Lãnh đạo TP Hà Nội dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng
(Chinhphu.vn) - Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2018), sáng 20/8, đoàn đại biểu lãnh đạo TP. Hà Nội do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng dẫn đầu đã đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Đoàn đại biểu TP. Hà Nội dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Ảnh Diệp An |
Đoàn có sự tham gia của các Ban thuộc Thành ủy Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội cùng 500 đoàn viên thanh niên đại diện cho thế hệ trẻ Thủ đô.
Tại Đài tưởng niệm trong Công viên Thống Nhất, các đại biểu đã mặc niệm tưởng nhớ Chủ tịch Tôn Đức Thắng, một tấm gương sáng về cần kiệm, liêm, chính, hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân; nguyện sẽ nỗ lực, cố gắng để xây dựng thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại.
Các đại biểu cùng ôn lại cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Chủ tịch Tôn Đức Thắng Sinh ra trong một gia đình nông dân ở cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên, nay là thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, đồng chí Tôn Đức Thắng sớm trở thành công nhân và tham gia lãnh đạo công nhân đấu tranh từ những thập niên đầu của thế kỷ XX. Đồng chí là một trong những chiến sĩ tiên phong của phong trào công nhân ở nước ta.
Năm 1920, đồng chí thành lập và lãnh đạo Công hội bí mật ở Sài Gòn, hình thức tổ chức đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu sự chuyển biến mới của giai cấp công nhân nước ta từ thời kỳ chưa có tổ chức sang thời kỳ có tổ chức. Năm 1925, với việc lãnh đạo thắng lợỉ cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son, đồng chí đã góp phần mở ra quá trình giai cấp công nhân Việt Nam chuyền từ đấu tranh tự phát lên tự giác.
Năm 1929, đồng chí bị Thực dân Pháp bắt, trải qua 17 năm bị tù đày tại Khám lớn Sài Gòn và “địa ngục trần gian” Côn Đảo, đồng chí luôn nêu cao tinh thần cách mạng kiên cường và niềm tin vững chắc vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trên các cương vị khác nhau của Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đồng chí đã góp phần xứng đáng của mình cùng Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội vào công cuộc xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân, kháng chiến chống thực dân Pháp vì độc lập, tự do của đất nước.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời (1969), đồng chí được cử làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội thống nhất, đồng chí được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Gần 70 năm hoạt động không mệt mỏi cho sự nghiệp cứu nước giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, với những trọng trách được giao, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã tỏ rõ lòng trung thành tuyệt đối với cách mạng, một người cộng sản kiên cường, mẫu mực, người lãnh đạo kính mến của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam, người chiến sĩ hết sức trung thành của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đồng chí đã suốt đời phấn đấu cho sự phát triển tình đoàn kết chiến đấu và tình hữu nghị anh em giữa nhân dân ta và nhân dân các nước trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Cũng tại buổi lễ, lãnh đạo TP. Hà Nội đã trao tặng sách “Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Một con người bình thường - Vĩ đại” cho đại diện thế hệ trẻ Thủ đô.
Diệp An