Luật Thủ đô mở đường, gỡ khó cho doanh nghiệp lĩnh vực văn hóa-xã hội

16/08/2024 2:44 PM

(Chinhphu.vn) - Luật Thủ đô 2024 có nhiều quy định mang tính "mở đường", trong đó có lĩnh vực văn hóa - xã hội. Vì vậy, UBND TP. Hà Nội sẽ quan tâm bằng các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển nhanh và bền vững.

Luật Thủ đô mở đường, gỡ khó cho doanh nghiệp lĩnh vực văn hóa-xã hội- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: VGP/Minh Anh

Sáng 16/8, tại trụ sở UBND TP. Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh đã chủ trì hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - xã hội trên địa bàn.

Trong quá trình chuẩn bị Hội nghị, các cơ quan chức năng của Thành phố đã tiếp nhận, tổng hợp và sàng lọc trên 66 lượt kiến nghị của 57 doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân, được tổng hợp theo 6 lĩnh vực với 20 nhóm vấn đề.

Cụ thể, ở lĩnh vực giáo dục có 4 nhóm vấn đề về bổ sung cấp học, thủ tục đầu tư xây dựng trường học ngoài công lập, thủ tục đăng ký hưởng chính sách khuyến khích xã hội hóa và cấp giấy phép hoạt động. Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp có 03 nhóm vấn đề về cơ chế chính sách hỗ trợ đào tạo nghề; cấp phép cơ sở đào tạo và người lao động đào tạo nghề; cơ chế đặt hàng đào tạo nghề. Lĩnh vực Y tế có 3 nhóm vấn đề về cơ chế chính sách hỗ trợ; môi trường đầu tư; liên kết và hợp tác.

Còn ở lĩnh vực quảng cáo có 3 nhóm vấn đề về chuyển mục đích sử dụng đất; triển khai lắp đặt màn hình LED; triển khai thực hiện Quy định về quản lý hoạt động quảng cáo. Lĩnh vực văn hóa nghệ thuật có 4 nhóm vấn đề về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; hoạt động tổ chức biểu diễn; thẩm định và cấp phép tác phẩm nghệ thuật; sao chép tác phẩm nghệ thuật.

Lĩnh vực thể thao có 3 nhóm vấn đề về đăng ký cơ sở tổ chức tập luyện và thi đấu; quản lý đào tạo và tập luyện đối với một số môn thể thao mới; cấp phép cơ sở huấn luyện và nhân lực đào tạo.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về các vấn đề như chính sách hỗ trợ, cơ chế giải quyết thủ tục hành chính và các yêu cầu về tài chính, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực văn hóa - xã hội.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết đây là hội nghị thứ 4 Hà Nội đối thoại với doanh nghiệp để cùng nhau chia sẻ, hỗ trợ các đơn vị thực hiện nhiệm vụ kinh doanh của mình.

Chủ tịch UBND Thành phố cho hay, những năm gần đây, kinh tế Hà Nội có bước phát triển vững vàng trên nhiều mặt, văn hóa xã hội có nhiều khởi sắc ở nhiều lĩnh vực: Thể thao, du lịch, dịch vụ, y tế, giáo dục. Có kết quả đó có sự góp sức của doanh nghiệp ngoài nhà nước, người lao động hoạt động trong lĩnh vực này.

Luật Thủ đô mở đường, gỡ khó cho doanh nghiệp lĩnh vực văn hóa-xã hội- Ảnh 2.

Thành phố trân trọng và đánh giá cao đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp - Ảnh: VGP/Minh Anh

"Thành phố trân trọng và đánh giá cao đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp, từ đó thấy rõ hơn trách nhiệm của Thành phố với các doanh nghiệp để tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thay đổi cách nghĩ, cách làm; đổi mới và hiện đại hóa quy trình giải quyết công việc", Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh chia sẻ.

Theo ông Trần Sỹ Thanh, mới đây, Luật Thủ đô 2024 đã được thông qua, trong đó có nhiều quy định mang tính "mở đường", trong đó có văn hóa - xã hội… Thành phố cũng đặt kỳ vọng lớn và thay đổi nhiều hơn, căn bản hơn về lĩnh vực văn hóa-xã hội. Từ đó, cụ thể hóa bằng chính sách; nâng cao năng lực xây dựng chính sách, tăng cường phân cấp, ủy quyền cho các sở, ngành, địa phương ở nhiều lĩnh vực để công tác cải cách hành chính tiếp tục được hoàn thiện hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động.

Liên quan đến một số kiến nghị cụ thể, Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị các đơn vị liên quan tổng hợp đầy đủ, phân loại các nhóm kiến nghị và giải quyết ngay nếu thuộc thẩm quyền để tạo điều kiện cho các đơn vị hoạt động. 

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và điểm nghẽn của thực tiễn trong đầu tư, hoạt động của lĩnh vực văn hóa, xã hội, Chủ tịch TP. Hà Nội cho biết, thời gian tới, UBND Thành phố sẽ quan tâm bằng các cơ chế, chính sách, phân cấp, ủy quyền, cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển nhanh và bền vững. 

Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cũng yêu cầu các cơ quan, sở, ngành trong quá trình giải quyết công việc phải có thời hạn rõ ràng, có thông báo cụ thể đến cho doanh nghiệp với trách nhiệm cao nhất để cùng phát triển Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.

Minh Anh

Top