Mặt trái của mạng xã hội gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần

04/10/2024 1:41 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 4/10, hưởng ứng Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới (10/10), Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế Công cộng - Trường Đại học Y Hà Nội phối hợp với Sáng kiến Z&Alpha tổ chức Hội thảo với chủ đề "Mạng xã hội và sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên tại Việt Nam".

Mặt trái của mạng xã hội gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần- Ảnh 1.

PGS.TS. Lê Minh Giang, Viện trưởng Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế Công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội chia sẻ thông tin tại hội thảo. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

73,3% dân số Việt Nam sử dụng mạng xã hội

Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức về tác động của mạng xã hội đối với sức khỏe tâm thần của giới trẻ, đưa ra các khuyến nghị và hành động cụ thể để bảo vệ, nâng cao sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên Việt Nam.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Cao Hoàng Nam, Sáng kiến Z & ALPHA, cho biết thống kê năm 2014 Việt Nam có 37,2 triệu người sử dụng internet và đến tháng 1/2024 đã có khoảng 78,4 triệu người (chiếm hơn 80% dân số Việt Nam). Như vậy, chỉ trong 10 năm tăng hơn 41 triệu người sử dụng internet.

Thống kê tháng 1/2024 với người dùng 16 - 64 tuổi, thời gian sử dụng internet hằng ngày trên tất cả các thiết bị của Việt Nam trung bình 6 giờ 18 phút/ngày/người, đặc biệt thời gian sử dụng internet trên điện thoại di động 3 giờ 30 phút/ngày/người.

Về tiếp cận mạng xã hội, có 73,3% dân số sử dụng mạng xã hội, thời gian dử dụng mạng xã hội trung bình 2 giờ 25 phút/ngày/người (thời gian sử dụng mạng xã hội của Việt Nam xếp thứ 20 trên toàn thế giới, đứng đầu là Kenya với 3 giờ 43 phút).

Facebook là nền tảng mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam với 89,7%, Zalo 88,5%, TikTok 77,8%.

Thống kê tháng 1/2024, độ tuổi 16 - 64 tuổi có 96,8% người truy cập trang web, ứng dụng trò chuyện, nhắn tin, 96,6% truy cập mạng xã hội.

Top 5 mục đích chính sử dụng internet gồm giữ liên lạc với bạn bè và gia đình, tìm kiếm thông tin, cập nhật tin tức và sự kiện, xem video, chương trình truyền hình hoặc phim ảnh, truy cập và nghe nhạc trực tuyến.

Trước đó khảo sát của UNICEF năm 2022 về sử dụng internet hằng ngày đối với thanh thiếu niên và trẻ em cho thấy lứa tuổi 12 - 13 tuổi khoảng 82%, lứa tuổi 14 - 15 tăng lên 93%.

Nhiều ý kiến tham luận cho rằng các nền tảng xã hội được thiết kế để có thể gây nghiện cho người dùng, đặc biệt giới trẻ; gây ra các tác động tiêu cực cho sức khỏe tâm thần như trầm cảm, mất ngủ, lo âu, sao nhãng trong học tập cũng như hàng loạt các vấn đề khác đối với sức khỏe tâm thần của người dùng. Ví dụ, tại Hoa Kỳ, tỷ lệ mắc các đợt trầm cảm nặng trong 12 tháng ở thanh thiếu niên đã tăng từ 8,7% vào năm 2005 lên 11,3% vào năm 2014 . Các hoạt động trên màn hình phương tiện truyền thông đã được cho là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng trầm cảm và tự tử ở thanh thiếu niên.

PGS.TS. Lê Minh Giang, Viện trưởng Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế Công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết:" Hội thảo này là bước đi đầu tiên cho các nghiên cứu toàn diện về tác động của mạng xã hội đối với sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên Việt Nam, từ đó xây dựng các chương trình nâng cao nhận thức, hướng dẫn cho nhà trường, phụ huynh, người dùng các giải pháp để bảo vệ và nâng cao sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên Việt Nam trong kỷ nguyên số".

Mặt trái của mạng xã hội gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần- Ảnh 2.

Ông Cao Hoàng Nam, đại diện Sáng kiến Z&Alpha tham luận tại hội thảo. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Mặt trái của mạng xã hội gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần thanh thiếu niên

Chia sẻ về nội dung "Mối liên hệ giữa mạng xã hội và sức khỏe tâm thần", ông Cao Hoàng Nam nhấn mạnh: Mạng xã hội đã sử dụng các thuật toán khác nhau dựa trên các nghiên cứu chuyên sâu về cơ chế hoạt động của não bộ nhằm tối đa hóa thời gian sử dụng, liên tục lôi cuốn người dùng mạng xã hội, tạo ra các chu kỳ tương tác gây nghiện. Đặc biệt cần lưu ý, các tính năng này được thiết kế hướng tới người sử dụng là thanh thiếu niên và không được công bố công khai cho người sử dụng được biết.

Theo ông Nam, những thiết kế của mạng xã hội đã tác động đến tâm thần người dùng. Đó là mạng xã hội thiết kế chức năng like - thích, comment - bình luận, tác động vào cơ chế sản sinh Dopamine nội sinh; mạng xã hội được thiết kế dựa trên cơ chế trả thưởng của não: "thuật củng cố biến thiên" hoặc "lịch thưởng biến thiên". Đặc biệt mạng xã hội không tiết lộ các thuật toán được sử dụng cho thiết kế có thể tạo ra một chu kỳ tương tác gây nghiện; việc thiết kế tính năng "like - thích" và so sánh xã hội khiến người dùng liên tục kiểm tra lượt thích, tăng cường độ đăng bài tiếp theo. Nếu bài viết có sự từ chối, hoặc cảm thấy bị từ chối sau khi đăng lên được ít người bấm thích trên mạng xã hội có thể dẫn tới các triệu chứng trầm cảm, gia tăng theo thời gian.

Bên cạnh đó, tính năng "thông báo" để liên tục thúc đẩy sự tham gia của người dùng bằng cách gửi thông báo tới người dùng trẻ. Mạng xã hội khiến điện thoại thông minh của người dùng trẻ tạo ra các cảnh báo nghe nhìn và xúc giác làm xao nhãng và cản trở hoạt động giáo dục của người dùng trẻ tuổi và thời gian giấc ngủ; tính năng "cuộn vô hạn" và tự động phát video khiến người dùng trẻ khó có thể thoát ra vì không có điểm kết thúc tự nhiên nào cho việc hiển thị thông tin mới. Và đặc biệt, tính năng bộ lọc hình ảnh (visual filters), sự không hài lòng về cơ thể có thể liên quan đến việc gia tăng các triệu chứng của tình trạng sức khỏe tâm thần và có thể dẫn đến nguy cơ mắc chứng rối loạn ăn uống cao hơn.

TS. Nguyễn Thị Mai Hương, Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế Công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng, bên cạnh những lợi ích mang lại từ mạng xã hội thì khi lạm dụng mạng xã hội, thanh thiếu niên có thể gặp các tác động tiêu cực, như rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, cô lập xã hội và nghiện internet, bắt nạt qua mạng, tỉ lệ tội phạm trên mạng gia tăng, áp lực từ bạn bè và tiếp xúc với nội dung độc hại là một số rủi ro liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội, dẫn đến việc tự làm hại bản thân, suy nghĩ tự tử và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác. 

Các diễn giả và các nhà khoa học cho rằng việc sử dụng mạng xã hội không chỉ để tiếp cận thông tin mà còn phải đi kèm với khả năng tự nhận thức về các rủi ro tiềm ẩn. Vì thế, việc trang bị kỹ năng tự bảo vệ bản thân và duy trì sự kiểm soát khi dùng mạng xã hội chính là chìa khóa giúp chúng ta tận dụng triệt để những lợi ích mà không để ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên Việt Nam.

Thiện Tâm

Top