Mạnh tay xử lý tin nhắn rác, cuộc gọi rác, quảng cáo sai quy định
(Chinhphu.vn) – Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội vừa đề nghị tạm ngừng cung cấp dịch vụ đối với các số điện thoại nhắn tin rác, cuộc gọi rác, quảng cáo rao vặt sai quy định.
Qua rà soát và tiếp nhận phản ánh của các đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội tổng hợp các số điện thoại thực hiện nhắn tin rác, cuộc gọi rác và quảng cáo rao vặt sai quy định. Chủ thuê bao của các số điện thoại vi phạm đã được thông báo mời đến làm việc, xử lý vi phạm hành chính, tuy nhiên chủ thuê bao đã không chấp hành theo quy định.
Để thực hiện áp dụng biện pháp ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính và đảm bảo việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 119 và Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp viễn thông tạm ngừng cung cấp dịch vụ 02 chiều (bao gồm cả chiều gọi đi và chiều gọi đến) đối với các số điện thoại nhắn tin rác, cuộc gọi rác, quảng cáo rao vặt sai quy định.
Khi khách hàng có thắc mắc khiếu nại, đề nghị doanh nghiệp viễn thông hướng dẫn chủ thuê bao liên hệ với đơn vị thống kê là Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thanh Oai hoặc Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội.
Văn bản cũng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông báo cáo kết quả thực hiện về Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội trước ngày 14/7/2021.
Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông cũng có văn bản gửi các doanh nghiệp viễn thông đề nghị khôi phục hoạt động đối với các số điện thoại đã chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Ngày 28/1/2021, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã ký Quyết định ban hành “Quy trình xử lý đối với các số điện thoại liên hệ trong các biển quảng cáo, rao vặt sai quy định và “Quy trình xử lý đối với các số điện thoại, số dịch vụ tin nhắn tin rác, thực hiện cuộc gọi rác” trên địa bàn Hà Nội.
Cụ thể, quy trình gồm 5 bước do Sở Văn hóa và Thể thao, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện. Thống kê hoặc tiếp nhận thông tin về số điện thoại liên hệ trong biển quảng cáo, rao vặt sai quy định; Xử lý theo quy định Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017) mời chủ thuê bao đến làm việc tiến hành xử phạt vi phạm hành chính, khắc phục hậu quả; trường hợp chủ thuê bao không đến làm việc đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp xử lý tạm ngừng cung cấp dịch vụ; Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông thông báo tới chủ thuê bao có số điện thoại sai quy định; Sau khi chủ thuê bao khắc phục hậu quả, cam kết không tái phạm và đề nghị khôi phục điện thoại sẽ được Sở Thông tin và Truyền thông ra văn bản đề nghị doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông khôi phục hoạt động (nếu có).
Tương tự đối với, Quy trình xử lý đối với các số điện thoại, số dịch vụ tin nhắn ngắn nhắn tin rác, thực hiện cuộc gọi rác được thực hiện theo 6 bước: Tiếp nhận phản ánh về tin nhắn rác, cuộc gọi rác; Phân loại và xử lý; Nhắn tin thông báo đến chủ thuê bao; Xử lý vi phạm; Tạm ngừng cung cấp dịch vụ; Khôi phục hoạt động đối với các số điện thoại (nếu có).
Trong 2 năm vừa qua, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực nhằm xử lý tình trạng SIM kích hoạt sẵn. Số liệu thống kê cho thấy, trong thời gian qua, các nhà mạng đã thu hồi tới 26 triệu SIM rác. Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm 2021, tình hình SIM rác đang có dấu hiệu phức tạp trở lại. Trong những tháng đầu năm 2021, theo khảo sát của Cục Viễn thông, hiện tượng SIM rác, SIM kích hoạt sẵn đang có dấu hiệu quay trở lại. Tỷ lệ thuê bao mới trong 3 tháng đầu năm 2021 tăng 10%, cao hơn hẳn tốc độ bình quân trong cả năm 2020 (6%).
Thực tiễn cho thấy SIM kích hoạt sẵn vẫn còn tồn tại trên thị trường. Tuy nhiên đó lại là các SIM được đăng ký thông tin thuê bao hợp pháp. Điều này cho thấy việc quản lý thuê bao di động trả trước hiện vẫn còn lỗ hổng. Trước tình hình đó, Cục Viễn thông và 3 nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone đã trao đổi, tiến tới thống nhất bổ sung thêm các biện pháp nhằm tăng cường xử lý SIM rác.
Theo bản kế hoạch này, 3 nhà mạng lớn là Viettel, VinaPhone và MobiFone sẽ triển khai các giải pháp công nghệ như video call để xác thực khách hàng trước khi kích hoạt thuê bao. Bản kế hoạch mới cũng bổ sung trách nhiệm xử lý cá nhân, đơn vị của doanh nghiệp nếu để xảy ra sai phạm.
Hơn ai hết, những người lãnh đạo của các nhà mạng hiểu rõ việc xử lý SIM rác sẽ tạo tiền đề để phát triển các dịch vụ mới như Mobile Money, từ đó tạo ra không gian tăng trưởng mới. Do vậy, các nhà mạng đều thể hiện sự quyết tâm trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn và xử lý SIM rác.
Ngành viễn thông đã tuyên chiến với vấn nạn SIM rác trong nhiều năm. Các kết quả hiện nay đáng ghi nhận, tuy nhiên vấn đề này chưa được giải quyết triệt để.
Minh Anh