Mã số vùng trồng giúp ‘định danh’ nông sản
(Chinhphu.vn) - Mã số vùng trồng dùng để cấp cho những diện tích cây, trái canh tác dành cho xuất khẩu. Tuy nhiên với quan điểm mới của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, cách thức này có thể áp dụng để kiểm soát chất lượng cho cả nông sản nội địa.
Hiệu quả của nông sản được cấp mã số
Hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã cấp 2.821 mã số vùng trồng cho 12 loại trái cây của 48 tỉnh/thành phố để xuất khẩu.
Gạo hữu cơ xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ - Ảnh: An Khuê |
Nhãn chín muộn là loại trái cây đầu tiên được cấp mã số vùng trồng tại Hà Nội. Các diện tích nhãn chín muộn được tập trung tại huyện Hoài Đức và huyện Quốc Oai theo tiêu chuẩn của thị trường Mỹ. Việc cấp mã vùng trồng đã mở cánh cửa xuất khẩu cho nhãn chín muộn Hà Nội sang nhiều thị trường lớn như: Mỹ, Ba Lan, Malaysia, Australia…
Không chỉ là sản phẩm được nhiều thị trường quốc tế ưa chuộng, ngay ở trong nước, lượng nhãn chín muộn đã được nhiều công ty lớn ký kết với sản lượng mỗi vụ trên 100 tấn như: Công ty cổ phẩn thương mại xuất nhập khẩu Green Path; Công ty thực phẩm sạch Biggreen; Công ty cổ phần 5S PRO....
Sau nhãn muộn, một sản phẩm cũng được ngành nông nghiệp Hà Nội tập trung để cấp mã số vùng trồng cho thời gian tới là những diện tích gạo chất lượng cao tại huyện Chương Mỹ.
Gạo hữu cơ xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ được Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú sản xuất theo quy trình sản xuất lúa hữu cơ theo dự án PAMCI với các giống lúa Bắc Thơm Số 7 và J02 (Jamonica - Nhật Bản). Toàn bộ quá trình sản xuất được thực hiện theo một quy trình nghiêm ngặt, từ vấn đề về giống, gieo mạ, phân bón, quản lý dịch hại, kiểm soát nước...
Ngoài ra, sản phẩm gạo hữu cơ Đồng Phú được truy xuất nguồn gốc, được bảo quản ở điều kiện tốt sau thu hoạch để giữ cho sản phẩm có chất lượng cao... Đây cũng là sản phẩm của chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản tiêu biểu của Hà Nội theo hình thức liên kết 4 nhà: nhà quản lý, nhà khoa học, nhà sản xuất, nhà kinh doanh.
Mới đây trong cuộc làm việc với Bộ NN&PTNT với ngành nông nghiệp Hà Nội, Bà Trịnh Thị Nguyệt, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) cũng đưa ra kiến nghị, ngành nông nghiệp tăng cường hướng dẫn việc đăng ký mã số vùng trồng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, đặc biệt là mã vùng trồng theo tiêu chuẩn của những thị trường nhập khẩu có yêu cầu khắt khe.
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cũng cho biết đơn vị này đã xây dựng được mã số vùng trồng cho nhãn chín muộn và đang đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng cho vùng lúa hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, vùng trồng chuối tại huyện Ba Vì và khảo sát, nghiên cứu một số loại hoa có thế mạnh xuất khẩu tại huyện Mê Linh để sớm xây dựng mã số vùng trồng.
Ứng dụng cho thị trường trong nước
Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cho biết nguồn gốc quy trình cấp mã số vùng trồng là do yêu cầu của một số thị trường xuất khẩu.
Theo đó, các nước nhập khẩu yêu cầu quy trình sản xuất từ giống, trồng trọt, chăm sóc, phòng trừ sinh vật gây hại… phải được thực hiện theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Đến nay khi đã mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, các thị trường lớn Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand đều phải được cấp mã số vùng trồng. Chính vì vậy việc cấp mã số vùng trồng ngày này càng trở nên phổ biến.
Tất cả các cây trồng trong danh mục được phép xuất khẩu sẽ đều được cấp mã số nếu tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Trước đây, diện tích quy định để cấp mã số vùng trồng cho xuất khẩu khoảng 10 ha nhưng hiện cũng có những cây trồng không thể tìm được 10 ha liền vùng hay trong nhà lưới cũng không thể đạt 10 ha.
Việc cấp mã số vùng trồng giúp người canh tác đi theo quy chuẩn, nông sản được trồng trọt cũng cho chất lượng cao hơn. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp xác định sẽ mở rộng việc cấp mã số vùng trồng cho ngay cả các sản phẩm nội địa.
Ông Nguyễn Quý Dương cho biết hiện Cục Bảo vệ thực vật đang ra dự thảo quyết định về việc này. “Trong dự thảo quyết định chúng tôi đưa ra diện tích tối thiểu là 10 ha, bên cạnh đó cũng quy định cấp mã số trong những trường hợp đặc biệt theo thực tiễn tại địa phương hoặc yêu cầu của nước nhập khẩu”, ông Dương thông tin.
Hiện Cục Bảo vệ thực vật đang cấp mã số vùng trồng cho một loạt cây trồng xuất khẩu nhưng không thu một khoản chi phí nào. Các mã số được cấp không quy định thời hạn vì hàng năm các mã số đã được cấp đều được giám sát.
Hà Nội là địa phương có diện tích trồng trọt các loại nông sản chất lượng cao khá lớn. Người sản xuất của TP Hà Nội, phân lớn tiếp cận và ứng dụng công nghệ cũng khá tốt. Chính vì vậy, xu hướng cấp mã số vùng trồng nếu được bám sát và phổ biến kịp thời đến người sản xuất tại Hà Nội thì trong tương lai gần, nhiều diện tích trồng trọt sẽ cho hiệu quả kinh tế vượt bậc hơn hiện nay.
An Khuê