục tiêu mà Thành phố đặt ra trong Dự thảo văn kiện.
Hà Nội cần định hình tầm nhìn phát triển mới
Còn PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng, giai đoạn 2026 - 2030 là thời cơ mang tính lịch sử, yêu cầu Hà Nội không chỉ "đi cùng" mà phải "vượt lên" trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa các địa phương.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, cả nước đang bước vào vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp với nhiều thay đổi thể chế sâu sắc. Hà Nội cần định hình tầm nhìn phát triển mới với chiến lược đi trước, dẫn dắt và lan tỏa. Cách tiếp cận không thể đi theo logic cũ mà phải từ tương lai, từ yêu cầu của thời đại công nghệ, trí tuệ nhân tạo và toàn cầu hóa.
PGS.TS Trần Đình Thiên cũng dành nhiều kỳ vọng cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc và coi đây là biểu tượng của năng lực phát triển mới.Từ đó đề xuất phát triển khu vực này thành Trung tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực hiện đại; Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, thu hút chuyên gia toàn cầu; Trung tâm sản xuất và sáng tạo công nghệ cao; Khu đô thị thông minh, sáng tạo của khu công nghệ cao.
Để khác biệt, Hà Nội cần thể hiện rõ ràng sự đột biến về chất lượng tăng trưởng, cơ cấu đầu tư, tỷ trọng các ngành chủ lực (kinh tế số chiếm 30% GRDP, công nghiệp văn hóa 8%). Dự thảo văn kiện hiện tại chưa làm rõ sự khác biệt này, cần bổ sung các luận cứ chiến lược, các dự án và nguồn lực đi kèm.
GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhận định, phần đánh giá kinh tế trong văn kiện còn chưa tương xứng so với tiềm lực và vai trò kinh tế của Hà Nội.
Theo đó, dù Hà Nội hiện đứng thứ hai cả nước về GDP và đang tiệm cận TP Hồ Chí Minh ở một số chỉ tiêu, song văn kiện chưa phản ánh đầy đủ thực trạng và lợi thế này. Ngoài ra, Hà Nội hiện là trung tâm tài chính quốc gia với sự hiện diện của nhiều định chế lớn. Trong khi TP Hồ Chí Minh hướng đến tài chính quốc tế, Hà Nội cần giữ vững và phát huy vị thế trung tâm tài chính quốc gia.
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, mục tiêu tăng trưởng 10,5% là khả thi. Tuy nhiên, GRDP/người nên đặt ở mức 13.000–14.000 USD thay vì 12.000 USD như trong dự thảo. Tương tự, mục tiêu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng 25–30% vào năm 2030 là quá khiêm tốn, cần mạnh dạn nâng lên mức 30–40% để phù hợp với định hướng phát triển giao thông công cộng và đường sắt đô thị.
Bên cạnh ba khâu đột phá (thể chế - nhân lực - hạ tầng), GS.TS Hoàng Văn Cường đề xuất bổ sung đột phá thứ tư về đô thị, cảnh quan và môi trường. Đây là những vấn đề đang "trói buộc" Hà Nội, cần có cuộc cách mạng về chỉnh trang chung cư cũ, xử lý ô nhiễm, khai thác trục sông Hồng thành không gian văn hóa, sáng tạo. Đồng thời cũng đề nghị gộp "năm nhiệm vụ trọng tâm" và "năm lĩnh vực ưu tiên" thành một nhóm nhiệm vụ lớn, đảm bảo tính mạch lạc và dễ theo dõi.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đóng góp ý kiến tại hội nghị - Ảnh: VGP/GH
Cần đưa văn hóa vào nhóm "nhiệm vụ đột phá" của Thủ đô
Tại hội nghị, Nhà thơ Bằng Việt, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội nhấn mạnh vai trò của văn hóa và đề xuất đưa nội dung này trở thành một trong những nhiệm vụ đột phá chiến lược của Hà Nội trong nhiệm kỳ tới.
Hà Nội từ lâu đã được xem là trung tâm văn hóa hàng đầu cả nước với bề dày nghìn năm văn hiến, truyền thống địa linh nhân kiệt và lực lượng trí thức, văn nghệ sĩ hùng hậu. Dù có tiềm năng lớn nhưng trong nhiều năm qua, phát triển văn hóa của Hà Nội vẫn chưa đạt theo kỳ vọng.
Nhà thơ Bằng Việt cho rằng, trong dự thảo văn kiện luôn khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa nhưng trên thực tế, chưa có sự đầu tư tương xứng để đưa lĩnh vực này trở thành một trụ cột phát triển.
Vì vậy, Nhà thơ Bằng Việt kiến nghị cần đưa văn hóa vào nhóm "nhiệm vụ đột phá" của Thủ đô bên cạnh ba đột phá hiện tại.
Ngoài việc đưa văn hóa thành nhiệm vụ đột phá, trong dự thảo Văn kiện cần viết rõ, sâu sắc hơn về chính sách phát triển công nghiệp văn hóa như: xuất bản, điện ảnh, thủ công mỹ nghệ, du lịch văn hóa, thiết kế sáng tạo... "Chúng ta cần một chiến lược văn hóa đủ mạnh để mỗi người dân Hà Nội thấy được vinh dự khi sống trong Thủ đô và biết tận dụng, phát huy văn hóa đó thành sức mạnh lan tỏa cho toàn quốc.
Không đánh đổi môi trường và văn hóa lấy tăng trưởng
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu và khẳng định những ý kiến đóng góp sẽ tiếp tục được nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện văn kiện quan trọng của Thủ đô.
Đề cập vấn đề văn hóa, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khẳng định, chưa bao giờ Hà Nội dành sự quan tâm và nguồn lực mạnh mẽ như hiện nay cho phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa. Theo đó, công nghiệp văn hóa của Hà Nội hiện dẫn đầu cả nước, là nền tảng để phát triển du lịch văn hóa và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chênh lệch hưởng thụ văn hóa giữa các khu vực trung tâm và vùng xa đang dần được thu hẹp.
Quan điểm phát triển của Hà Nội xác định rõ: "Lấy văn hóa và con người Thủ đô làm nguồn lực nội sinh, động lực quan trọng để xây dựng Thủ đô văn minh, thịnh vượng, nhân văn, hạnh phúc. Mọi thành quả đều hướng đến phục vụ Nhân dân".
Khẳng định thời cơ phát triển hiện nay của Hà Nội là chưa từng có, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh, Hà Nội cần tận dụng tối đa cơ hội từ đổi mới thể chế, cách mạng công nghệ, xu hướng phát triển toàn cầu. Thành phố đặt mục tiêu huy động 80% nguồn lực từ xã hội cho đầu tư phát triển, trong đó môi trường đầu tư, hạ tầng sản xuất tiêu dùng phải được cải thiện đồng bộ.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, không thể một nhiệm kỳ giải quyết xong hết các điểm nghẽn nhưng cần kiên trì, bài bản, dứt điểm từng bước. Quan điểm của TP. Hà Nội là không đánh đổi môi trường và văn hóa lấy tăng trưởng mà hướng tới phát triển bền vững, hài hòa.
Gia Huy