Làm gì để triệt tiêu ‘tận gốc’ hàng giả, hàng kém chất lượng?

25/07/2025 3:11 PM

(Chinhphu.vn) - Hiện nay thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm,… bị làm giả, làm nhái đang là một thách thức lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng và uy tín của cả một ngành công nghiệp cũng như những doanh nghiệp. Vậy cần làm gì để triệt tiêu ‘tận gốc’ hàng giả, hàng kém chất lượng?

Làm gì để triệt tiêu ‘tận gốc’ hàng giả, hàng kém chất lượng?- Ảnh 1.

Lực lượng chức năng thanh, kiểm tra hàng hóa. Ảnh: Internet

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Chia sẻ tại tọa đàm "Nói không với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng" ngày 25/7, Phó Chi cục trưởng Chi Cục QLTT Hà Nội Dương Mạnh Hùng cho biết, nhằm qua mắt lực lượng chức năng, thời gian gần đây xuất hiện nhiều thủ đoạn mới của các đối tượng sản xuất hàng giả như khai hải quan không đúng thực tế hàng hóa. Che giấu nguồn gốc lô hàng vi phạm bằng cách cất giấu lẫn trong hàng hóa không vi phạm, đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu đối với hàng hóa quá cảnh.

Đặc biệt thời gian gần đây nẩy sinh một hình thức mới trao đổi giữa hàng thật với hàng giả, bằng cách nhập thuốc thật, sau đó tách vỉ hoặc gói, thay thế một số viên bằng thuốc giả kém chất lượng, nên rất khó phát hiện bằng kiểm tra thông thường.

Đáng chú ý, các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử, các trang mạng xã hội để kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, ngày một gia tăng. Thậm chí các đối tượng bán hàng livestream trên các trang mạng xã hội facebook, youtube ở một nơi nhưng kho hàng thì được tập kết ở nơi khác đã gây khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.

Với việc bán hàng qua các tài khoản ảo, không đăng ký kinh doanh, không niêm yết địa chỉ cụ thể, thậm chí sử dụng kho hàng "di động" hoặc vận chuyển thông qua shipper, cộng tác viên trung gian. Việc truy vết và xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn khi đối tượng không trực tiếp xuất hiện hoặc cố tình phủ nhận quyền sở hữu.

Đáng chú ý, nhiều trường hợp còn lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng, những nhân vật có lượng tương tác lớn, có ảnh hưởng trên mạng xã hội để quảng cáo sai sự thật, tạo lòng tin giả tạo trong người tiêu dùng và đánh lạc hướng dư luận.

Vừa qua lực lượng QLTT Hà Nội đã bắt giữ số lượng lớn nước hoa giả lên tới trên 61.000 sản phẩm gồm nước hoa và mỹ phẩm mang nhãn hiệu nổi tiếng như: GUCCI, LANCÔME, DIOR, LOUIS VUITTON, MOSCHINO, VALENTINO, MISS COCO… Điều đáng nói là đối tượng buôn bán mặt hàng này đã lợi dụng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để tiêu thụ hàng giả, hàng kém nhãn mác.

Cần sự phối hợp đồng bộ

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp để ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng bên cạnh sự vào cuộc tích cực của lực lượng chức năng còn đòi hỏi người tiêu dùng "thông minh". Nhưng để làm được điều này đòi hỏi cơ quan quản lý, doanh nghiệp đẩy mạnh truyền thông, quảng bá sản phẩm, kết nối cung-cầu qua đó giúp người tiêu dùng có thể nhận biết hàng thật-hàng giả.

Dưới góc độ cơ quan quản lý, Trường phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương Hà Nội) Hoàng Thị Hồng cho biết, trong thời đại công nghệ số, mua sắm trực tuyến mang lại nhiều tiện ích nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Vì vậy người tiêu dùng cần cảnh giác với các trang web giả mạo, không chia sẻ thông tin cá nhân với các nguồn không đáng tin cậy và ưu tiên mua hàng trên những nền tảng có chính sách bảo vệ khách hàng rõ ràng.

Thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội duy trì việc tiếp nhận các thông tin phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng giải quyết kịp thời mọi kiến nghị của người tiêu dùng. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến tới các tổ chức, cá nhân về Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Bên cạnh đó, phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn Thành phố tổ chức cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn ký cam kết không vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hoá vi phạm an toàn thực phẩm.

PGS.TS Nguyễn Thị Chính, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam-Giám đốc Công ty TNHH Nấm Linh Chi cho biết, vấn đề thực phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm, thuốc, một số sản phẩm nấm dược liệu bị làm giả, làm nhái đang là một thách thức lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng và uy tín của cả một ngành công nghiệp cũng như những doanh nghiệp có nghiên cứu khoa học chân chính.

Để giải quyết vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Chính cho rằng, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và chính người tiêu dùng. Ở đó, các cơ quan quản lý cần tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái.

Xây dựng và bắt buộc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm để người tiêu dùng có thể dễ dàng kiểm tra thông tin về nguồn gốc, quy trình sản xuất của sản phẩm. Công bố công khai các sản phẩm đạt chuẩn chất lượng, các cơ sở sản xuất uy tín trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng có cơ sở lựa chọn.

Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội cho biết, thời gian tới đơn vị sẽ phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội và các doanh nghiệp tổ chức các chương trình kết nối cung-cầu, đưa hàng Việt về khu dân cư ngoại thành, các khu công nghiệp, khu chế xuất, qua đó giúp người dân được tiếp cận sản phẩm hàng Việt chất lượng, giá cả hợp lý.

Đặc biệt, đổi mới công tác tuyên truyền theo hướng tập trung vào việc nâng cao nhận thức người dân không chỉ về trách nhiệm ưu tiên dùng hàng Việt, mà còn về chất lượng ngày càng tốt của sản phẩm Việt, từ đó hình thành tâm lý tự hào khi sử dụng hàng hóa trong nước.

Bích Phương

Top