Luôn kiên trì với mục tiêu phòng cháy hơn chữa cháy

06/12/2022 5:35 PM

(Chinhphu.vn) - Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy”, ngăn ngừa những mối ẩn họa từ cháy nổ, thời gian qua, chính quyền và lực lượng chức năng của các địa phương trên địa bàn Hà Nội đã, đang thực hiện nhiều giải pháp, kiên trì với mục tiêu phòng cháy hơn chữa cháy.

Luôn kiên trì với mục tiêu phòng cháy hơn chữa cháy - Ảnh 1.

Hướng dẫn sử dụng bình chữa cháy và thực hành chữa cháy. Ảnh: VGP/TN

Nhiều cơ sở bị tạm đình chỉ và đình chỉ hoạt động

Sau hơn một tháng triển khai cao điểm tổng kiểm tra, đến nay cơ bản các cơ sở thuộc danh mục quản lý trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được rà soát về công tác an toàn phòng cháy chữa cháy. Cụ thể, tính từ ngày 15/10/2022 đến ngày 12/11/2022, tổng số cơ sở thuộc diện quản lý trên địa bàn Thành phố là gần 133 nghìn cơ sở (tăng hơn 3.560 cơ sở so với thời điểm 15/10/2022), bao gồm các cơ sở thuộc các phụ lục I,II,III Nghị định số 136/2020/NĐ-CP; cơ sở trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp; cơ sở trong khu dân cư và được phân cấp quản lý theo quy định.

Về kết quả kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, tính từ ngày 15/10/2022 đến ngày 12/11/2022, Công an Thành phố đã kiểm tra gần 65.890 cơ sở (đạt 50% chỉ tiêu toàn đợt). Qua kiểm tra, phát hiện, ban hành 3.522 quyết định xử phạt xử phạt/ 4.431 hành vi vi phạm, với tổng số tiền phạt: hơn 28,8 tỷ đồng. Đồng thời, tham mưu chính quyền các cấp ban hành 18.520 văn bản kiến nghị, tạm đình chỉ hoạt động 643 cơ sở, đình chỉ hoạt động 339 cơ sở…

Ngay từ những ngày đầu triển khai cao điểm, Công an phường Láng Hạ (quận Đống Đa) đã quán triệt nghiêm túc tới từng cán bộ chiến sĩ và các lực lượng chức năng tham gia phối hợp kiểm tra. Đó là khẩn trương, nghiêm túc nhưng không qua loa, đại khái, mà phải kiểm tra kỹ, đặc biệt phải điểm mặt rõ những vi phạm về an toàn phòng cháy chữa cháy; từ đó hỗ trợ, hướng dẫn người dân cách khắc phục làm sao để đảm bảo an toàn. Đối với các trường hợp vi phạm không thể khắc phục phải kiên quyết yêu cầu tạm đình chỉ, tạm dừng hoạt động, không để tình trạng kiểm tra xong bỏ đó, không có hướng giải quyết.

Còn tại quận Tây Hồ, qua tổng rà soát, trên toàn quận có 1.330 cơ sở buộc phải kiểm tra. Sau 1 tháng thực hiện chiến dịch, phát hiện 1.633 trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 300 triệu đồng, đình chỉ 1 trường hợp, tạm đình chỉ 3 trường hợp, đang đề xuất làm hồ sơ tạm đình chỉ 3 trường hợp. Một số cơ sở kinh doanh lưu trú và tòa nhà hỗn hợp cả văn phòng, dịch vụ và chung cư cao tầng thiếu quan tâm đến công tác phòng cháy chữa cháy.

Sau hơn 1 tháng mở đợt cao điểm tổng rà soát, kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy cà cứu nạn cứu hộ đối với địa bàn, cơ sở trên địa bàn huyện Thanh Oai, Công an huyện Thanh Oai đã lập biên bản, ra quyết định đình chỉ hoạt động đối với 19 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke do không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định tại Thông tư số 147/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020.

Để chống "giặc lửa" đạt hiệu quả từ cơ sở

Xác định "phòng hơn chống", Công an TP. Hà Nội đã chủ động hướng dẫn tới từng người dân, hộ dân biện pháp phòng chống với "giặc lửa".

Thượng tá Nguyễn Minh Thành, Phó Trưởng Công an quận Đống Đa cho biết, tất cả vụ việc đều cháy nổ xảy ra chủ yếu do bất cẩn trong sử dụng điện của người dân và ảnh hưởng bởi thời tiết mùa hanh khô nên nguy cơ cháy dễ xảy ra hơn. Nếu mỗi hộ dân đều có ý thức cao trong phòng chống cháy, nổ thì sẽ tạo được một thế trận phòng, chống "giặc lửa" đạt hiệu quả từ cơ sở.

Chính vì thế, tùy vào đặc thù địa bàn, công an các quận, huyện, thị xã có những hướng dẫn cụ thể với người dân để sao cho vừa phát huy phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ), vừa để mỗi người dân chính là một người lính cứu hỏa ngay từ khi đám cháy mới phát sinh.

Thiếu tá Trần Khắc Tuân, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an huyện Thanh Trì) cho biết, đơn vị đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tổ chức tuyên truyền sâu rộng về công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy cho hộ dân ở các khu dân cư.

Tại các buổi tuyên truyền, ngoài việc thông tin các vụ cháy điển hình thời gian qua, những nguy cơ cháy, nổ tại cơ sở, nơi tập trung đông người, cơ quan công an đã phổ biến kiến thức an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với khu dân cư và hộ gia đình, kỹ năng xử lý đám cháy khi mới phát sinh.

Trong khi đó, Công an quận Bắc Từ Liêm đã vận dụng mô hình "4 lớp" trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Lớp đầu tiên là hộ gia đình, đối tượng phát hiện cháy đầu tiên. Kế đến là những người thường xuyên có mặt tại địa phương, từ người chạy xe ôm đến người bán hàng xén. Lớp tiếp theo là lực lượng dân quân, bảo vệ dân phố và cuối cùng là Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, lực lượng công an, quân đội phụ trách địa bàn, các ban, ngành, đoàn thể…

Có thể thấy, việc tăng cường tuyên truyền các quy định pháp luật về phòng cháy chữa cháy đến nhân dân, cơ quan, đơn vị trên địa bàn với tinh thần "đến từng nhà, rà từng người", sẽ góp phần nâng cao ý thức, kỹ năng cho nhân dân, cơ quan đơn vị, giảm thiếu tối đa những vụ cháy có thể phát sinh và thiệt hại nếu xảy ra cháy.

Thành Nam

Top