Làm rõ các nguyên nhân giải ngân chậm

08/12/2022 10:52 AM

(Chinhphu.vn) - Là khâu được đánh giá là yếu của năm, các đại biểu HĐND TP. Hà Nội đã nêu nhiều nguyên nhân thực chất của giải ngân vốn đầu tư công chậm như: Do công tác chuẩn bị đầu tư, điều chỉnh giá nhiều lần, khó giải phóng mặt bằng và ngoài nguyên nhân khách quan, chủ yếu vẫn là do quyết tâm, công tác phối hợp…

Làm rõ các nguyên nhân giải ngân chậm - Ảnh 1.

Kỳ họp thứ 10 HĐND TP. Hà Nội - Ảnh: VGP/Gia Huy

Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội tại kỳ họp thứ 10 HĐND Thành phố, kết quả giải ngân 10 tháng năm 2022 đạt 21,63 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ đạt 42,4% kế hoạch (cùng kỳ đạt tỷ lệ 39,1%).

Sáng 8/12, trong phần tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu HĐND TP. Hà Nội kỳ họp thứ 10, về đầu tư công, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, nhiều ý kiến thống nhất đánh giá đây là khâu yếu của các năm, trong đó đặc biệt là năm 2022 và đề nghị phân tích, đánh giá rõ nguyên nhân thực chất của việc giải ngân chậm.

Theo đó, các đại biểu thảo luận và chỉ ra các nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan và thực chất của chậm muộn. Do công tác chuẩn bị đầu tư, điều chỉnh giá nhiều lần, tổng mức đầu tư không chính xác, hiệu quả đầu tư…Điều chỉnh điều hoà các dự án: ngoài do chính sách pháp luật thì là do phối hợp: Quy trình, thủ tục hành chính…

Một số đại biểu có ý kiến đề nghị đánh giá về hiệu quả đầu tư, về thứ tự ưu tiên như đối với lĩnh vực giao thông (do dàn trải, không theo thứ tự ưu tiên nên không thông suốt toàn tuyến và không phát huy được hiệu quả đầu tư. Các ý kiến cho rằng cần đánh giá và đẩy mạnh công tác giám sát hiệu quả đầu tư từ trước khi dự án được phê duyệt và khi phê duyệt dự án.

Đại biểu cũng quan tâm vấn đề liên thông phối hợp trong đề xuất và trong triển khai đầu tư công giữa các địa bàn trong cùng lĩnh vực và giữa các lĩnh vực với nhau.

Nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục rà soát quy hoạch ngành, lĩnh vực và quy hoạch tích hợp các ngành khi đề xuất dự án: trong đó đặc biệt là giao thông phải luôn đi trước một bước; quy hoạch đất đai phải gắn chặt, đồng bộ, thông suốt, thống nhất với các quy hoạch khác.

Ngoài nguyên nhân khách quan, chủ yếu vẫn là do cách làm, do quyết tâm, do phối hợp. Về giá, do vấn đề lạm phát; công bố suất đầu tư; thông báo giá; tâm lý chờ do chính sách pháp luật, do cách làm, do phối hợp; các vấn đề liên quan hợp đồng trọn gói.

Về các dự án trọng điểm, trong đó có 4 nhóm chính: Các dự án ODA, 39 công trình trọng điểm, Dự án đường Vành đai 4, đầu tư 3 lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục. Đây là những nhóm rất quan trọng, tuy nhiên các đại biểu đều đánh giá tiến độ đều chậm, ngoài những yếu tố mang tính khách quan là về giải phóng mặt bằng, giá... thì nguyên nhân chủ quan là do chưa dành đủ sự quan tâm của cả cơ quan quản lý nhà nước và người dân.

Các ý kiến cho rằng cần rà soát lại nguồn vốn, rà soát lại việc khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực. Rà soát lại Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025: Cập nhật điều chỉnh. Rà soát cắt giảm dự án không cần thiết, chậm tiến độ hoặc đánh giá lại sự cần thiết các dự án…

Trong phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp thứ 10 HĐND TP. Hà Nội vào sáng 7/12, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu xác định rõ thứ tự ưu tiên, lộ trình giải quyết, cách thức tổ chức triển khai thực hiện, nhất là với các nhiệm vụ nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém đã xác định được trong quá trình đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, nhất là, các vấn đề liên quan đến tài chính ngân sách, đầu tư công trung hạn, công trình trọng điểm; liên quan đến các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Đặc biệt, phải tiếp tục làm tốt hơn nữa việc huy động các nguồn lực đầu tư cho sự phát triển của Thành phố, tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm 2023.

Gia Huy

Top