Làng Hữu nghị Việt Nam: Ánh sáng nhân ái xoa dịu chiến tranh
(Chinhphu.vn) - Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của Đảng, Nhà nước, các ban, ngành, địa phương và đặc biệt là những tấm lòng hảo tâm từ bạn bè quốc tế, Làng Hữu nghị Việt Nam (huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã và đang thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị quan trọng là chăm sóc, điều dưỡng, phục hồi chức năng cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Giữa những buổi học kỹ năng, các em sẽ được học các bài thể dục giữa giờ - Ảnh: VGP/ Văn Hiền
Được lập ngày 18/3/1998 (trực thuộc Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam), Làng Hữu nghị Việt Nam (gọi tắt là Làng) không chỉ là cơ sở chăm sóc y tế mà còn là điểm tựa tinh thần cho những số phận mang di chứng chiến tranh.
Hơn hai thập kỷ qua, Làng đã tiếp nhận, điều trị cho hàng nghìn cựu chiến binh, thanh niên xung phong nhiễm chất độc da cam hạn chế vận động, suy giảm trí nhớ, rối loạn thần kinh… Bên cạnh đó, Làng còn là "mái nhà thứ hai" của hàng trăm trẻ em thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba được sinh ra trong hình hài không lành lặn, mang dị tật, câm điếc, bại não, tự kỷ… nhưng được chăm sóc bằng tình yêu thương, được trị liệu, học văn hóa, học nghề và rèn luyện kỹ năng sống để từng bước vượt qua mặc cảm, tự tin hòa nhập cộng đồng.
Khi tình yêu thương chữa lành vết thương chiến tranh
Lần đầu đặt chân đến Làng Hữu nghị Việt Nam, cựu chiến binh Bùi Đức Thắng (tỉnh Điện Biên), người từng trực tiếp tham gia cuộc Tổng tiến công Xuân 1975, xúc động chia sẻ: "Cơ sở vật chất khang trang, môi trường ấm áp tình người, sự chăm sóc tận tình từ cán bộ, điều dưỡng khiến tôi thật sự cảm động. Chúng tôi cảm nhận rõ sự quan tâm thiết thực, nhân văn từ Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội".
Đặc biệt, ông Thắng cho biết ông càng thêm tự hào khi được gặp gỡ đồng đội, cùng ôn lại ký ức hào hùng trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, một dấu mốc thiêng liêng tiếp thêm nghị lực cho hiện tại và tương lai. Rời quân ngũ, từ năm 2012 ông Thắng tiếp tục đóng góp cho cộng đồng trong vai trò tổ trưởng tổ dân phố, giữ trọn phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ".
Không chỉ là nơi điều trị, Làng Hữu nghị còn là không gian gắn kết, nơi quá khứ, hiện tại và tương lai giao thoa qua những buổi sinh hoạt, giao lưu giữa các cựu chiến binh.

Các bác cựu chiến binh cùng cô Toàn chơi đánh cờ tướng- Ảnh: VGP/ Văn Hiền
Ông Nguyễn Quý Đôn (Sơn La) chia sẻ: "Chúng tôi không chỉ được chăm sóc về thể chất mà còn được đối xử như người thân. Những nhân viên như cô Đặng Thị Toàn luôn quan tâm, chăm sóc chúng tôi bằng tình cảm của một người con".
Gắn bó nhiều năm tại Làng, cô Đặng Thị Toàn tâm sự: "Các cụ tuổi cao, nhiều người mang di chứng nặng nề từ chiến tranh, có người không còn kiểm soát hành vi. Chăm sóc các cụ không chỉ cần chuyên môn mà còn phải có lòng kiên nhẫn và tình thương".
Theo cô Toàn, mỗi đoàn điều dưỡng có khoảng 20 người, đều được cán bộ phụ trách sát sao. Để các cụ làm quen với môi trường mới cũng mất ít nhất một tuần. Nhưng rồi họ lại trở nên gắn bó, thân tình như người nhà. Tuy nhiên, mỗi năm, Làng chỉ có thể tiếp nhận khoảng 500 cựu chiến binh từ 36 tỉnh thành phía Bắc luân phiên nhau.

Những đứa trẻ mang trong mình di chứng chiến tranh nhưng đầy nghị lực vươn lên nhờ sự nỗ lực của cả cô và trò - Ảnh: VGP/ Văn Hiền
"Nhiều cụ nói, cả năm chỉ mong vài tuần về Làng – không chỉ để chữa bệnh, mà để sống lại trong tình cảm ấm áp, nơi chúng tôi coi họ như cha mẹ. Đó là phần thưởng lớn nhất với chúng tôi", cô Toàn xúc động nói.
Hạt giống lành nảy mầm từ nhẫn nại
Hơn một thập kỷ gắn bó với Làng, cô giáo Nguyễn Thị Loan gọi nơi đây là "gia đình thứ hai". Ở lớp Kỹ năng 2 của cô Loan, mỗi bài học bắt đầu từ những điều đơn giản nhất: Cầm bút, đánh răng, gấp quần áo, lau nhà… Những kỹ năng sống tưởng chừng nhỏ bé nhưng là cả hành trình dài với những đứa trẻ không may mắn, có em không biết nói, có em không thể đi lại, có em thường xuyên kích động, tự làm đau bản thân.
Tuổi dậy thì vốn đã phức tạp, với các em ở Làng lại là "cuộc chiến" âm thầm. Bướng bỉnh, giận dỗi, thu mình… những lúc như vậy cô chọn lùi lại, lắng nghe và kết nối. Như với em Đoàn Trung Đức từng bướng bỉnh, từng có ý định tự làm đau bản thân nay đã biết giúp mẹ, sống tự lập sau 5 năm đồng hành cùng cô. Có em học 3 tháng mới biết gấp khăn. Có em mất một năm để dám cười khi gặp người lạ. Nhưng chưa lần nào cô nản lòng.

Tuỳ thuộc vào sức khỏe và năng lực mà mỗi em học sinh sẽ có một chương trình dạy kỹ năng riêng- Ảnh: VGP/ Văn Hiền
Cô Loan kể: "Ở Làng, có những đứa trẻ sau một thời gian đã được trở về sống hòa nhập với cộng đồng. Năm ngoái lớp tôi có 2 bạn hòa nhập, các em ấy biết tự chăm sóc bản thân và phụ giúp bố mẹ công việc nhà. Mỗi cuộc chia tay là một niềm vui xen lẫn nghẹn ngào".
Hơn 10 năm gắn bó, những đứa trẻ đi qua lớp học nhỏ của cô Loan. Có những cái tên giờ đã hòa vào cuộc sống, có những khuôn mặt in đậm trong tim cô bằng cả nỗi nhớ và niềm tự hào: "Các con không giống những người bình thường. Nhưng điều đó không có nghĩa các con không thể sống một cuộc đời bình thường. Chỉ là các con cần nhiều thời gian hơn và cần những người đủ kiên trì đồng hành".

Cô Loan cùng học sinh lớp Kỹ năng 2 học trồng cây - Ảnh: VGP/ Văn Hiền
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng vết thương của nó vẫn còn hằn lại trên thân thể và số phận của bao người. Giữa dòng chảy tất bật của cuộc sống hiện đại, Làng Hữu nghị Việt Nam như một khoảng lặng dịu dàng, nơi thời gian chậm lại để yêu thương lên tiếng.
Ở đó, tình người không chỉ chở che cho những mảnh đời kém may mắn, mà còn âm thầm viết tiếp một chương mới, chương của hy vọng, của nghị lực hồi sinh, của lòng nhân ái Việt Nam không bao giờ tắt.
Mỗi ngày trôi qua tại Làng là một hành trình xoa dịu quá khứ bằng ánh sáng của hiện tại, để những đứa trẻ mang trong mình di chứng chiến tranh vẫn có thể mỉm cười, lớn lên và sống trọn vẹn bằng tất cả những gì tốt đẹp nhất mà cuộc đời có thể mang lại.
Văn Hiền