Mạnh dạn thử nghiệm nhiều cơ chế, chính sách mới

28/03/2024 2:20 PM

(Chinhphu.vn) - Trong 40 năm qua, Hà Nội luôn tìm tòi, sáng tạo, mạnh dạn thử nghiệm nhiều cơ chế, chính sách mới để thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế nhanh, bền vững.

Mạnh dạn thử nghiệm nhiều cơ chế, chính sách mới- Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ tổng kết 40 năm đổi mới - Ảnh: VGP/GH

Hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô

Tại hội nghị tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua trên địa bàn Thủ đô (ngày 28/3), Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, sau gần 40 năm đổi mới, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở Thủ đô luôn được Đảng bộ thành phố coi trọng, nâng cao chất lượng. Hệ thống chính trị từ thành phố tới cơ sở không ngừng lớn mạnh cả về tổ chức, bản lĩnh chính trị và năng lực lãnh đạo.

Kinh tế Thủ đô từ nền kinh tế bao cấp theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu đã từng bước chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Nhờ đó, Thủ đô Hà Nội nhanh chóng ra khỏi khủng hoảng thiếu, thoát khỏi Thủ đô nghèo và vị thế ngày càng được nâng cao. Kinh tế Thủ đô tăng trưởng liên tục từ năm 1986 đến nay và năng suất lao động ngày càng tăng (đạt bình quân trên 7%/năm).

Văn hóa – xã hội sau gần 40 năm đổi mới từ lý luận và thực tiễn có thể khẳng định trên lĩnh vực phát triển văn hóa và xây dựng con người, Hà Nội đã đạt được những thành tựu to lớn, khá toàn diện, sâu sắc và nổi bật trên một số mặt. An sinh xã hội được đảm bảo, nhất là công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, chăm sóc các đối tượng chính sách xã hội. Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn TP Hà Nội giảm còn 0,03%; tỷ lệ hộ cận nghèo 0,7%.

Công tác đối ngoại của TP. Hà Nội đã có những bước chuyển mình tích cực. Đến nay, Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 Thủ đô, TP các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ…

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, Thành ủy Hà Nội xác định 9 nhóm vấn đề và đề xuất giải pháp Thủ đô cần phải giải quyết trong giai đoạn phát triển mới.

Để tiếp tục công cuộc đổi mới của Đảng, các cấp uỷ, tổ chức đảng và hệ thống chính trị của Thủ đô Hà Nội sẽ tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam trên địa bàn. Phát huy cao độ sự đồng thuận xã hội, vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân nhằm hoàn thành mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên địa bàn Thủ đô, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu lý luận và thực tiễn, bổ sung, hoàn thiện mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên địa bàn Thủ đô. Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và lấy khoa học, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội; phát huy hiệu quả nguồn lực trí tuệ con người.

Bên cạnh đó, phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xứng đáng là trung tâm lớn về GD&ĐT, KH&CN, y tế; bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển và quản lý đô thị; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới. Theo đó, TP Hà Nội tập trung rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật với các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính.

Tăng cường phân cấp, ủy quyền trên một số lĩnh vực nhằm tạo sự chủ động, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Thủ đô gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực. Nghiên cứu, tổng kết mô hình thí điểm việc thực hiện không tổ chức HĐND cấp phường trên địa bàn Hà Nội, hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, liên thông.

Tại hội nghị, PGS, TS. Bùi Nhật Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy hơn nữa những thành tựu mà Thủ đô Hà Nội đã đạt được sau gần 40 năm đổi mới. Theo đại biểu, văn hóa phải là động lực phát triển của Hà Nội, bởi Hà Nội là Thủ đô, trung tâm văn hóa của cả nước.

Văn hoá lúc này sẽ không chỉ ở góc độ tinh thần, mà còn trở thành lượng lớn vật chất để giúp Thủ đô Hà Nội đạt được những kết quả phát triển cao hơn, bền vững hơn. Đây cũng là một trong những yếu tố, động lực quan trọng để Hà Nội hiện thực hoá mục tiêu từ năm 2030 đến năm 2045 trở thành một thủ đô phát triển theo hướng văn hiến, văn minh, hiện đại, có thu nhập cao.

Đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền về báo cáo tổng kết 40 năm đổi mới

Kết luận hội nghị, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, trong 40 năm qua, Hà Nội luôn tìm tòi, sáng tạo, mạnh dạn thể nghiệm nhiều cơ chế, chính sách mới để thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị có nhiều tiến bộ, thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đời sống Nhân dân được cải thiện, thu nhập từng bước được nâng lên. Năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền được nâng lên, kỷ cương được tăng cường. Dân chủ được mở rộng, vai trò của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội được phát huy.

Tuy nhiên, Bí thư Thành uỷ cho rằng, bên cạnh những thành tựu, những mặt tích cực là cơ bản cũng còn không ít hạn chế, tồn tại cũng như đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới.

Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ ra rằng, trong bối cảnh mới đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Báo cáo Tổng kết đã đề xuất, kiến nghị quan điểm, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, góp phần phát triển Thủ đô nhanh, bền vững. Trong đó, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, huy động và phát huy các nguồn lực, động lực phát triển mới, nhất là nguồn lực con người, nguồn lực văn hóa; quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Báo cáo tổng kết có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần đánh giá một cách khách quan và khoa học mọi mặt công tác của thành phố qua 40 năm đổi mới; làm rõ được những kết quả, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân; những yêu cầu, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng bộ Thủ đô trong giai đoạn tới.

Kết quả nghiên cứu của 8 chuyên đề và của Báo cáo tổng kết bước đầu đã tạo dựng được cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng, giúp thành phố Hà Nội trong công tác tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII; chuẩn bị cho việc xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVIII. Đây là kết quả ban đầu đáng khích lệ. Tuy nhiên, để kết quả của Báo cáo Tổng kết được lan tỏa mạnh mẽ hơn, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, làm tài liệu tham khảo cho các đảng bộ trực thuộc, các cơ quan nghiên cứu.

Gia Huy

Top