Mạng lưới xe buýt Thủ đô: Cần đánh giá tổng thể để nâng cao dịch vụ
(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, mạng lưới xe buýt Hà Nội đã phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên việc phát triển, khai thác mạng lưới buýt hiện nay vẫn còn một số tồn tại, bất cập. Do vậy, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khắc phục, trong đó việc rà soát, đánh giá tổng thể mạng lưới xe buýt làm cơ sở đề xuất các giải pháp là rất cần thiết.

Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển các tuyến xe buýt sử dụng điện. Ảnh: VGP/Diệu Anh
Xe buýt tiếp cận đến 100% huyện, thị xã
Trong thời gian qua, mạng lưới buýt của TP. Hà Nội đã phát triển mạnh mẽ, rộng khắp. Thành phố đã có 154 tuyến buýt, tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã đạt 100%; 513/579 số xã, phường thị trấn đạt 88,6%; kết nối với 8 tỉnh, thành lân cận…phục vụ nhu cầu đi lại của người dân; cùng với đường sắt đô thị trở thành phương tiện giao thông đi lại nòng cốt trong đô thị.
Năm 2023, sản lượng vận chuyển đạt 385,2 triệu lượt hành khách, tăng 13,2% so với năm 2022; nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích cho dân Thủ đô tham gia loại hình dịch vụ này vượt trội so với các địa phương trong cả nước, chính sách miễn phí đi xe buýt cho người cao tuổi và nhân khẩu hộ nghèo theo Nghị quyết số 07 của HĐND Thành phố được nhân dân đón nhận, đánh giá cao, đến hết năm 2024 đã cấp trên 721 nghìn thẻ miễn phí các loại.
Hình thức vé cơ bản đa dạng với nhiều đối tượng khác nhau như vé lượt, vé tháng ưu tiên, không ưu tiên, vé tháng 1 tuyến, liên tuyến, tập thể; đã triển khai thí điểm vé điện tử trên 25 tuyến buýt; đoàn phương tiện xe buýt xanh, sạch thân thiện với môi trường bước đầu đã được triển khai. Đến nay, đã có 348 xe sử dụng năng lượng sạch, chất lượng đoàn xe được nâng cao, chủng loại xe hoạt động đa dạng phù hợp với điều kiện hạ tầng khu vực;
Thông tin về mạng lưới phục vụ người dân được kịp thời triển khai nhiều ứng dụng "Tìm buýt, Busmap, Vinbus…" để phục vụ tra cứu thông tin cho hành khách; việc lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ được tuân thủ theo đúng quy định; hệ thống định mức đơn giá từng bước đã được cải thiện cập nhật hoàn thiện.
Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND TP. Hà Nội, việc phát triển, khai thác mạng lưới buýt hiện nay vẫn còn một số tồn tại bất cập như về kinh phí trợ giá vẫn ở mức cao; tốc độ, thời gian di chuyển của xe buýt vẫn còn chậm; tỷ lệ phương tiện chất lượng cao, thân thiện với môi trường còn thấp…
Bên cạnh đó, hạ tầng xe buýt còn thiếu, chưa thật sự thuận tiện cho việc tiếp cận người dân do quỹ đất xây dựng các điểm đầu/cuối, trung chuyển, làn ưu tiên/dành riêng; việc mở rộng mạng lưới chưa đáp ứng được hết nhu cầu đi lại của người dân; một số tuyến buýt hiệu quả hoạt động chưa cao do mạng lưới xe buýt chưa thực sự tối ưu, một số tuyến buýt có tần suất và sức chứa còn chưa phù hợp với nhu cầu đi lại thực tế…
Do vậy, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để khắc phục kịp thời các tồn tại bất cập và việc rà soát, đánh giá tổng thể mạng lưới xe buýt làm cơ sở đề xuất các giải pháp nhằm điều chỉnh, nâng cao chất lượng dịch vụ và sản lượng vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thành phố là cần thiết.
Hướng tới xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh
"Đề án đánh giá tổng thể mạng lưới xe buýt làm cơ sở đề xuất các giải pháp nhằm điều chỉnh, nâng cao chất lượng dịch vụ và sản lượng vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thành phố" vừa được UBND TP. Hà Nội phê duyệt sẽ nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập của mạng lưới xe buýt hiện tại; nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển mạng lưới xe buýt Thủ đô ngày càng hợp lý, hiệu quả, thân thiện môi trường.
Đồng thời, đây sẽ là một hợp phần của hệ thống vận tải hành khách công cộng đa phương thức trong tương lai; tăng cường năng lực vận chuyển cho hệ thống vận tải hành khách công bằng xe buýt của Thủ đô nhằm từng bước giảm phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Hà Nội đề xuất lựa chọn phương án phát triển và tỷ lệ đáp ứng theo mức kịch bản thấp (tỷ lệ đáp ứng vận tải hành khách công cộng năm 2025 là 20%, năm 2030 là 30%, năm 2035 là 40%); đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Cụ thể, Hà Nội tiếp tục điều chỉnh, hợp lý hóa mạng lưới tuyến; phát triển mạng lưới tuyến xe buýt theo 2 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 2025-2030 tập trung phát triển các tuyến buýt sử dụng điện, năng lượng xanh kết nối với các tuyến đường sắt đô thị (phát triển theo tiến độ các tuyến đường sắt đô thị đưa vào khai thác vận hành), các khu đô thị mới, trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia, bảo tàng.
Giai đoạn 2031-2035, Hà Nội sẽ phát triển theo hướng hỗn hợp phù hợp với phát triển hạ tầng giao thông đường bộ; hình thành các điểm trung chuyển xe buýt gần các giao cắt giữa trục chính với tuyến vành đai để làm cơ sở phát triển các tuyến buýt từ ngoại thành kết nối đến điểm trung chuyển hoặc đầu mối giao thông (bến xe) sau đó hành khách sẽ được chuyển tiếp bằng hệ thống xe buýt nội đô vào khu vực trung tâm theo tiến độ phát triển các bến xe, điểm trung chuyển phát triển mới.
Phát triển tuyến xe buýt kết nối trực tiếp từ trung tâm của các đô thị vệ tinh tới các điểm trung chuyển ở khu vực vành đai của đô thị trung tâm; phát triển các tuyến xe buýt trên nền các tuyến buýt nhanh - BRT, đường sắt đô thị trong quy hoạch, từng bước hình thành nhu cầu sử dụng vận tải công cộng của người dân…
Cùng với đó đẩy mạnh chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh; cải tạo nâng cấp hạ tầng cho xe buýt; đầu tư đổi mới đoàn phương tiện, thiết kế thay đổi bộ nhận diện thương hiệu, hình ảnh màu sơn cho phương tiện xe buýt; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng phương án vé liên thông.
Diệu Anh