Liên kết vùng: ‘Lực đẩy’ tiêu thụ hàng Việt
(Chinhphu.vn) - Liên kết vùng sẽ là “lực đẩy” trong tiêu thụ hàng Việt nói chung và sản phẩm nông sản nói riêng.
Tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa
Thời gian qua, thông qua các hội nghị kết nối giao thương giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố, hàng trăm biên bản ghi nhớ hợp tác cung ứng hàng hóa với trị giá hàng nghìn tỷ đồng đã được ký kết.
Chỉ tính riêng trong năm 2022, các chuỗi sản xuất của 43 tỉnh, thành phố đã cung cấp về Hà Nội 162.500 tấn rau; 53.557 tấn trái cây, 60.429 tấn thịt; trên 130 triệu quả trứng, 7.597 tấn thủy sản, 19.500 tấn thực phẩm chế biến, 49.129 tấn lương thực.
Thông tin của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, năm 2022, tỉnh Hòa Bình đã đưa về Hà Nội tiêu thụ trên 1.600 tấn cá sông Đà, 18.000 tấn trái cây; tỉnh Sơn La cung ứng trên 19.000 tấn rau, củ quả. Công ty WinEco Tam Đảo (Vĩnh Phúc), cung cấp cho hệ thống siêu thị tại Hà Nội trên 2.000 tấn rau, củ; Công ty Masan chi nhánh Hà Nam cung cấp cho các siêu thị tại Hà Nội trên 1.000 tấn thịt lợn. Công ty Mavin cung cấp trên 700 tấn xúc xích cho các siêu thị Hà Nội; Tỉnh Lâm Đồng cung cấp từ 7-10% sản lượng rau cho Hà Nội với trên 66.000 tấn; tỉnh Đăk Lắk cung cấp trên 3.000 tấn trái cây…
Theo Giám đốc Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đại Lan (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì) Nguyễn Đại Thắng, hợp tác xã đang liên kết phát triển vùng nguyên liệu với Công ty TNHH Nông trại thực phẩm HNH ở cùng huyện. Sản phẩm liên kết chủ yếu là rau ăn lá, rau ăn củ, quả. Nhờ liên kết, sản phẩm của công ty (nông sản, thực phẩm qua sơ chế) đã đến với 30 bếp ăn tập thể, 2 siêu thị trên địa bàn Thủ đô. Trung bình mỗi tháng, hợp tác xã cung cấp hàng chục tấn rau sạch cho thị trường…
Đại diện tập đoàn Central Retail cho hay, thông qua hoạt động kết nối giao thương liên kết giữa các vùng, hệ thống siêu thị Big C đã ký kết nhiều thỏa thuận tiêu thụ sản phẩm nông sản và các mặt hàng thuộc nhóm tiêu dùng dùng nhanh. Qua đó hộ trợ doanh nghiệp các tỉnh Hà Nam, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Nghệ An tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống siêu thị.
Đẩy mạnh xây dựng hạ tầng thương mại
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, ngành công thương đã đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng, nhất là khu vực đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, đến nay, tính liên kết vùng ở đây mới chỉ tập trung chủ yếu ở các dự án hạ tầng giao thông. Các hoạt động liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp các địa phương còn chưa được triển khai sâu rộng, dẫn tới sự hạn chế giữa vùng nguyên liệu và vùng sản xuất, tiêu thụ.
Ngoài ra, các hoạt động liên kết, hợp tác giữa các địa phương chưa được triển khai mạnh nên chưa có cơ chế chính thức về liên kết vùng riêng. Bên cạnh đó giữa một số địa phương không gian và địa bàn hoạt động liên kết còn mang tính tự phát…
Để tăng cường sự liên kết vùng, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho rằng, cần phải tập trung thu hút phát triển mạng lưới logicstic, các chợ đầu mối, các trung tâm trung chuyển và kho vận hiện đại gắn với các cảng biển, cảng hàng không và các cửa khẩu tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh...
Đồng thời cần đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, hình thành các sàn giao dịch hàng hóa và các khu vực hội chợ, triển lãm quy mô lớn...
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã thúc đẩy tiêu thụ nông sản, nhất là vào vụ Tết, vụ thu hoạch, theo Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội Bùi Duy Quang, đơn vị đã phối hợp tổ chức các hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu thị trường cho các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của Hà Nội và các tỉnh, thành phố để nâng cao giá trị sản phẩm.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan đề xuất, thời gian tới các địa phương cần xây dựng cơ chế, thu hút đầu tư; thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp xây dựng và sử dụng logistics, đẩy mạnh kết nối giao thương giữa doanh nghiệp sản xuất với bán lẻ.
Đồng thời tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh trong vùng nhất là các tỉnh có khu vực giáp ranh với Hà Nội để không phát triển quá nhiều, chồng chéo giữa các tỉnh, .
Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng muốn phát triển kinh tế vùng, các địa phương phải tập trung tháo gỡ vướng mắc, cần có chính sách phát triển doanh nghiệp. Ngoài ra tạo hệ thống giao thông kết nối giữa các tỉnh thành để tiêu thụ hàng Việt nhất là nông sản thuận lợi.
Trong bối cảnh sản xuất hàng Việt, nhất là nông sản chưa theo kịp tín hiệu thị trường, để có thể tiêu thụ chưa bền vững, việc liên kết vùng được xem là cánh cửa để lưu thông hàng hóa.
Diệu Anh