Mang di sản đến gần hơn với nhân dân
(Chinhphu.vn) - Hà Nội có nhiều công trình di sản ngay trung tâm Thành phố, nơi chúng ta vẫn đi qua hay thường chụp ảnh nhưng để tiếp cận sâu và gần, tham quan bên trong và tìm hiểu những câu chuyện lịch sử, giá trị kiến trúc-nghệ thuật-văn hóa đằng sau mỗi công trình, mỗi di tích, thì với đông đảo công chúng, không phải ai cũng có cơ hội đến gần hơn với các di sản.
Để không gian di sản trở thành địa chỉ văn hóa gần gũi
Bằng cách lựa chọn những không gian di sản độc đáo của Thành phố và thổi vào đó chất liệu sáng tạo, nghệ thuật làm tôn lên vẻ đẹp, sự giàu có, đa dạng và bề dày lịch sử của các công trình; Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội qua mỗi mùa lại khơi gợi sự quan tâm, tìm hiểu và niềm tự hào của người dân và công chúng về di sản của Hà Nội, đưa những không gian di sản này dần trở thành địa chỉ văn hóa gần gũi, thu hút khách trong và ngoài nước, thay vì nằm gọn trong từ "di tích, di sản" mà hằng ngày người dân chỉ kịp lướt qua.
Đây cũng là mong muốn và chủ đích của UBND TP. Hà Nội và của đơn vị tổ chức Lễ hội Thiết kế Sáng tạo, đó là, mang di sản đến gần hơn với nhân dân và khuyến khích nhân dân đến gần hơn với di sản. Và việc mở cửa những không gian di sản chưa từng được đón khách tham quan hay ít ai biết tới, là một trong những cách mà Lễ hội Thiết kế Sáng tạo nói riêng và Thành phố nói chung đã và đang kết nối di sản với nhân dân bằng nhịp cầu sáng tạo.
Như ai đã từng đến với Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, không thể quên điểm sáng tạo ấn tượng với việc "khoác áo mới" cho không gian di sản công nghiệp Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (quận Long Biên) hay "đánh thức" Tháp nước Hàng Đậu mở cửa sau gần 100 năm, trở thành không gian sáng tạo độc đáo và thu hút 200.000 người ghé thăm.
Bước sang mùa thứ 4, Lễ hội 2024 tiếp tục "chạm" tới nhiều công trình biểu tượng tinh hoa văn hóa của thành phố, như: Cung Thiếu nhi Hà Nội, Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia,… và đặc biệt đón công chúng tham quan những di sản lần đầu tiên mở cửa sau gần 80 năm như: Nhà khách Chính phủ, tòa nhà Đại học Tổng hợp - 19 Lê Thánh Tông thuộc Đại học Quốc Gia Hà Nội…
Làm giàu vốn văn hóa, sáng tạo từ tài nguyên di sản
Với đặc trưng Lễ hội trải trong một không gian rộng với nhiều điểm khám phá và nhiều hoạt động, sự kiện được tổ chức, việc trải nghiệm Lễ hội theo "tour di sản sáng tạo" với lộ trình tối ưu, chuyển tải đến du khách những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc của các di sản cũng như các biểu tượng, hoạt động tại Lễ hội, phục vụ đoàn khách tham quan cần thiết. Nhất là đối với khách du lịch nước ngoài và khách từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đến thăm Hà Nội và muốn khám phá Lễ hội.
Công ty Du lịch Vietravel thiết kế 6 tour có độ dài từ 30 phút đến 8 tiếng trải nghiệm, tại từng điểm di tích hoặc xuyên suốt các điểm trên "Giao lộ sáng tạo". Du khách có thể lựa chọn ngôn ngữ hướng dẫn bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
Tại mỗi điểm, người tham quan được hướng dẫn viên dẫn dắt theo lộ trình được thiết kế theo chủ đề và giới thiệu thêm những câu chuyện thú vị "lần đầu được kể" đằng sau mỗi di sản, phải kể đến như tour "Bắc Bộ Phủ - Dấu ấn" mở cửa hé lộ trang sử hào hùng nhất của "Hà Nội 60 ngày đêm" khói lửa hay cũng câu chuyện kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ lần đầu tiên tại nơi này...
Theo chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Công ty Du lịch Vietravel cho biết, thông qua các tuyến tham quan theo hai chủ đề chuỗi "Tour sáng tạo tuyến Lễ hội" và chuỗi "Tour sáng tạo cộng hưởng", mỗi bước đi của du khách sẽ là một hành trình khám phá chiều sâu của văn hóa, truyền thống, và nghệ thuật, hòa quyện cùng không khí sáng tạo của Lễ hội.
Lần đầu tiên triển khai sản phẩm du lịch di sản truyền thống kết hợp với Lễ hội văn hóa, Vietravel hy vọng sẽ tạo tiền đề cho những dòng sản phẩm mới lạ cho những Lễ hội khác sau này, nhằm đồng hành để cùng phát triển du lịch Hà Nội.
Với mong muốn đồng hành cùng hoạt động cộng đồng, tôn vinh di sản kiến trúc, văn hóa và nghệ thuật đương đại của Thủ đô, các hình thức trải nghiệm tour di sản kiểu mới kết hợp thưởng lãm các tác phẩm, nghệ thuật sáng tạo mới mở ra những hành trình thú vị để đông đảo người dân có thể tìm hiểu sâu hơn và gần hơn về vốn di sản của Thành phố.
Các pavillion được sắp đặt trong không gian di sản như một cuộc đối thoại với di sản, khơi gợi và tăng thêm giá trị cho di sản. Và với chính những nhà sáng tạo tham gia cùng với Lễ hội, chính họ cũng đã cuốn mình vào giá trị tinh hoa của mỗi công trình; từ đó đưa vào trong sáng tạo các tác phẩm, các pavilion, các triển lãm, trưng bày tại mỗi công trình di sản như muốn viết tiếp câu chuyện sáng tạo kết nối với quá khứ, nhằm tạo ra thể thống nhất giữa truyền thống và hiện đại, như gửi gắm về sự kế thừa và phát triển tinh thần sáng tạo của những lớp người Thủ đô, những cuộc đối thoại liên thế hệ.
Thông qua những câu chuyện chưa từng kể, những góc nhìn độc đáo kết hợp giữa di sản và nghệ thuật đương đại, những tương tác giữa con người với di sản, khi người tham quan tiếp cận tác phẩm tại mỗi công trình, sẽ giúp công chúng hiểu hơn về tinh thần sáng tạo của chính những thế hệ người dân Hà Nội.
Thông qua thí điểm hình thức tour di sản sáng tạo mới tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 kết hợp với trải nghiệm các hoạt động nghệ thuật tương tác sáng tạo - đặc trưng vốn có của Lễ hội - người dân Hà Nội cũng du khách trong và ngoài nước có thể tìm về những giá trị sâu sắc của văn hóa, lịch sử và nghệ thuật, được hòa quyện trong không khí hiện đại của một Hà Nội vươn mình.
Từ cảm thức ấy, du khách không chỉ thưởng lãm được nét đẹp di sản của Thủ đô mà còn làm giàu thêm cho vốn văn hóa, sáng tạo của chính mình sau mỗi chuyến đi, cũng như tự hào hơn về sự sáng tạo không ngừng của Hà Nội được minh chứng qua những công trình biểu tượng tinh hoa.
Diệu Anh