Liên kết trong chăn nuôi để giảm rủi ro

24/10/2021 8:56 AM

(Chinhphu.vn) - Đi thực tế một số cơ sở chăn nuôi trên địa bàn huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội trong chiều 23/10, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ có thêm những cơ chế, chính sách hỗ trợ các mô hình liên kết trong chăn nuôi về cơ sở hạ tầng, tăng cường năng lực chế biến để nâng cao được hiệu quả từ chăn nuôi và giảm rủi ro về thị trường đối với người chăn nuôi.

Ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long ở xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội chia sẻ, với chuỗi chăn nuôi khép kín, hiện cơ sở này đang có khoảng 400 lợn nái và 4 nghìn lợn thịt; mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 1.200 tấn lợn. Sau một thời gian dài giá lợn hơi và nguồn cung sụt giảm do phòng chống dịch COVID-19, nhờ chăn nuôi theo chuỗi và chủ động con giống và thức ăn cũng như liên kết với một số hệ thống phân phối là các siêu thị nên cơ sở không chịu thiệt hại nhiều.

Ông Long nhấn mạnh:“Làm theo chuỗi nên khi giá lợn giảm hợp tác xã cũng đã chủ động tạm dừng chưa bán để giảm thiệt hại. Đến thời điểm này, các chuồng nuôi lợn đã được lấp đầy. Nhờ với những quyết sách của Chính phủ cũng như thành phố về khôi phục sản xuất, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 giá lợn đã tăng trở lại. Chúng tôi mong muốn giá cao hơn nữa để người chăn nuôi giảm bớt rủi ro”.

Khảo sát của Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho thấy, 9 tháng qua, giá thịt lợn hơi xuất chuồng theo xu hướng giảm dần; từ tháng 3 và tháng 4 giá từ 70 nghìn đến 75 nghìn đồng/kg, đến tháng 8 và 9 giá từ 42 nghìn đến 50 nghìn đồng/kg, sang đến tháng 10 giá dao động từ 35 nghìn đến 45 nghìn đồng/kg tùy từng vùng, đặc biệt có một số địa phương giá xuống mức 35 nghìn đồng/kg… Những ngày gần đây, giá lợn hơi đã tăng trở lại từ 5 nghìn đến 7 nghìn/kg. Nguyên nhân được xác định là do nhu cầu tăng cao khi hoạt động của các cơ sở kinh doanh liên quan đến thực phẩm và lưu thông vận tải diễn ra thuận lợi sau khi dịch COVID-19 từng bước được kiểm soát.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, liên kết sẽ góp phần giảm rủi ro và gia tăng giá trị của sản phẩm chăn nuôi. Vì vậy, cần xác định đúng nguyên nhân để có các chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả của các mô hình, chuỗi liên kết không chỉ của ngành chăn nuôi nói riêng mà các ngành hàng khác của nông nghiệp. Từ các mô hình liên kết sẽ giúp định hướng phát triển ngành chăn nuôi thời gian tới theo Chiến lược phát triển chăn nuôi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Qua đó, ngành nông nghiệp sẽ có các dự báo về nhu cầu thị trường cũng như khả năng cung ứng để cung và cầu gặp nhau, giảm rủi ro hơn cho người sản xuất, người phân phối và doanh nghiệp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Khi thị trường hoạt động bình thường trở lại, điều kiện lưu thông vận chuyển thông thoáng hơn; các lò giết mổ, chợ truyền thống được khởi động những điều đó giúp nhu cầu sử dụng tăng trở lại và kích hoạt lưu thông nông sản, trong đó có thịt lợn. Nếu cơ chế, chính sách tác động vào yếu tố không cốt lõi thì cũng không thể hiệu quả. Vấn đề ở đây là thị trường quyết đinh cung cầu và giá cả. Từ chăn nuôi truyền thống đến chăn nuôi có tổ chức, chăn nuôi khép kín cần có các chính sách để hỗ trợ. Bộ NN&PTNT sẽ nhân rộng và tạo điều kiện khuyến khích nhiều hơn về cơ sở hạ tầng để kích thích việc liên kết giữa các hộ chăn nuôi để chia sẻ rủi ro về dịch bệnh và rủi ro về thị trường”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết đã giao Cục Chăn nuôi thống kê cụ thể về nguồn cung thực phẩm hiện nay làm căn cứ để tính toán nhu cầu sử dụng trong các tháng cuối năm và dịp Tết nguyên đán và sẽ có thông tin đến người chăn nuôi.

An Khuê

Top