Luật Thủ đô (sửa đổi) định hình thêm chính sách cho ngành y tế phát triển

28/11/2023 7:30 PM

(Chinhphu.vn) - Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tiếp tục định hình những chính sách đặc thù, nhấn mạnh vào mục tiêu nâng cao năng lực và phát triển hệ thống y tế Thủ đô. Trong việc thúc đẩy y học gia đình, Luật đề xuất quy định cụ thể về lộ trình, cơ chế tài chính và chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để thúc đẩy hệ thống này.

Luật Thủ đô (sửa đổi) định hình thêm chính sách cho ngành y tế phát triển- Ảnh 1.

Thời gian qua ngành Y tế Thủ đô đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác cấp cứu, khám chữa bệnh cho nhân dân. Ảnh: VGP/TT.

Nhằm bảo đảm an sinh xã hội toàn diện, bền vững, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định "xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, tập trung phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; năng lực hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, hệ thống bác sĩ gia đình, bảo đảm chăm sóc toàn diện sức khoẻ nhân dân. Huy động các nguồn lực xã hội xây dựng mạng lưới cơ sở khám, chữa bệnh chất lượng cao, hiện đại; cơ sở nghiên cứu và chuyển giao công nghệ y, dược của tư nhân và đầu tư nước ngoài; gắn phát triển du lịch với chăm sóc sức khoẻ." 

Trong những năm gần đây, sự đổi mới và tiến bộ trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân tại Thành phố đã đem lại những cải thiện đáng kể về chất lượng và hiệu suất. Với việc quản lý trực tiếp 41 bệnh viện trực thuộc, cùng với Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội thuộc Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Thành phố đã tạo ra một hệ thống y tế hiện đại, chất lượng cao và tiếp cận được công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới.

Thể chế hoá các yêu cầu của Nghị quyết 15-NQ/TW, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định một số chính sách đặc thù nhằm mục tiêu nâng cao năng lực, xây dựng hệ thống y tế Thủ đô ngày càng phát triển, hiện đại, hướng tới mục tiêu chăm sóc toàn diện, nâng cao sức khỏe nhân dân

Mạng lưới y tế công cộng, dự phòng và phục vụ dịch tễ đang ngày càng được củng cố, bao gồm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội và 579 trạm y tế xã, phường. Đặc biệt, 82,73% trạm y tế đã thực hiện theo nguyên lý y học gia đình, đồng hành với cam kết của Thành phố về sự tiếp cận toàn diện và hiện đại trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Phát triển y học gia đình, cấp cứu ngoại viện

Nghị quyết số 15-NQ/TW đã đặt ra mục tiêu xây dựng hệ thống y tế tiên tiến và hiện đại, hướng tới sự phát triển trong các lĩnh vực tiếp cận công nghệ thế giới. Điều này bao gồm việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, mạng lưới y tế dự phòng, y tế cơ sở, và hệ thống bác sĩ gia đình để đảm bảo chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tiếp tục định hình những chính sách đặc thù, nhấn mạnh vào mục tiêu nâng cao năng lực và phát triển hệ thống y tế Thủ đô. Trong việc thúc đẩy y học gia đình, Luật đề xuất quy định cụ thể về lộ trình, cơ chế tài chính và chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để thúc đẩy hệ thống này.

Về cơ chế phát triển y học gia đình, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi giao HĐND thành phố Hà Nội quy định lộ trình, cơ chế tài chính, chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để thực hiện cơ chế khám bệnh, chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình, quyết định việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế để phát triển hoạt động khám, chữa bệnh y học gia đình trên cơ sở nguồn kinh phí bảo hiểm y tế được giao dự toán cho Thành phố, phù hợp với các quy định của Luật Khám, chữa bệnh. Đây là quy định có tính đột phá so với các quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế hiện hành, tạo tiền đề quan trọng cho việc phát triển khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình.

Đối với dịch vụ cấp cứu ngoại viện, bao gồm chăm sóc cấp cứu y tế ngoại viện, các dịch vụ vận chuyển bằng xe cứu thương…, hiện đang có sự tham gia của nhiều thành phần, bao gồm các trung tâm vận chuyển cấp cứu 115, tổ vận chuyển cấp cứu ngoại viện của các cơ sở y tế công lập và cơ sở vận chuyển cấp cứu ngoài công lập... Việc phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện có vai trò quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ tử vong và giảm mức độ thương tật cho người bệnh, đặc biệt đối với các trường hợp nguy kịch, từ đó giảm gánh nặng bệnh tật và tài chính cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Phát triển hệ thống mạng lưới cấp cứu ngoại viện cũng giúp bệnh nhân được chăm sóc y tế kịp thời. 

Dự thảo Luật giao UBND thành phố Hà Nội quy định về lộ trình phát triển và tổ chức, hoạt động của hệ thống cấp cứu ngoại viện trên địa bàn Thủ đô; mức giá dịch vụ cấp cứu ngoại viện; việc thanh toán dịch vụ y tế từ nguồn ngân sách địa phương của thành phố Hà Nội, quỹ bảo hiểm y tế và nguồn thu từ người sử dụng dịch vụ cấp cứu ngoại viện. 

Đây là quy định đặc thù cho thành phố Hà Nội vì pháp luật hiện hành chưa có quy định về giá dịch vụ dành riêng cho khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình và dùng quỹ bảo hiểm y tế để chi trả cho cấp cứu ngoại viện.

Quy định cụ thể hơn về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội

Chính sách về an sinh xã hội của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm thể chế hoá nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TW về "phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao phủ toàn dân, mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tối đa các dịch vụ xã hội thiết yếu. Thực hiện đồng bộ các chính sách xã hội, phấn đấu không còn hộ nghèo theo chuẩn của Thủ đô, nâng cao phúc lợi xã hội, bảo đảm công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo giữa thành thị và nông thôn. Thực hiện tốt các chính sách về dân tộc, tôn giáo, chăm sóc người cao tuổi, bảo vệ trẻ em, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ; giải quyết hiệu quả các tệ nạn xã hội".

Đây là nội dung mới so với quy định của Luật Thủ đô 2012, theo hướng tăng thẩm quyền cho HĐND Thành phố khi quy định các chính sách hỗ trợ, mở rộng về phạm vi, đối tượng, nội dung, mức chi so với các chính sách chung hiện hành. Ngoài ra, quy định tại Dự thảo đã quy định cụ thể, tách bạch hơn về chính sách xã hội, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.

Về chính sách xã hội, Dự thảo Luật quy định HĐND quyết định bố trí ngân sách để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm, vay mua nhà ở xã hội; hỗ trợ công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp vay mua nhà ở xã hội; hỗ trợ đất sản xuất cho hộ dân tộc thiểu số nghèo sinh sống ở xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi làm nghề nông, lâm nghiệp; hỗ trợ học phí học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng cho người học thường trú tại Hà Nội và con công nhân lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất;

Về chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, Dự thảo Luật quy định hỗ trợ mức đóng BHXH như hỗ trợ đóng 100% đối với người thuộc hộ nghèo; tối thiểu 60% đối với người thuộc hộ cận nghèo; tối thiểu 20% đối với các đối tượng khác; hỗ trợ 100% kinh phí mua BHYT đối với người khuyết tật, người cao tuổi từ 70 tuổi trở lên, phụ nữ thuộc hộ nghèo.

Theo ông Nguyễn Anh Trí, đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đã bày tỏ sự ủng hộ với những quy định đột phá của Dự thảo Luật. Ông nhấn mạnh về sự cần thiết của việc xây dựng mạng lưới bác sĩ gia đình và đồng thuận với việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế để phát triển y học gia đình và cấp cứu ngoại viện.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) không chỉ là bước tiến quan trọng trong việc hình thành các cơ chế mới cho y tế Thủ đô mà còn là cam kết của thành phố trong việc cải thiện chăm sóc sức khỏe cộng đồng và tối ưu hóa sử dụng nguồn lực y tế.

Thiện Tâm

Top