Lý Văn Phủ - Người bảo tồn chữ viết dân tộc Dao

10/10/2019 4:40 PM

(Chinhphu.vn) - Là một trong 10 gương mặt Công dân Thủ đô ưu tú năm 2019, trong suốt những năm qua, ông Lý Văn Phủ, trưởng thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì đã có nhiều đóng góp để bảo tồn, duy trì chữ viết, văn hóa của đồng bào dân tộc người Dao cũng như tuyên truyền xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo.

Ông Lý Văn Phủ, trưởng thôn Yên Sơn, xã Ba Vì bên tài liệu lưu giữ chữ viết cổ của người Dao - Ảnh: Thiện Tâm

Chia sẻ với phóng viên, ông Lý Văn Phủ cho biết, ông rất phấn khởi khi được Đảng, Nhà nước quan tâm và vinh dự là một trong những công dân Thủ đô ưu tú. Trong nhiều năm qua, ông đã tận tình giúp đỡ bà con từ công việc của cộng đồng làng xóm đến xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, năm 2013, ông đã được người dân tin tưởng bầu làm Người có uy tín, đến năm 2014 được bầu làm trưởng thôn Yên Sơn. Trong suốt nhiệm kỳ ông Phủ đã có nhiều đóng góp cho đồng bào, trong đó phải kể đến việc bảo tồn và duy trì chữ viết cổ của người Dao.

Theo ông Phủ, từ hồi nhỏ, ông đã rất ngưỡng mộ chữ viết của dân tộc Dao, chính vì am hiểu và tỏ tường phong tục, tập quán của đời sống đồng bào nên ông đã giúp bà con giải quyết được rất nhiều công việc của xóm làng, đóng góp cho cộng đồng.

Trên địa bàn xã Ba Vì có tới 98% dân số là đồng bào dân tộc Dao, với hơn 2 nghìn người, sống tập trung chủ yếu tại 3 thôn Hợp Nhất, Hợp Sơn và Yên Sơn. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn xã chỉ còn chừng 7 người biết chữ cổ của dân tộc Dao và chỉ có số ít đồng bào biết đọc chữ. Đây là một vấn đề rất quan ngại khi kho tàng sách cổ hiện vẫn được ông Phủ và số ít người dân tộc lưu giữ, nhưng rất khó để bảo tồn, duy trì và đứng trước nguy cơ mai một. Bởi việc bảo tồn chữ viết của người Dao tuy mang giá trị tinh thần rất lớn nhưng không tạo ra kinh tế nên khó thu hút được lớp trẻ học hỏi, truyền thụ lại được cho họ.

Để duy trì chữ viết cổ, từ năm 2006, những người đứng đầu như già làng, trưởng bản đã mở lớp dạy chữ cho đồng bào nhưng những năm gần đây, các lớp học đã phải ngưng lại do không đủ kinh phí duy trì. Vì vậy, ông Lý Văn Phủ mong muốn chính quyền các cấp và địa phương cũng như các nhà nghiên cứu văn hóa quan tâm, tạo điều kiện để vùng đồng bào dân tộc Ba Vì có thể bảo tồn và duy trì chữ viết cổ người Dao, lưu giữ nét văn hóa độc đáo và quý báu này cho thế hệ mai sau.

Ngoài việc miệt mài, không ngừng nghiên cứu các giá trị văn hóa từ kho tàng sách cổ của người Dao, ông Lý Văn Phủ còn có rất nhiều đóng góp cho cộng đồng dân tộc Dao trên địa bàn xã Ba Vì. Điển hình như việc tích cực tuyên truyền nhân dân tham gia chung tay xây dựng nông thôn mới, riêng gia đình ông Lý Văn Phủ đã trực tiếp hiến 200m2 đất để làm đường giao thông. Bên cạnh đó, gia đình ông Phủ cũng phát triển nghề trồng thuốc nam, mỗi năm cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Vì vậy, gia đình ông đã trở thành điểm sáng cho bà con trong vùng học tập, noi theo.

Không chỉ nỗ lực làm giàu cho mình, với tình cảm mộc mạc, nhân hậu, gia đình ông Phủ còn hỗ trợ rất nhiều cho bà con làng xóm làm giàu như truyền thụ kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật cũng như việc chế biến thuốc nam và bảo tồn các giống thuốc quý.

Tuy đã nhiều tuổi nhưng ông Lý Văn Phủ vẫn rất nhiệt huyết, tận tâm với công việc chung của xóm làng. Với cương vị là Người có uy tín và là trưởng thôn, ông Phủ đã có nhiều đóng góp trong công tác phòng chống tệ nạn xã hội, hòa giải nhiều mâu thuẫn, công việc chung của đồng bào. Mặc dù có nhiều khó khăn, vất vả và mang danh “người vác tù và hàng tổng” nhưng ông vẫn rất phấn khởi vì đã làm tròn trách nhiệm được bà con giao phó cũng như mang lại niềm vui cho đồng bào.

Với những đóng góp đó, năm 2017, ông được Chủ tịch UBND thành phố tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2017 về thành tích tiêu biểu, xuất sắc, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Và năm 2019, ông được vinh dự là một trong 10 gương mặt Công dân ưu tú của Thủ đô.

Thiện Tâm

Top