Làng nghề Sơn Đồng trong tiến trình hội nhập thế giới
(Chinhphu.vn) - Làng nghề điêu khắc sơn mỹ nghệ Sơn Đồng, huyện Hoài Đức vốn là một trong 10 làng nghề độc đáo, tiêu biểu của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Chủ tịch Hội đồng Thủ công thế giới thăm hoạt động sản xuất tại Công ty CP Thiên Địa Lộc của nghệ nhân Nguyễn Danh Sơn. Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Vì vậy, để phát triển làng nghề bền vững, đưa tinh hoa của làng nghề hội nhập với thế giới, chính quyền và các nghệ nhân của làng nghề đều mong muốn đưa làng nghề Sơn Đồng tham gia vào Hội đồng thủ công thế giới, mở ra cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm làng nghề.
Vừa qua, làng nghề Sơn Đồng đã tham gia sự kiện trưng bày, trình diễn, tạo tác sản phẩm thủ công Mỹ nghệ tại Hoàng thành Thăng Long và được đón tiếp các thành viên Hội đồng thủ công thế giới đến tham quan, khảo sát, nghệ nhân Nguyễn Danh Sơn và toàn thể người dân làng nghề đều kỳ vọng về một sự phát triển mới cho làng nghề trong thời kỳ hội nhập với thế giới.
Làng nghề Sơn Đồng là làng nghề về điêu khắc, tạc tượng, sơn mỹ nghệ có lịch sử hình thành và phát triển hàng nghìn năm. Năm 2001, Sơn Đồng được UBND tỉnh Hà Tây cũ cấp Bằng công nhận làng nghề. Năm 2007, sách Kỷ lục Việt Nam đã ghi danh Sơn Đồng là "Làng nghề tạc tượng và đồ thờ phụng Phật giáo lớn nhất Việt Nam". Tiếp đó, năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội làng nghề Sơn Đồng vinh dự là một trong 4 làng nghề được thành phố Hà Nội chọn tham dự lễ rước Tổ nghề trong Lễ hội làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội. Năm 2015, Hội làng nghề mỹ nghệ xã Sơn Đồng được Cục sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Bên cạnh đó, Sơn Đồng còn được Hiệp hội làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu Làng nghề tiêu biểu Việt Nam…
Việc chế tác sản phẩm làng nghề Sơn Đồng có nét rất độc đáo và đặc trưng, ngoài công thức chung kế thừa của cha ông, mỗi nghệ nhân ở Sơn Đồng cũng có những thủ pháp, kỹ thuật điêu khắc, cách phân, quân, tỷ lệ khác nhau vào mỗi tác phẩm nghệ thuật.
Ngoài ra, kỹ thuật sơn son thếp vàng tượng Phật cũng kỳ công như nghệ thuật làm vóc sơn mài. Đầu tiên, "hom" tượng bằng sơn trộn đất phù sa (tỷ lệ không được non sơn cũng không được quá già) rồi "bó" bằng sơn sống, sơn "thí". Sau mỗi công đoạn đều phải mài tượng bằng đá và nước sơn lên rồi lại mài đi, rồi lại sơn lên cho đến khi thấy mặt tượng phẳng, nhẵn thì dùng một lớp sơn (gọi là sơn cầm thếp) lên trên.

Chủ tịch Hội đồng Thủ công thế giới thực hiện dát vàng vào sản phẩm theo sự hướng dẫn của nghệ nhân làng nghề. Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Ông Nguyễn Viết Huân, Chủ tịch Hội nghệ nhân, thợ giỏi xã Sơn Đồng cho hay: Làng nghề Sơn Đồng nổi tiếng với nghề tạc tượng Phật, đồ thờ cúng, hay trạm khắc thủ công mỹ nghệ. Sản phẩm của làng nghề rất đa dạng, từ tượng Phật, tượng Thánh, hoành phi, câu đối, đến các loại bàn thờ, ngai, kiệu…
Trong tiến trình hội nhập, các nghệ nhân của làng nghề đang nỗ lực cải tiến mẫu mã, tìm hiểu thị trường để mang tinh hoa làng nghề ra Thế giới, mở ra hướng xuất khẩu sản phẩm làng nghề, nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo ông Nguyễn Viết Hùng, Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng, xã hiện có khoảng 1.700 hộ làm nghề, chiếm 70% tổng số hộ dân trong xã. Mỗi năm, làng nghề Sơn Đồng mang lại giá trị thu nhập hàng trăm tỷ đồng. Để hội nhập với thế giới, phát triển du lịch làng nghề thì việc bảo vệ môi trường, quy hoạch các khu, cụm điểm công nghiệp làng nghề là điều cần thiết cho làng nghề phát triển.
Huyện Hoài Đức với nhiều làng nghề độc đáo và bề dày văn hóa lịch sử truyền thống, ông Khuất Trọng Kiên, Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức cho rằng việc khai thác được tiềm năng, phát triển du lịch làng nghề gắn với các giá trị văn hóa truyền thống sẽ giúp địa phương phát triển công nghiệp văn hóa theo Nghị quyết 09 của Thành ủy Hà Nội.
Làng nghề là 1 trong 5 trụ cột phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội. Việc thúc đẩy các làng nghề hội nhập với thế giới sẽ mở ra hướng phát triển mới cho các làng nghề. Từ đó, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm làng nghề ra thị trường thế giới. Có nghề độc đáo, người Sơn Đồng luôn chú trọng truyền dạy để những tinh hoa của quê hương được gìn giữ và phát huy trong đời sống đương đại.
Thiện Tâm