Lựa chọn 10 chung cư cũ để cải tạo, xây dựng trong giai đoạn 2021-2025
(Chinhphu.vn) - Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP. Hà Nội vừa được HĐND TP. Hà Nội thông qua dự kiến lựa chọn 10 khu chung cư cũ triển khai trong giai đoạn 2021-2025; trong đó, lựa chọn 6 khu có tính khả thi cao như: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân... và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D (Giảng Võ; Thành Công; Ngọc Khánh; Bộ Tư pháp).
* Hà Nội: Nỗ lực để tăng trưởng năm 2021 đạt 4,54%
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong. Ảnh: Gia Huy |
Bố trí nguồn vốn khoảng 500 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025
Sáng 23/9, HĐND TP. Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương ban hành “Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP. Hà Nội”.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong, thống kê đến năm 2020, Thành phố có khoảng 1.579 nhà chung cư cũ, bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư (trong đó có 34 khu có diện tích đất từ 2ha trở lên và 42 khu có diện tích đất dưới 2ha) và 306 chung cư cũ độc lập, được xây dựng từ năm 1960-1994 và trước năm 1954 (hiện đang tiếp tục rà soát tại các quận cập nhật vào danh mục dự kiến bổ sung).
Hầu hết các chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng, bộc lộ nhiều hạn chế trong việc quản lý, vận hành và khai thác sử dụng. Qua quá trình sử dụng, sửa chữa cơi nới tự phát, chung cư cũ và hạ tầng kèm theo đã bị biến đổi cấu trúc, hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản nhân dân.
Quá trình triển khai rà soát, đánh giá toàn bộ các chung cư cũ theo các mức tình trạng kỹ thuật để lựa chọn kiểm định đối với chung cư cũ có dấu hiệu nguy hiểm cấp độ D; kết quả rà soát có 42 chung cư mức 1, có 1.449 chung cư mức 2, có 88 chung cư mức 3, có 25 nhà còn lại đã được cải tạo, sửa chữa bảo đảm an toàn cho người sử dụng; đã tổ chức kiểm định 401 chung cư (gồm cấp B có 148 chung cư; cấp C có 245 chung cư, cấp D có 8 chung cư, trong đó có 2 nhà cấp D đã hoàn thành cải tạo, xây dựng lại và đưa vào sử dụng là C1 Thành Công và B6 Giảng Võ).
Trên cơ sở đánh giá những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn quá trình triển khai, UBND Thành phố dự kiến triển khai các nhóm giải pháp trọng tâm. Trong đó, bố trí nguồn vốn ngân sách dự kiến khoảng 500 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025; ưu tiên kiểm định trước đối với chung cư cũ nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ, chung cư hư hỏng nặng. Hiện nay đã hoàn thành việc rà soát, xây dựng danh mục.
Đề án phấn đấu hoàn thành công tác kiểm định cho tất cả các chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội hoàn thành trong quý II/2023 chia làm 4 đợt cụ thể.
Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đang được Sở Xây dựng nghiên cứu lập trên cơ sở Kế hoạch tổng rà soát, khảo sát, kiểm định nhà chung cư cũ, dự kiến hoàn thành trước ngày 15/12/2021. Nội dung kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ được thực hiện với quan điểm toàn diện, đồng bộ.
Trong đó, lập danh mục chung cư cũ cần thực hiện cải tạo, xây dựng lại đồng bộ, toàn diện với 3 nhóm: Nhóm các dự án đang triển khai (chuyển tiếp từ giai đoạn trước 2021); nhóm dự kiến khởi công giai đoạn 2021-2025; nhóm thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư để triển khai tiếp theo.
Lựa chọn triển khai ban đầu 10 khu chung cư cũ giai đoạn 2021-2025; trong đó, lựa chọn 6 khu có tính khả thi cao như: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân... và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D (Giảng Võ; Thành Công; Ngọc Khánh; Bộ Tư pháp). Đôn đốc 14 dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư đang triển khai; Rà soát bổ sung triển khai đối với nhà chung cư đơn lẻ cấp D...”, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong thông tin.
Bổ sung cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư tham gia cải tạo chung cư cũ
Theo báo cáo thẩm tra của Ban Đô thị (HĐND TP. Hà Nội), đề án được UBND Thành phố chỉ đạo nghiên cứu công phu, trên cơ sở khảo sát, đánh giá thực tiễn kết quả, tồn tại, hạn chế và những khó khăn, vướng mắc trong công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ của Thành phố những năm qua.
Tuy nhiên, cùng với các chính sách ưu đãi đầu tư của Trung ương đã được xác định trong Đề án, UBND Thành phố cần tiếp tục rà soát đánh giá kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư đặc thù đã được ban hành, trên cơ sở đó đề xuất HĐND Thành phố sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư của Thành phố phù hợp với quy định của pháp luật, nhằm thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư tham gia đầu tư cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn.
Ban Đô thị cũng cho rằng, hạ tầng của nhiều khu chung cư cũ không đáp ứng được yêu cầu sử dụng. Trong thời gian qua, khi dịch COVID-19 xảy ra trên địa bàn, việc sử dụng chung công trình phụ trợ không đủ điều kiện tại nhà chung cư cũ cũng là nguyên nhân dẫn tới việc lây nhiễm dịch bệnh cao trong cộng đồng.
Vì vậy, Thành phố cần cấp thiết hoàn thành công tác kiểm định, đánh giá chất lượng chung cư cũ, di chuyển người dân tại chung cư nguy hiểm, hư hỏng nặng đến nơi ở tạm cư để đảm bảo an toàn. Đồng thời, cần phải có kế hoạch triển khai đồng bộ quy hoạch, đầu tư xây dựng lại, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị khu vực chung cư cũ, nhằm nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phục vụ tái định cư, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, cũng như giá trị kiến trúc cảnh quan, hướng tới phát triển đô thị xanh, văn minh, hiện đại, bền vững, đáp ứng được yêu cầu phát triển mới.
Làm rõ hơn nội dung này, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, trong thời gian tới, UBND Thành phố sẽ tập trung, quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. UBND Thành phố sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai ngay đối với các Nghị quyết được HĐND Thành phố thông qua tại kỳ họp này. Nhất là những Nghị quyết có tính chất quan trọng, xuyên suốt, tác động lâu dài, trực tiếp đến người dân như về Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Gia Huy