Lao động công đoàn và những kỷ niệm Thủ đô
(Chinhphu.vn) - Nhân kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô, công nhân, người lao động thuộc Công đoàn Thủ đô đã cùng nhau ôn lại những ký ức, kỷ niệm gắn bó đã làm nên một phần không thể thiếu của những tháng năm lịch sử.
Tự hào về tổ chức Công đoàn, giai cấp công nhân Việt Nam
Sau giải phóng, việc tái thiết Thủ đô là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và công nhân lao động là lực lượng đi đầu, có nhiều đóng góp làm nên sự phát triển của Hà Nội hiện tại.
Tuy được sinh ra sau giải phóng Thủ đô 4 năm nhưng nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến có rất nhiều bài viết nghiên cứu về Hà Nội. Theo ông, năm nay là một năm vô cùng đặc biệt vì vừa là dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô vừa là dịp kỷ niệm 90 năm thành lập tổ chức Công đoàn.
Theo ông Tiến, khi thực dân Pháp xâm lược đất nước thì bắt đầu có công nhân Hà Nội. Trong đó, phải kể đến nhà máy đầu tiên ở Hà Nội là nhà máy sản xuất, sửa chữa các chi tiết, phụ tùng linh kiện nằm ở phố Lê Phụng Hiểu, rồi đến các Nhà máy điện Hà Nội, bia Hà Nội, Nhà máy thuốc lá, Nhà máy thuỷ tinh…
Vào ngày 17/10/1954, tức là sau 7 ngày tiếp quản Thành phố, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức hội nghị bàn và đưa ra biện pháp giữ gìn an ninh trật tự xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Việc đầu tiên là cung cấp điện và nước sạch cho Thành phố và công nhân Nhà máy điện Yên Phụ, Nhà máy nước Yên Phụ là lực lượng tiên phong tham gia tái thiết Thành phố sau chiến tranh.
Để phát triển kinh tế, đặc biệt là công nghiệp xây dựng, từ năm 1956 là bước chuyển biến vô cùng mạnh mẽ, nhiều nhà máy, xí nghiệp quốc doanh quy mô lớn được xây dựng ở Đông Nam, Nam và phía Tây thành phố dần mọc lên, đưa Hà Nội trở thành một trung tâm kinh tế lớn nhất miền Bắc. Đây chính là giai đoạn giai cấp công nhân phát triển mạnh mẽ nhất.
Khi đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, một trong những mục tiêu đầu tiên là ưu tiên phát triển công nghiệp nặng. Lúc đó, xuất hiện nhiều nhà máy như: Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Dệt kim Đông Xuân, cụm nhà máy Cao Xà Lá, Nhà máy cơ khí Hà Nội… Đây thực sự là một lực lượng đông đảo để xây dựng và phát triển miền Bắc, chi viện miền Nam trong thời chiến.
Chị Nguyễn Ngọc Hà là một công nhân lao động tiên tiến xuất sắc, hiện đang là Trưởng phòng Quản lý chi phí, Công ty TNHH Canon Việt Nam và là một trong 100 công nhân lao động được Liên đoàn Lao động Thành phố tặng Bằng công nhận "Sáng kiến, sáng tạo trong Công nhân lao động Thủ đô năm 2024".
Chị Hà là người con được sinh ra trong thời bình, nhưng qua những trang sách, qua những thước phim lịch sử, qua những ký ức hào hùng của cha ông để lại chị càng hiểu được những hi sinh và đóng góp to lớn mà các anh hùng đã hi sinh cho nền độc lập nước nhà. Nhất là ý nghĩa lịch sử của Ngày Giải phóng Thủ đô, truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang và những đóng góp to lớn của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hà Nội nói chung, tổ chức Công đoàn và công nhân lao động nói riêng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Không chỉ biết ơn, trân trọng công lao của các thế hệ ông cha đã chung sức xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội suốt 70 năm qua, mà với một người công nhân lao động như chị, chị cũng rất tự hào về tổ chức Công đoàn, giai cấp công nhân của mình.
Trong thời chiến dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thiếu thốn, nhưng giai cấp công nhân cùng với sự sát cánh của tổ chức Công đoàn đã cùng nhau vượt qua muôn vàn khó khăn góp phần giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước văn minh - giàu mạnh với đủ công - nông - tri thức.
Nỗ lực lao động sáng tạo xây dựng Thủ đô văn hiến, giàu đẹp
Không chỉ trong chiến tranh, trong giai đoạn sau giải phóng còn bộn bề khó khăn, giai cấp Công nhân, tổ chức Công đoàn cũng có rất nhiều cống hiến cho sự phát triển của Thủ đô, đất nước. Dù ở giai đoạn nào, trong khó khăn nào, các ông, các bác cũng có những sáng kiến, sáng tạo để khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chúng tôi luôn ghi nhớ và biết ơn sâu sắc và tự nhắc mình không bao giờ được lãng quên những hi sinh, những cống hiến của các thế hệ đi trước.
Theo chị Hà, trước cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ 4, thời đại công nghệ số, trách nhiệm của thế hệ trẻ là phải tiếp tục cố gắng phấn đấu học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng tay nghề, hoàn thiện bản thân hơn để đáp ứng được những yêu cầu mới về nguồn lực lao động không chỉ về số lượng mà còn nâng cao về chất lượng, sự đa dạng hóa nhằm đáp ứng được kịp thời và lâu dài cho công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế; góp sức xây dựng, phát triển Hà Nội và đất nước, xứng đáng với những hi sinh của các thế hệ ông cha.
Tự hào là thế hệ trẻ, là đoàn viên Công đoàn, là nhân viên đại diện của giai cấp công nhân, chúng tôi sẽ cố gắng cải thiện nâng cao kiến thức và tay nghề, góp phần xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại. Chúng tôi cũng tự hào khẳng định thế hệ trẻ hôm nay nói chung và những người công nhân lao động nói riêng vẫn đang và sẽ tiếp tục hăng say lao động sản xuất; không ngừng học tập, lao động sáng tạo với năng suất chất lượng sản phẩm cao nhất. Điều này đã được minh chứng khi các năm qua, rất nhiều công nhân lao động được nhận các giải thưởng từ các cuộc thi quốc tế, nhiều công nhân lao động được trao danh hiệu Công nhân giỏi Thủ đô.
Trong suốt thời gian qua, tổ chức Công đoàn đã luôn sát cánh, hỗ trợ nhất là luôn chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng cho đoàn viên và người lao động. Chúng tôi hy vọng trong tương lai đoàn viên, người lao động sẽ tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm từ tổ chức Công đoàn, Ban lãnh đạo các Công ty để yên tâm làm việc, xây dựng đóng góp cho Thủ đô và đất nước.
Thiện Tâm