Kỳ vọng về những thành phố giao thông xanh - sạch - bền vững

20/10/2024 1:15 PM

(Chinhphu.vn) - Thông tư quy định phân loại phương tiện giao thông đường bộ và nhận diện xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện với môi trường (gọi tắt là Thông tư) không chỉ đơn thuần là một văn bản hướng dẫn mà còn là khát vọng hướng tới một tương lai bền vững cho Hà Nội và nhiều thành phố khác trên khắp Việt Nam.

Kỳ vọng về những thành phố giao thông xanh - sạch - bền vững- Ảnh 1.

Thời gian qua, nhiều người dân chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông chạy bằng năng lượng điện, góp phần giảm lượng khí thải từ xăng dầu - Ảnh: VGP/ Văn Hiền

Tháng 9/2024, Bộ Giao thông vận tải đã và đang lấy ý kiến góp ý về Dự thảo Thông tư quy định về phân loại phương tiện giao thông đường bộ; dấu hiệu nhận biết xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường. Khi dự thảo này được lấy ý kiến, người dân Thủ đô đã đặt nhiều kỳ vọng vào những thay đổi tích cực từ dự thảo này, với mong muốn các thành phố trở nên xanh hơn, sạch hơn, và giao thông thực sự bước vào kỷ nguyên "xanh hóa".

Mục tiêu của Dự thảo là khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch, giảm thiểu phương tiện phát thải cao. Đây đang được đánh giá là một bước tiến lớn trong chiến lược giao thông bền vững của Việt Nam.

Theo dự thảo, phương tiện giao thông sẽ được chia thành 3 nhóm chính: BEV (xe thuần điện chạy hoàn toàn bằng pin), PHEV (Plug-in Hybrid - xe hybrid sạc điện), PHEV (xe dùng pin nhiên liệu hydro) và các loại xe cơ giới khác không phát thải carbon.

Thay đổi tư duy, chuyển đổi sang phương tiện "xanh"

Sau 20 năm sử dụng xe xăng, ông Nguyễn Khắc Hùng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đang cân nhắc chuyển đổi sang phương tiện mới thân thiện với môi trường để góp phần vào xu hướng xanh hóa giao thông.

Tuy nhiên, ông Hùng bày tỏ lo ngại về thực trạng mạng lưới trạm sạc hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu, đặc biệt tại các khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn khi di chuyển đi xa ra khỏi thành phố.

Ông Hùng chia sẻ: "Việc sử dụng phương tiện giao thông năng lượng sạch đang trở thành xu hướng toàn cầu nhằm bảo vệ môi trường và tạo ra bầu không khí trong lành cho người dân Thủ đô cũng như các thế hệ mai sau".

Kỳ vọng về những thành phố giao thông xanh - sạch - bền vững- Ảnh 2.

Bên cạnh phương tiện xe điện, nhiều người dân thành phố cũng chọn cho mình cách di chuyển bằng xe đạp để hướng tới một môi trường xanh - Ảnh: VGP/ Văn Hiền

Theo ông Hùng, tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội đã đạt mức báo động, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Hiện nay, nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí cao gấp 16 lần so với mức khuyến nghị về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong khi nồng độ bụi PM10 cũng chạm ngưỡng cao nhất, lên đến 119,5 µg/m3. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do mật độ xây dựng dày đặc trong nội thành, khí thải từ các khu công nghiệp và lượng lớn phương tiện giao thông cá nhân thải ra môi trường.

Đưa xe đến Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 2903V - Hà Nội, anh Phạm Quang Mạnh (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, chiếc xe hiện tại của anh đã sử dụng được 5 năm. Anh Mạnh cân nhắc sẽ lựa chọn một phương tiện mới thân thiện với môi trường và phù hợp hơn cho nhu cầu cá nhân.

"Mỗi tháng, tôi phải chi khoảng 3-4 triệu đồng cho tiền xăng. Khi so sánh giữa các loại phương tiện, rõ ràng xe sử dụng năng lượng xanh sẽ giúp tiết kiệm đáng kể so với xe chạy xăng hoặc dầu. Đây không chỉ là phương án kinh tế hơn, mà còn đóng góp vào việc bảo vệ môi trường", anh Mạnh chia sẻ với niềm hy vọng về một tương lai xanh hơn.

Theo ông Trần Quốc Hoan, Phó Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 2903V - Hà Nội, hiện trung tâm đang chịu trách nhiệm kiểm định chất lượng kỹ thuật nhằm bảo đảm an toàn cho các phương tiện cơ giới. Phần lớn xe được kiểm định tại đây vẫn là xe chạy xăng và động cơ diesel, tuy nhiên, số lượng xe điện đến kiểm tra đang có xu hướng tăng dần.

"Đối với xe điện, chúng tôi chủ yếu kiểm tra bằng tay và quan sát kỹ lưỡng bằng mắt thường để xem xét tình trạng pin, bảo đảm pin không bị phồng rộp và các kết nối giữa pin và hệ thống dây điện vẫn an toàn. Quy trình kiểm định nhìn chung giống nhau, chỉ khác ở động cơ và lượng phát thải. Với xe điện thì không có khí thải ra môi trường, chúng tôi không cần đo phát thải nữa mà tập trung vào việc bảo đảm an toàn, tránh nguy cơ chập điện hoặc cháy nổ", ông Hoan cho biết thêm.

Kỳ vọng về những thành phố giao thông xanh - sạch - bền vững- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Dũng, chuyên gia nghiên cứu ô tô: Tôi mong muốn có sự đồng bộ giữa các chính sách và sự đồng lòng của người dân để các thành phố được xanh - sạch - bền vững - Ảnh: VGP/ Văn Hiền

Nhận diện phương tiện xanh thông qua biển số xe

Ông Nguyễn Văn Dũng, chuyên gia nghiên cứu ô tô nhận định, Việt Nam đang hướng tới một nền kinh tế carbon thấp, đồng thời đẩy mạnh phát triển để thực hiện cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050 theo Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26).

Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường do khí thải từ phương tiện giao thông ngày càng trở nên cấp bách, ngành giao thông vận tải được xác định là một trong những lĩnh vực có tỉ trọng phát thải CO2 lớn nhất. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã bắt đầu chuyển đổi sang xe ô tô điện như một giải pháp hiệu quả để giảm ô nhiễm môi trường và phát triển bền vững.

Việt Nam cũng không nằm ngoài dòng chảy này. Việc thúc đẩy chuyển dịch phương tiện giao thông từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng xanh và giao thông xanh được xem là bước đi tiên phong trong ngành giao thông vận tải, góp phần giảm thiểu ô nhiễm và hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Theo thống kê, hiện nay, Việt Nam có hơn 80 triệu xe gắn máy và ô tô, dẫn đến lượng phát thải CO2 rất lớn. Do đó, việc chuyển đổi sang nguyên liệu xanh là điều cần thiết.

Ông Dũng nhấn mạnh: "Chúng ta cần phân loại rõ ràng giao thông xanh để người dân nhận diện và được hưởng các chính sách ưu đãi từ Nhà nước, qua đó tạo ra tác động tích cực, bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng".

Hiện có nhiều quốc gia đã áp dụng cách nhận diện giao thông xanh qua hai yếu tố chính: biển số và màu sắc ngoại thất của xe. Ông Dũng cho rằng, Việt Nam cũng nên học hỏi từ những kinh nghiệm này, đặc biệt là việc thay đổi màu sắc biển số như ở Trung Quốc - biển số xe điện được chuyển sang màu xanh để dễ nhận diện.

Ông Dũng dự báo từ nay đến năm 2030, ước tính lượng phương tiện bán ra toàn cầu sẽ đạt 65 triệu xe và Việt Nam cũng sẽ có hàng chục triệu xe điện lưu thông. Vì vậy, việc triển khai đưa Thông tư đi vào thực tiễn sớm là rất cần thiết nhằm tránh lãng phí trong tương lai và phát triển bền vững cho môi trường.

Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức phía trước nhưng với sự chung tay của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, Hà Nội cũng như nhiều tỉnh thành khác hoàn toàn có khả năng trở thành những thành phố tiên phong trong xu hướng giao thông xanh tại Việt Nam.

Những tia sáng từ dự thảo này hứa hẹn mang đến một tương lai tươi sáng, nơi người dân không còn phải lo lắng về khói bụi và tiếng ồn. Thay vào đó, họ sẽ được sống trong một thành phố giao thông xanh - sạch - bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho thế hệ mai sau.

Văn Hiền

Top