Liên kết 4 nhà vì mục tiêu Bảo vệ môi trường nông thôn
(Chinhphu.vn) - Ngày 29/9, Ban Chỉ đạo chương trình 02- CTr/TU tổ chức Hội thảo Liên kết 4 nhà về xử lý nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, chất thải làng nghề, rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thiện Tâm. |
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, việc tổ chức Hội thảo liên kết 4 nhà với mục đích đánh giá thực trạng tình hình nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, chất thải làng nghề, rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn. Đồng thời trưng bày, giới thiệu những thành tựu nghiên cứu khoa học và ứng dụng, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về ứng dụng công nghệ trong xử lý môi trường đã và đang được triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội; đề ra các giải pháp tổ chức thực hiện đối với từng lĩnh vực bảo đảm hiệu quả. Hội thảo cũng là diễn đàn, là cầu nối để 4 nhà trao đổi, thống nhất, cùng phối hợp tốt để góp phần tiếp tục thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Thành phố về phát triển khu vực nông thôn Hà Nội; tập trung vào vấn đề môi trường, mang tính cấp thiết, quyết định quan trọng tới việc nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân và phát triển kinh tế nông thôn bền vững.
Nông thôn thành phố Hà Nội có diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp lớn với dân số trên 4 triệu người, chiếm trên 60% lực lượng lao động của toàn Thành phố. Đồng thời là nơi cung cấp nguồn nhân lực xây dựng Thủ đô, đất đai cho phát triển, xây dựng hạ tầng và đô thị, cung cấp lương thực, thực phẩm, góp phần quan trọng bảo đảm quốc phòng, an ninh của Thành phố nên có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô.
Tính đến cuối năm 2020, Hà Nội có 10 huyện và 371 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 96,1%, hoàn thành trước hạn 2 năm mục tiêu đề ra, đứng đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới, với nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao. Về những làng quê, nông thôn Hà Nội hôm nay, không ai có thể phủ nhận sự thay đổi lớn trên tất cả các lĩnh vực. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân khu vực nông thôn Hà Nội được nâng lên rõ rệt, người dân vui mừng, phấn khởi vì những lợi ích thiết thực mà chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại.
Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ môi trường, xử lý nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, làng nghề, rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn còn nhiều vướng mắc, hạn chế. Hiện Hà Nội có khoảng 1.350 làng nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề truyền thống tiêu biểu; mô hình phát triển làng nghề đã và đang được Thành phố quan tâm chỉ đạo. Đi kèm với sự phát triển nhanh của sản xuất làng nghề, việc ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp. Điều đó đòi hỏi phải có giải pháp thiết thực, hiệu quả, sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, trong đó có vai trò quan trọng của 4 nhà: Nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng thăm quan gian trưng bày tại Hội thảo. Ảnh: Thiện Tâm. |
Kết luận tại Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của các sở ban ngành, các quận, huyện, thị xã, các xã và đặc biệt là sự tham gia tích cực của nhân dân toàn Thành phố trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần hoàn thành mục tiêu Chương trình xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ môi trường nông thôn đặc biệt là nước thải và rác thải rắn đang là vấn đề tồn tại rất lớn, được cả xã hội quan tâm.
Để khắc phục những tồn tại hạn chế về nước thải và chất thải rắn ở khu vực nông thôn là tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong thời gian vừa qua, Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy yêu cầu các ban, ngành chức năng, MTTQ và các đoàn thể của Thành phố, cũng như cấp uỷ, chính quyền, Ban chỉ đạo huyện, thị xã, các xã cần tiếp tục tập trung rà soát, nghiên cứu tham mưu Thành phố ban hành chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường trong xử lý môi trường khu vực nông thôn.
Đối với các cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu xử lý nước thải tập trung; kiểm tra, rà soát, nâng cấp các hệ thống xử lý cũ không đáp ứng yêu cầu thay thế bằng hệ thống xử lý công nghệ mới thân thiện với môi trường. Đối với các làng nghề tập trung đánh giá tác động môi trường của các làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, từ đó đưa ra giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu ô nhiễm; nghiên cứu, quy hoạch, mở rộng cụm công nghiệp làng nghề để đưa các hộ sản xuất ra khỏi khu dân cư...
Đối với chăn nuôi cần áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới để thu gom cơ bản chất thải rắn trước khi đưa vào hệ thống hầm khí sinh học (biogas), sau đó tiếp tục qua một hệ thống hồ lắng, hồ sinh học để lọc sạch nước thải chăn nuôi trước khi xả thải ra môi trường. Đối với rác thải sinh hoạt phải được phân loại từ đầu nguồn và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra cần xây dựng các khu, cụm dân cư nông thôn sinh thái (sáng - xanh - sạch - đẹp - văn minh), tăng tỷ lệ cây xanh trên một đơn vị diện tích khu dân cư nông thôn; tăng mật độ và đa dạng hóa các mô hình trồng cây xanh ven đường, trồng hoa tại các khu vực công cộng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng các mô hình thí điểm về ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới đối với làng nghề để giảm thải chất thải gây ô nhiễm môi trường từ đầu nguồn sản xuất và nâng cao giá trị và hiệu quả cho đơn vị sản xuất;...
Các quận, huyện, thị xã và các xã tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao vai trò của người đứng đầu trong hệ thống chính trị tại cơ sở, sự vào cuộc và nhận thức người dân trong thực hiện các giải pháp về bảo vệ môi trường tại khu dân cư.
Thiện Tâm