Làng nghề tò he: Lưu giữ tâm hồn tuổi thơ

18/02/2018 12:02 PM

(Chinhphu.vn) – Trong thời đại công nghệ hiện nay giữa vô vàn trò chơi hiện đại, chúng ta khó có thể bắt gặp những em nhỏ chơi các đồ chơi dân gian. Thế nhưng, giữa lòng Thủ đô ít ai biết rằng vẫn còn tồn tại một làng nghề truyền thống lưu giữ nét đẹp tuổi thơ bình dị - đó là làng nghề “tò he” Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên.

Tò hè – gắn liền tuổi thơ với nhiều đứa trẻ. Ảnh: Diệu Anh

Nghề nặn tò he không rõ chính xác có từ khi nào, những nghệ nhân nặn tò he làng Xuân La cũng chỉ ước nghề này có khoảng trên dưới 300 năm, nhưng có một điều mà họ chắc chắn và khẳng định rằng làng nghề tò he Xuân La là làng nghề “độc nhất” ở Việt Nam, ngoài ra không có làng nào làm nghề này cả.

Vào những ngày giáp Tết, chúng tôi có dịp về thăm làng nghề Xuân La và may mắn khi được gặp nghệ nhân ưu tú Chu Tiến Công, ông đã nhiệt tình giới thiệu về nghề mà ông gắn bó xấp xỉ số tuổi 70 của mình.

Chia sẻ cho chúng tôi về nghề nặn tò he, ông Công cho biết, tò he là sản phẩm làm bằng bột dùng để cúng lễ nên chúng thường có hình thù các con vật như công, gà, trâu, bò, lợn, cá... vì vậy, người ta gọi sản phầm này là “đồ chơi chim cò”. Một số vùng tại miền Bắc, người ta còn gọi là “con bánh” vì bên cạnh hình thù các con vật, người ta còn nặn bột thành nải chuối, quả cau, chân giò, đĩa xôi... tạo thành mâm cỗ để đi chùa dâng cúng. Sản phẩm này có màu sắc tương đối giống đồ thực và có pha thêm chút đường nên có thể ăn được.

Các nghệ nhân thường di chuyển xa nhà, rong ruổi trong các phiên chợ quê, các làng xóm, phố phường để nặn tò he bán, nhất là khi nơi nào có lễ hội, đình đám. Hành trang đồ nghề của những nghệ nhân khá đơn giản gồm một con dao nhỏ, vài que tre, chút sáp ong, một cái lược và một thùng xốp để cắm tò he lên trưng bày.

Tuy nhiên, theo ông Công, nặn tò he tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. “Làm nghề này phải có óc tưởng tượng tốt, có hoa tay mà cao hơn nữa đó còn là tính nhẫn nại, cần mẫn và tình yêu thương con trẻ. Nặn được ra hình thù các con vật không khó, nhưng làm cho con vật có linh hồn, cảm xúc thì không phải ai cũng làm được”, người nghệ nhân già chia sẻ.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Thành chia sẻ việc giữ nghề tò he. Ảnh: Diệu Anh

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và thời bao cấp trước khi thực hiện công cuộc đổi mới, nghề tò he tưởng như đã mất, bởi nguyên liệu chính làm tò he là gạo nếp vô cùng khan hiếm. Thời ấy, chỉ còn vài ba hộ ở làng Xuân La làm tò he cầm chừng, rồi gánh đi bán ở một số lễ hội quanh vùng.

Tưởng chừng như sau thời đổi mới, làng nghề tò he sẽ có bước phát triển mới khi nguyên liệu để làm tò he đã sẵn hơn, nhưng sự bùng nổ của kinh tế thị trường khiến cho nguyên liệu phối màu từ thiên nhiên hiếm hơn và bắt đầu xuất hiện những loại đồ chơi công nghiệp lấn át các món đồ chơi dân gian. Trong khi đó, lớp trẻ ngày càng có nhiều nghề thu nhập cao để làm giàu, việc lựa chọn nghề truyền thống mưu sinh rất ít.

Ngay như gia đình ông Công, các con lớn lên cũng có xu hướng tìm đến các ngành kinh doanh để vực dậy kinh tế gia đình. Bản thân ông không ngăn cấm các con, nhưng luôn động viên, khích lệ các con giữ nghề nặn tò he như một nghề phụ để giữ nghề truyền thống, cũng như làm giàu thêm vốn văn hóa dân gian.

Trăn trở, chấn hưng nghề truyền thống

Đứng trước nguy cơ một làng nghề truyền thống đang dần bị mất đi, những nghệ nhân làng Xuân La tâm huyết với nghề như nghệ nhân ưu tú Chu Tiến Công đã quyết định thử nghiệm, cố gắng tìm nhiều hướng đi mới để làng nghề được tiếp tục duy trì và phát triển. Một trong những hướng đi ấy là thành lập nên Câu lạc bộ Tò he Xuân La.

Câu lạc bộ được thành lập vào năm 2009 với số hội viên ban đầu là 54 người là những nghệ nhân trong làng, cùng chung tay giữ gìn và phát triển làng nghề do cha ông xưa để lại. Đến nay, số hội viên đã tăng lên là 119 người với những thành công bước đầu.

Dù mỗi con to he bây giờ chỉ bán được 5-7 nghìn đồng nhưng các nghệ nhân nơi đây vẫn rong ruổi tới các lễ hội và phố phường Hà Nội để “hành nghề”, để cho các cháu nhỏ biết được ông cha chúng ngày xưa chơi cái gì, thông qua đó làm cho các cháu tự hào về truyền thống của cha ông.

Nghệ nhân Chu Tiến Công cho biết, hơn 40 năm qua, ông cùng chiếc xe đạp khắp các ngõ ngách ở Hà Nội cũng như các lễ hội gần xa để hành nghề và cố gắng dạy nghề, truyền nghề cho những người yêu thích.

Ở làng nghề Xuân La, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Câu lạc bộ làng nghề truyền thống tò he Xuân La cũng đang kiên trì, bền bỉ giữ nghề theo cách của người trẻ.

Cũng như những đứa trẻ lớn lên ở vùng quê Xuân La, đồ chơi đầu tiên trong cuộc đời anh Nguyễn Văn Thành là những quân tò he. Từ việc chứng kiến niềm vui của những đứa trẻ khi được cầm trên tay những con tò he độc đáo, anh Thành đã có suy nghĩ làm thế nào để những con tò he cổ truyền "sống" được với cuộc sống đương đại, trách nhiệm để bảo tồn, phát huy giá trị những con tò he, nghề nặn tò he của làng mình.

Sau đó, anh không ngừng tìm hiểu, mày mò để làm sao tạo ra mẫu sản phẩm tò he tinh tế nhất, kỹ thuật nhất. Vừa khôi phục các mẫu tò he cổ, anh Thành vừa quyết tâm đưa tò he trở thành thứ đồ chơi có thể hòa mình vào thế giới hiện đại. Anh mở ra những lớp hướng dẫn người dân nặn tò he theo các nhân vật hoạt hình yêu thích như: Minions, chuột Mickey…  Anh cũng tiên phong đưa tò he vào học đường bằng cách phối hợp với nhiều trường học trên địa bàn Thành phố như: Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Tiểu học Dremhuose, Trường Mầm non Sơn Ca,... để giới thiệu, hướng dẫn các em tập làm tò he.

Với sự nỗ lực trong nhiều năm qua, anh Thành trở thành một trong những nghệ nhân trẻ tuổi nhất của Thủ đô được UBND TP. Hà Nội tặng danh hiệu "Nghệ nhân Dân gian" và là người đầu tiên, duy nhất khôi phục được các mẫu tò he cổ (mâm ngũ quả, ông tiến sĩ, 12 con giáp) cùng phương pháp “hấp” tò he.

Hiện nay, làng nghề tò he Xuân La vẫn thường phối hợp với các trường, tổ chức những buổi giao lưu tìm hiểu về cách nặn tò he cho các em học sinh. Các nghệ nhân trong làng cũng thường có những chuyến đi đến các làng trẻ hay các hội chợ để quảng bá các sản phẩm tò he của quê hương mình. Chính những đóng góp không ngừng nghỉ của những người thợ này đã và đang giữ “hồn” cho nghề nặn tò he, bảo tồn một loại hình văn hóa truyền thống.

Diệu Anh

Top