Linh hoạt các giải pháp bình ổn thị trường hàng hoá

25/08/2022 12:58 PM

(Chinhphu.vn) - Nhằm chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, các cơ quan chức năng và nhiều hệ thống phân phối, bán lẻ, siêu thị đang nỗ lực đưa các giải pháp bảo đảm nguồn cung, giảm giá các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường.

Linh hoạt các giải pháp bình ổn thị trường hàng hoá - Ảnh 1.

Giá nhiều mặt hàng thiết yếu đã giảm từ 10-15%. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Khảo sát tại một số siêu thị, cửa hàng tạp hóa trên địa bàn TP. Hà Nội cho thấy, giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đã có dấu hiệu giảm nhẹ. So với thời điểm trung tuần tháng 8, nhiều mặt hàng như mì ăn liền, trứng gà, sữa đã giảm giá phổ biến từ 10-15%.

Đơn cử như, tại hệ thống siêu thị Big C, mì tôm Omachi 205.000 đồng/thùng (30 gói), giảm 5.000 đồng/thùng; trứng gà loại 1 Ba Huân 32.000/vỉ (10 quả), giảm 1.000 đồng; dầu Neptune loại 1 lít được niêm yết giá bán 56.900 đồng/lít, giảm 10%...

Tại một số đại lý trên đường Xuân La, Thụy Khuê (Tây Hồ), phố Đội Cấn (Ba Đình), đường Xuân Thủy (Cầu Giấy)… , giá dầu Tường An đậu nành chai 5 lít giảm từ 350.000 đồng còn 260.000-280.000 đồng/chai, dầu ăn Tường An 2 lít từ 140.000 đồng còn 119.000-121.000 đồng/chai, dầu ăn Simply 1 lít từ 73.500 đồng còn 64.200 đồng/chai, Meizan 1 lít từ 66.000 đồng còn 51.500 đồng/chai…

Bên cạnh dầu ăn, giá trứng cũng giảm nhẹ 10%. Trứng gà ta đang giữ ở mức 29.000-32.000 đồng/chục; giảm 3.000 đồng; trứng gà công nghiệp 27.000 đồng/chục, giảm 2.000 đồng; mặt hàng đường trắng cũng đang ổn định ở mức 20.000-25.000 đồng/kg…

Chị Vương Thị Hoa (Chủ một cửa hàng tạp hóa trên phố Đội Cấn) cho biết, khi các đơn vị cung ứng, nhà sản xuất sản phẩm đầu vào giảm giá thì các cửa hàng, đại lý chúng tôi cũng sẽ giảm giá theo. "Hiện nay giá hàng hóa cũng đang dần bình ổn. Tôi hy vọng giá nguyên liệu đầu vào giảm thêm để có thể giảm giá các mặt hàng, giúp người tiêu dùng bớt gánh nặng chi tiêu", chị Hoa chia sẻ.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, Hiệp hội cũng đề nghị các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ chủ động trong việc điều chỉnh giá phù hợp với biên độ giảm giá của thị trường theo giá giảm của xăng, dầu. Hiện hầu hết siêu thị đã kịp thời phối hợp với các nhà cung cấp để có kế hoạch giảm giá liên tục trong ít nhất 3 tháng tới cho các nhóm hàng thiết yếu, hàng bình ổn giá như: Gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, một số mặt hàng sữa, các loại gia vị, thực phẩm khô.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Nội cho hay, ngay từ những ngày cuối tháng 8, Co.opmart đã thực hiện chạy chương trình khuyến mãi với nhiều mặt hàng thiết yếu với giá tốt. Chẳng hạn như các mặt hàng rau củ quả, trái cây luôn được giảm giá từ 15-20%; các mặt hàng hóa mỹ phẩm như nước giặt, nước rửa chén, nước xả … được giảm từ 20-51%; các mặt hàng phục vụ năm học mới cũng được giảm từ 15-50%.

Hệ thống siêu thị bán lẻ BRGMart cũng đã và sẽ tiếp tục đàm phán với tất cả các chuỗi cung ứng trong nước và nhập khẩu để đưa ra mức giá phù hợp với tình hình hiện nay, hỗ trợ giá một số mặt hàng thiết yếu và thực hiện tốt công tác bình ổn giá cả thị trường.

Mặc dù hàng hóa thiết yếu tại thị trường trong nước đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, trong bối cảnh mặt bằng giá hàng hóa trên thế giới tăng cao, tác động trực tiếp tới giá cả và sức mua ở trong nước, việc giữ ổn định thị trường nội địa là không dễ dàng.

Hiện Sở Công Thương Hà Nội đã và đang tổ chức để các doanh nghiệp đăng ký chương trình bình ổn giá từ nay đến tháng 5/2023. Mục tiêu là 35% các mặt hàng thiết yếu trên thị trường sẽ vào danh mục bình ổn giá. Đồng thời sẽ triển khai chương trình bình ổn thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu người dân, nhất là trong những tháng cuối năm và dịp cao điểm Tết Nguyên đán.

Về các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho biết, Bộ đang theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để điều tiết kịp thời. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong điều hành giá, kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn hành vi găm hàng, đầu cơ, thao túng giá.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phân phối lớn, chủ động xây dựng phương án dự trữ hàng hóa, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, có phương án điều tiết nguồn cung khi cần thiết…

Diệu Anh

Top