Làng nghề gốm, sứ Bát Tràng - chuyển mình hồi sinh sau đại dịch

25/10/2021 5:20 PM

(Chinhphu.vn) - Về thăm làng nghề gốm, sứ Bát Tràng hôm nay, chứng kiến người dân nơi đây đang từng ngày nỗ lực khôi phục lại sản xuất, chuyển mình hồi sinh sau một thời gian dài tạm dừng hoạt động vì đại dịch COVID-19, báo hiệu một tương lai tươi sáng hơn của một làng nghề nghìn năm tuổi.

Làng gốm Bát Tràng nhộn nhịp hoạt động trở lại- Ảnh: Vĩnh Hoàng

Làng Bát Tràng, trực thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội - nơi có nhiều làng nghề truyền thống nhất nhì cả nước. Trong số gần 5.400 làng nghề ở Việt Nam, thì Hà Nội chiếm tới 1/3 (với khoảng 1.350 làng nghề). Do tác động của đại dịch COVID-19, thời gian qua, các hộ kinh doanh của làng gốm, sứ Bát Tràng gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, làng gốm, sứ Bát Tràng có chừng 1.000 hộ sinh sống thì có khoảng 600 hộ làm nghề gốm; số còn lại làm các dịch vụ bổ trợ về mầu vẽ, hoa nổi, vẽ thủ công, thợ rót… và trung chuyển buôn bán tại các gian hàng giới thiệu sản phẩm trong khu chợ trung tâm của làng nghề.

Trước đây, khi dịch chưa bùng phát, ngày nào lò nung tại làng gốm cũng đỏ lửa, hoạt động liên tục với các đơn hàng tấp nập phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; nhưng từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, đặc biệt là khi thành phố áp dụng thực hiện theo Chỉ thị 16 của Chính phủ về giãn cách xã hội, làng nghề rơi vào tình trạng sản xuất đình trệ. Các đối tác nước ngoài ngừng nhập hàng, hàng sản xuất ra phải lưu kho, nên đa phần các cơ sở sản xuất phải tạm đóng cửa.

Chuyển mình hồi sinh

Để hỗ trợ các làng nghề phát triển thời gian qua, TP Hà Nội đã ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ cho các làng nghề duy trì và phát triển như: Chính sách phát triển các ngành nghề nông thôn, hỗ trợ kinh phí công nhận danh hiệu làng nghề. Trong năm 2020, quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã cho 29 dự án tại các làng nghề Hà Nội với số vốn trên 9,7 tỷ đồng được thực hiện; triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm; đây cũng sẽ là phương án trợ giúp cho các làng nghề của thành phố Hà Nội gia tăng giá trị, thu nhập cũng như nâng tầm thương hiệu sản phẩm làng nghề.

Ngay trong những lúc dịch bệnh căng thẳng, chính sách ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID- 19 cho lao động hoạt động thương mại tại các làng nghề; tạo điều kiện cấp “luồng xanh” cho các xe chở hàng hóa, nguyên vật liệu vào làng nghề, xe container của các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ... cũng là một trong những hướng đi nhanh và thần tốc của thành phố để đảm bảo tránh đứt gẫy các chuỗi cung ứng nhất có thể.

Sau thời gian dài nghỉ dịch, các thợ gốm đã quay trở lại làm việc - Ảnh: Thúy Vũ

Có thể thấy, Chính phủ và thành phố Hà Nội đã và đang có nhiều chính sách thiết thực hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nói chung và tại các làng nghề nói riêng. Bên cạnh đó, việc triển khai bán hàng qua mạng xuất hiện tại các làng nghề trong bối cảnh đại dịch cho thấy những nỗ lực vực dậy làng nghề thời hậu COVID-19 đang rất được quan tâm. Đây cũng chính là động lực giúp doanh nghiệp làng nghề vượt khó trong bối cảnh dịch bệnh COVID- 19 đang diễn biến phức tạp.

Tại làng gốm Bát Tràng, thay vì sự  ảm đạm trước đó hàng quán phải đóng cửa im lìm, thì giờ đây làng gốm đã bắt đầu có sự sinh sôi và nẩy nở của sự sống, sự tấp nập thường có đã bắt đầu hiện hữu. Xe cộ đã bắt đầu ra - vào, làng nghề lại bước vào một guồng quay mới, guồng quay của những đơn hàng chuẩn bị cho một năm mới đến cận kề và những đơn hàng cũ từ các xưởng chưa kịp xuất đi để trả khách vì dịch.

Mặc dù, nhiều nơi sản xuất phải đình trệ do dịch bệnh, các cửa hàng phải đóng cửa nhưng tại làng nghề truyền thống Bát Tràng, nhiều nghệ nhân, thợ lành nghề vẫn miệt mài ngày đêm cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, sáng tạo ra những mẫu mã mới nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Có thể thấy, khi đại dịch qua đi, cuộc sống trở lại bình thường mới, để phát triển và phục hồi kinh tế cho một làng gốm nghìn năm tuổi này, thì tập trung khôi phục sản xuất sau dịch thôi có lẽ là chưa đủ, mà các cấp lãnh đạo và người dân làng nghề gốm sứ Bát Tràng sẽ cần phải chú trọng thêm nữa để mở rộng, nâng cao chất lượng về dịch vụ du lịch, hướng đến giới trẻ nhiều hơn nữa. Đây cũng là một lượng khách hàng tiềm năng giúp cho làng nghề phát triển và phục hồi nhanh hơn thông qua những hoạt động quảng bá văn hóa, du lịch làng nghề.

Thúy Vũ

Top