Luật Thủ đô (sửa đổi): Ưu tiên phát triển giao thông công cộng

07/08/2023 1:16 PM

(Chinhphu.vn) - Theo các chuyên gia, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã định hướng việc ưu đãi, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông công cộng ngay từ khía cạnh chính sách phát triển đô thị, phát triển quản lý hạ tầng, huy động nguồn tài chính ngân sách cho phát triển Thủ đô…

Luật Thủ đô (sửa đổi): Ưu tiên phát triển giao thông công cộng - Ảnh 1.

Cần những chính sách ưu tiên cho phát triển giao thông công cộng. Ảnh: VGP/Diệu Anh

TS Mai Thị Mai, Trường Đại học Luật Hà Nội cho hay, theo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nội dung đề cập phát triển định hướng giao thông công cộng (TOD) trong Dự thảo Luật cho thấy, tầm nhìn chiến lược và chính sách phát triển quy hoạch giao thông của Hà Nội đã được định hướng xây dựng theo TOD-định hướng có tính bền vững cao.

Phát triển theo định hướng giao thông công cộng (TOD - Transit Oriented Development) là mô hình phát triển đô thị lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán.

Từ nhiều năm nay, TOD đã trở thành hướng đi mới trong tư duy thiết kế quy hoạch đô thị ở các nước phát triển. Đối với nước ta nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng, việc vận dụng nguyên lý TOD vào quá trình thiết kế cải tạo, mở rộng và quy hoạch xây dựng đô thị không chỉ mang lại những lợi ích và hiệu quả thuyết phục kể trên mà còn giải toả được những điểm nóng về giao thông, đang gây nhiều bức xúc trong xã hội.

Trên thực tế, Hà Nội đã và đang xác định đây là một định hướng tốt có thể tham khảo cho sự phát triển trong tương lai.

Bằng cách ghi nhận các nội dung về TOD trong nội dung các điều khoản, có thể thấy dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã định hướng việc ưu đãi, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô ngay từ khía cạnh chính sách phát triển đô thị, phát triển quản lý hạ tầng, huy động nguồn tài chính ngân sách cho phát triển Thủ đô, cũng như cơ chế thu hút đầu tư xã hội và nhà đầu tư chiến lược để có thể xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô.

Về cơ bản, các nội dung để tạo ra hành lang pháp lý cho việc xây dựng và phát triển hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô ghi nhận trong dự thảo Luật Thủ đô đã khá đầy đủ và hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, qua phân tích cho thấy, nếu xác định TOD là một giải pháp quy hoạch cho Hà Nội trong việc hướng tới người dân sử dụng giao thông công cộng, giảm ùn tắc giao thông, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và bảo vệ môi trường thì các quy định về TOD nên được nhấn mạnh hơn, trở thành một trong những trọng tâm cần được lưu ý trong chính sách phát triển đô thị của Thủ đô.

"Do đó, các nội dung điều chỉnh về TOD trong dự thảo Luật Thủ đô cần được tách riêng ra thành một điều khoản độc lập với nội dung về xây dựng phát triển hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô. Trong điều khoản này, sẽ tập hợp toàn bộ các điều khoản quy định về TOD nằm rải rác ở các điều khoản khác nhau về quản lý hạ hầng, huy động tài chính, huy động nhà đầu tư"…, TS Mai Thị Mai nhấn mạnh.

Đồng thời cho rằng, trên thực tế, để tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô. Việc ưu tiên tăng tính chủ động cho Thủ đô thông qua nguyên tắc ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô hoặc ưu tiên phân cấp, phân quyền cho chính quyền Thủ đô là định hướng hoàn toàn đúng đắn.

Có thể thấy, Hà Nội đang có tốc độ gia tăng dân số cơ học rất cao, người dân từ khắp nơi đổ về học tập, kinh doanh, làm việc, tập trung rất lớn ở khu vực lõi. "Việc xây dựng chính sách quy hoạch đô thị về giao thông công cộng gắn với mô hình TOD có thể là "lời giải" giúp Hà Nội phát triển theo xu hướng hình thành đô thị nén, biến khó khăn thách thức thành cơ hội thực sự cho hiện tại và cả tương lai. Do đó, việc dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có những quy định trực tiếp về TOD là rất đáng ghi nhận", TS Mai Thị Mai nêu quan điểm.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia giao thông cũng cho rằng, phát triển giao thông công cộng là phải quan tâm phát triển hạ tầng, phủ kín mạng lưới, tăng cường tính kết nối giữa các loại hình giao thông công cộng để người dân ở mọi nơi đều có thể tiếp cận một cách dễ dàng, thuận tiện. Xe buýt có ưu thế so với phương tiện cá nhân ở những yếu tố như tính an toàn, chi phí rẻ; nên nếu tiếp cận, sử dụng được thuận tiện, dễ dàng thì người dân sẽ ưu tiên lựa chọn các loại phương tiện giao thông công cộng…

Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho rằng, ưu tiên cho xe buýt không chỉ là ưu tiên khi hoạt động trên đường, mà điểm dừng, nhà chờ cũng cần được lưu tâm. Do đó, Hà Nội cần khảo sát, điều chỉnh lại các điểm dừng để bảo đảm hợp lý.

Để phát triển về lâu dài, Thủ đô cần có thêm các chính sách ưu tiên trong đầu tư phát triển giao thông công cộng như ưu tiên quỹ đất cho giao thông công cộng, làm hạ tầng điểm đầu cuối, điểm trung chuyển, dừng đỗ, tạo những điều kiện thuận lợi nhất để người dân tiếp cận và sử dụng các phương tiện giao thông công cộng…

Diệu Anh

Top