Làm thế nào để ‘xanh hóa' xe buýt?
(Chinhphu.vn) - “Xanh hóa” xe buýt không chỉ nói đến khía cạnh chuyển đổi xe buýt xăng thành xe buýt sạch, thân thiện hơn với môi trường, mà còn phải “xanh” ở chất lượng dịch vụ, thông tin… Như vậy, mới có thể thu hút người dân, du khách sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn.
Thay đổi là tất yếu
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mêtan của ngành Giao thông vận tải. Theo lộ trình này, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%. Đến năm 2050, 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.
Trong các địa phương trên cả nước, Thủ đô Hà Nội đã tiên phong trong việc tăng cường các phương tiện công cộng, đẩy nhanh quá trình điện khí hoá xe buýt để thân thiện hơn với môi trường và người dân. Cụ thể, UBND TP. Hà Nội đã giao cho Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng mục tiêu, lộ trình thực hiện.
Thống kê của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cho thấy, toàn Thành phố hiện có 132 tuyến buýt trợ giá với hơn 2.000 xe buýt, trong đó có 269 xe buýt điện và và xe sử dụng nhiên liệu sạch (khí nén CNG), chiếm 13,3% tổng số xe; có trên 1.000 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4; tuổi đời bình quân của đoàn phương tiện khoảng 4 năm.
Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội Thái Hồ Phương cho biết, có thể đánh giá, đoàn phương tiện của Hà Nội là đạt chất lượng, thường xuyên được thay thế đổi mới. Tuổi đời đoàn phương tiện xe buýt trẻ, không có phương tiện trên 10 năm. Tỷ lệ 13,3% xe buýt sử dụng năng lượng sạch là sự cố gắng, nỗ lực của cả doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước.
Đến thời điểm này, 9 tuyến xe buýt điện của Hà Nội đã vận hành được 1 năm - cũng là những tuyến buýt điện đầu tiên của Đông Nam Á và được nhân dân đánh giá cao.
Là đơn vị tiên phong trong việc đưa xe buýt điện vào hoạt động tại Hà Nội và một số địa phương trên cả nước, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái VinBus Nguyễn Công Nhật chia sẻ, chúng ta đều nhìn thấy bức tranh tại các đô thị lớn tại Hà Nội và TPHCM là ô nhiễm môi trường và tắc đường. Mức độ phát thải của phương tiện giao thông cực lớn nên mục tiêu giảm phát thải ở các thành phố lớn là ưu tiên hàng đầu.
Một nghiên cứu cho thấy, hiện 1 lít dầu Diesel thải ra 2,32kg khí CO2. Như vậy, với một xe buýt thông thường đang chạy khoảng 250-300km/ngày thì thải ra khoảng 6 tấn CO2/tháng. Với số phát thải của xe buýt khi chạy thì cần 3.000 cây xanh hấp thụ/năm. Đây là con số khá giá trị. Thay vì trồng rừng một cách trực tiếp, cần đất đai thì thì tốt nhất, ta trồng rừng một cách gián tiếp bằng cách chuyển đổi phương tiện, năng lượng, giao thông công cộng và xe buýt là mũi nhọn đầu tiên.
Cũng theo ông Nguyễn Công Nhật, khi Vinbus đưa các tuyến buýt điện vào vận hành, ban đầu, có rất nhiều ý kiến nghi ngại, từ năng lượng đến lộ trình... Thế nhưng sau một năm đi vào hoạt động, Vinbus nhận được rất nhiều ý kiến tích cực. Từ người ngồi trong xe cho tới đi đường đều cảm thấy đỡ mùi xăng xe, không thấy khói bụi…
Cần "xanh" cả ở phương tiện và chất lượng, dịch vụ
Đánh giá tính tích cực việc Hà Nội đưa vào sử dụng hệ thống xe buýt điện, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho rằng, sử dụng xe buýt điện không chỉ bởi những khía cạnh về môi trường mà còn về việc nâng cao hình ảnh xe buýt trong mắt người dân. Tuy nhiên, khi bàn về tiêu chí "xanh" thì cần phải đánh giá trên một bức tranh tổng thể.
"Nếu xét trên quan điểm có thân thiện với môi trường hay không, có tiêu thụ nhiên liệu hoá thạch hay không, chúng ta cần nhận định rõ không phải cứ chạy bằng điện là xanh hoàn toàn. Bức tranh tổng thể ngành năng lượng của ta vẫn còn 44% sử dụng nhiên liệu hoá thạch đốt than, đốt dầu, đốt khí để tạo ra điện. Cho nên một chiếc xe buýt chạy điện vẫn còn 56% sử dụng năng lượng tái tạo là điện gió, điện mặt trời thôi; 44% vẫn là nhiên liệu hoá thạch nên về nhiên liệu không hẳn là xanh", ông Phan Lê Bình nói.
Tuy nhiên, trong tương lai, ngành năng lượng sẽ tăng dần năng lượng tái tạo nên việc sử dụng nhiên liệu điện sẽ góp phần xanh hoá hệ thống xe buýt của Thành phố. Đặc biệt, không chỉ là xe dùng nhiên liệu gì mà còn cả thái độ phục vụ, cung cách phục vụ của xe buýt.
Cùng quan điểm này, ông Thái Hồ Phương cho hay, hiện nay, Hà Nội đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá chất lượng phương tiện vận tải công cộng. Lần đầu tiên, Hà Nội xếp hạng các vận tải hành khách công cộng theo tiêu chí 1 - 5 sao. Qua 9 tháng, chúng ta đã có đánh giá 1 đơn vị 5 sao và 9 đơn vị 4 sao.
"Để đánh giá chất lượng dịch vụ, tôi nghĩ ngoài phương tiện xanh, CNG hay diesel chỉ như hình thức bên ngoài, còn nội dung là chất lượng dịch vụ. Để đạt chất lượng cao thì phương tiện xanh trọn vẹn là kết hợp giữa phương tiện và chất lượng dịch vụ. "Xanh" là cả về phương tiện và con người. "Xanh" là chất lượng dịch vụ, chất lượng phương tiện, điểm dừng, thông tin, giá trị gia tăng như GPS, wifi...".
Để các nhà đầu tư có cơ sở để đầu tư thay thế dần từ diesel sang buýt điện, theo ông Phương, cần có định mức đơn giá tính đúng, tính đủ, các nhà đầu tư sẽ có cơ sở đầu tư thay thế dần từ buýt diesel sang buýt điện đồng thời được hưởng chính sách như thuế trước bạ, thuế nhập khẩu linh kiện, hỗ trợ lãi vay…
Với 9 tuyến buýt điện, sau một năm vận hành, UBND TP. Hà Nội đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ gia hạn thời gian thí điểm đến khi có Bộ định mức đơn giá được duyệt.
Thành Nam