Làm thế nào để sông Hồng vượt qua những thách thức do biến đổi khí hậu

24/09/2024 6:37 PM

(Chinhphu.vn) - Những ngày qua, cơn bão số 3 càn quét qua Hà Nội khiến cho nước sông Hồng một lần nữa dâng cao. Để sông Hồng để đáp ứng với những thách thức do biến đổi khí hậu trước mắt và lâu dài, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội cần gắn với quy hoạch đê điều.

Kiên định thực hiện quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều

Trong Luật Thủ đô năm 2024 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 có nội dung quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội phải bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước với sông Hồng. Đáng chú ý, Điều 17 Luật Thủ đô năm 2024 nêu rõ: "Các khu vực bãi sông, bãi nổi còn lại được phép xây dựng các công trình dành cho không gian công cộng, công trình phục vụ mục đích công cộng nhưng không tôn cao bãi sông, bãi nổi để bảo đảm yêu cầu không làm cản trở dòng chảy".

Làm thế nào để sông Hồng vượt qua những thách thức do biến đổi khí hậu- Ảnh 1.

Sông Hồng có vai trò quan trọng trong quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội - Ảnh: VGP/Thùy Chi

Liên quan đến việc thực thi nội dung này có quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi; quy hoạch phòng, chống lũ; quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, sông Đáy đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Để bảo đảm lưu thông dòng chảy, Khoản 3 Điều 32 Luật Thủ đô năm 2024 đã liệt kê các công trình gây cản trở dòng chảy cần loại bỏ.

KTS. Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho biết, theo quy luật vật lý thông thường thì các không gian, công trình phục vụ mục đích công cộng được hiểu chỉ là giữ nguyên cao trình hiện trạng, không tôn cao, san lấp mà chỉ tạo ra những bề mặt bằng phẳng hay những chi tiết kiến trúc nhỏ, có độ mảnh, không tạo nên những khối tích bất kỳ kích thước nào để bảo đảm dòng chảy được lưu thoát. Những quy định của Luật Thủ đô năm 2024 đã loại bỏ những nội dung trái với quy hoạch đê điều và Luật Thủ đô cũng có trong dự thảo Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội.

KTS. Trần Huy Ánh đánh giá, quy hoạch phòng, chống lũ, quy hoạch đê điều đã được thực hiện rất kiên định. Điển hình như "Vụ đê Yên Phụ" (năm 1995) đã phá bỏ hơn 200 ngôi nhà xây dựng trái phép, cũng như xử lý các cán bộ liên quan... Đã gần 30 năm qua, có không ít đề xuất giải pháp quy hoạch khu vực ngoài đê sông Hồng. Tuy nhiên, cho đến hôm nay, chưa phương án nào triển khai do gặp nhiều vướng mắc về quy hoạch. Trong khi đó, Quy hoạch Thủ đô có nhiều điểm mới nhưng vẫn phải phù hợp với quy hoạch đê điều và quy hoạch khác có liên quan.

Tháng 6/2024, thảo luận ở hội trường Quốc hội về quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường, người tham gia xây dựng quy hoạch Thủ đô đánh giá, sông Hồng trong quy hoạch có vai trò rất quan trọng. Sông Hồng sẽ lồng ghép 3 nhiệm vụ: Tiết kiệm 5 tỷ mét khối nước sạch để phục vụ sinh hoạt và sản xuất; rửa trôi nước thải, làm sạch các dòng sông khô hạn ô nhiễm và tạo cảnh quan để xây dựng con đường di sản hai bên bờ sông.

Việc giữ lại 5 tỷ mét khối nước xả từ hồ thủy điện trong thời gian rất ngắn đòi hỏi không gian trữ nước rất lớn, nếu trữ trong 1.000km2 thì cột nước cao khoảng 5m, trong khi tổng diện tích trong lòng đê hai bên sông của 29km sông Đà và 129km sông Hồng chảy qua Hà Nội có diện tích 400km2. Khi đập Xuân Quan, Long Tửu hình thành đập dâng thì 400km2 dòng sông và vùng đất bãi lọt trong hai con đê có thể trữ được 2 tỷ mét khối nước sạch, bảo đảm nguồn nước sạch và rửa trôi nước ô nhiễm nhưng sẽ nhấn chìm con đường và các công trình xây dựng trong khu vực.

Tình huống trên đặt ra câu hỏi xây tuyến đê mới, hai con đường mới và khu dân cư ở đâu? Câu trả lời là đường mới và tuyến đê mới đặt tại vị trí của tuyến đê hiện trạng. Đây là việc làm mang lại nhiều lợi ích đã được Luật Đê điều năm 2006 cho phép.

Theo KTS. Trần Huy Ánh, việc định cư an toàn, lâu dài cho 0,3 triệu dân cư ngoài đê sông Hồng bấy lâu nay là thách thức lớn. Tuy nhiên, Quy hoạch thành phố mới phía Bắc Hà Nội đã giảm đất nông nghiệp, tăng đất ở để tiếp nhận thêm 1,6 triệu người. Với chiến lược làm đập tràn, lấy nước sạch sông Hồng cất giữ trong lòng sông và tràn vào các sông con, kênh mương, hồ ao, ruộng trũng… có thể tạo thành đô thị nước sinh thái, gia tăng chất lượng sống, giá trị bất động sản, cũng như phát triển nông nghiệp thủy sản hiện đại, làm giàu cho người dân trong đồng lẫn ngoài bãi và cho cả Thủ đô Hà Nội.

KTS. Trần Huy Ánh nhấn mạnh, việc dành không gian cho nước, bảo đảm thoát lũ nhanh mùa nước và dự trữ nước sạch cho mùa hạn sẽ góp phần quan trọng giúp Hà Nội trở thành thành phố an toàn và thịnh vượng.

Phát triển bền vững, bảo vệ an ninh nguồn nước sông Hồng

Luật Thủ đô năm 2024 với nhiều quy định mới về chính sách, cơ chế đặc thù được xem là động lực, cơ hội để Hà Nội tập trung nguồn lực, quy hoạch đô thị ven sông Hồng thành điểm đột phá. Đây là tiền đề để xây dựng và phát triển Thủ đô là hạt nhân liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, đối với các chính sách xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý các quy định về quản lý, sử dụng đất tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê, bảo đảm phù hợp với quy hoạch và yêu cầu về phòng, chống lũ. Tinh thần chung là tiếp thu tối đa ý kiến cơ quan chuyên môn, cử tri, đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố.

Theo đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua quy định tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống. Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch.

Cụ thể, cho phép xây dựng các tuyến đê mới phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều và quy hoạch khác có liên quan để khai thác hiệu quả quỹ đất. Trên bãi sông được phép tồn tại một số khu vực dân cư hiện hữu và được phép xây dựng mới công trình, nhà ở với tỷ lệ thích hợp theo quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê và quy hoạch khác có liên quan; các khu vực bãi sông, bãi nổi còn lại được phép xây dựng các công trình dành cho không gian công cộng, công trình phục vụ mục đích công cộng nhưng không tôn cao bãi sông, bãi nổi để bảo đảm yêu cầu không làm cản trở dòng chảy.

Thành phố được quyết định điều chỉnh việc xác định phân vùng môi trường trong quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện. Về phía HĐND thành phố Hà Nội được giao trọng trách quy định chi tiết trình tự, thủ tục điều chỉnh việc xác định phân vùng môi trường, điều chỉnh cục bộ quy hoạch.

Luật Thủ đô 2024 được nhiều chuyên gia đánh giá cao, trong đó các quy định về phân cấp, phân quyền cho chính quyền Thủ đô trong quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô, bảo đảm thực hiện quy hoạch, quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan. Đồng thời xây dựng, tái thiết đô thị để thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Từ đó đầu tư, xây dựng ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống, quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng, tạo sự linh hoạt cho thành phố.

Đây cũng là nội dung mới so với quy định của pháp luật hiện hành, chuyển thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư từ Thủ tướng Chính phủ về cho thành phố Hà Nội, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương trong việc phát huy tiềm năng, tận dụng quỹ đất nông nghiệp sẵn có nhưng vẫn phù hợp với mục tiêu quản lý và bảo vệ đê điều, phòng chống thiên tai.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Luật Thủ đô 2024 là cơ hội "vàng" để quy hoạch đô thị ven sông Hồng đột phá. Tuy nhiên, việc quy hoạch và lộ trình quy hoạch Thủ đô phải được thực hiện và kiểm soát chặt chẽ. Đích đến là xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, môi trường sống trong lành, an ninh nguồn nước với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của thành phố.

Thùy Chi

Top