Máy bán hàng tự động: Từng bước hiện đại hóa hệ thống bán lẻ
(Chinhphu.vn) – Nhằm từng bước hiện đại hóa hình thức bán lẻ, dần thay thế các hình thức bán rong, bán dạo trên hè phố; góp phần đa dạng hóa các hình thức mua sắm cũng như phục vụ thuận tiện cho người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại, Hà Nội đã và đang triển khai nhiều hệ thống máy bán hàng tự động (MBHTĐ) và được người tiêu dùng đánh giá cao.
Người dân mua hàng hóa tại máy bán hàng tự động. Ảnh: Diệu Anh |
Nhằm nâng cao tiện ích cho người dân khi dạo chơi tại không gian phố đi bộ Hồ Gươm, cuối năm 2016, Sở Công Thương Hà Nội và doanh nghiệp đã lắp đặt 7 MBHTĐ chứa 300 sản phẩm, được bảo quản ở nhiệt độ 5oC. Đến nay, sau hơn 2 năm đưa vào sử dụng, hệ thống MBHTĐ đã trở nên quen thuộc với người dân, du khách khi tham quan không gian đi bộ Hồ Gươm và khu vực phụ cận. Theo Công ty CP Đầu tư và Thương mại VVM (doanh nghiệp lắp đặt, khai thác máy), doanh thu bình quân từ MBHTĐ đạt khoảng 70 triệu đồng/máy/tháng.
Đánh giá chất lượng dịch vụ bán hàng tự động, bà Nguyễn Thị Cánh (phố Đội Cấn, quận Ba Đình) cho biết, máy dễ sử dụng, giá cả lại hợp lý. Có máy bán hàng tự động, việc mua bán có thể diễn ra bất cứ thời gian nào, mỗi máy bán hàng tự động như một quầy hàng nhỏ không cần nhân viên bán hàng, nên tiết kiệm chi phí đáng kể và người mua hàng không còn mất thời gian tìm cửa hàng hay siêu thị nữa. Nó cũng giúp người tiêu dùng bớt lo tình trạng mù mờ giá cả như tại các quán bán hàng vỉa hè.
Bà Cánh và nhiều người dân có chung mong muốn sẽ có thêm nhiều chiếc MBHTĐ được đặt tại các tuyến phố của Hà Nội, nhất là tại các địa điểm công cộng để người dân được sử dụng các dịch vụ tiện ích nhiều hơn nữa.
Bạn Hồ Văn Hưng, sinh viên của một trường đại học trên địa bàn Hà Nội chia sẻ, việc bán hàng tự động quanh khu vực Hồ Gươm, đặc biệt là trên các tuyến phố đi bộ đã tạo nên điểm nhấn về văn minh thương mại. “Em mong muốn Hà Nội sẽ có thêm nhiều chiếc máy như thế được bố trí tại các tuyến phố, nhất là tại các địa điểm công cộng như nhà ga, các trường học, các khu công nghiệp… để người dân được sử dụng các dịch vụ tiện ích nhiều hơn nữa”, bạn Hưng nói.
Thêm nhiều máy bán hàng tự động
Mặc dù ưu điểm của MBHTĐ là rất lớn, song cũng còn những hạn chế như không nhận tiền cong vênh, chưa có chức năng trả lại tiền thừa, thay vào đó gợi ý để khách hàng mua sản phẩm tương đương giá trị còn lại. Sản phẩm bán trong máy chủ yếu là thức uống, chưa có đồ ăn nhanh như MBHTĐ ở nước ngoài.
Nhằm từng bước hiện đại hóa hình thức bán lẻ, dần thay thế các hình thức bán rong, bán dạo trên hè phố, góp phần đa dạng hóa các hình thức mua sắm cũng như phục vụ thuận tiện cho người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại; đồng thời khắc phục những bất cập trong quá trình vận hành, khai thác hệ thống MBHTĐ, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ra Quyết định số 3672/QĐ-UBND phê duyệt Mạng lưới MBHTĐ đặt tại địa điểm công cộng trên địa bàn Thành phố đến hết năm 2020.
Theo đó đến năm 2020, Hà Nội sẽ lắp đặt và đưa vào vận hành khoảng 1.000 MBHTĐ tại các địa điểm công cộng bao gồm khuôn viên công viên, vườn hoa, bệnh viện, trường học, bến xe, nhà ga... Diện tích đất tại vị trí lắp đặt MBHTĐ phải đủ từ 2 - 3m2. Ưu tiên bê tông hóa một phần đất thảm cỏ, cây xanh vừa đủ để đặt chân đế MBHTĐ, thay cho việc đặt trên lối đi trong khuôn viên công viên, vườn hoa. Tại cùng một vị trí lắp đặt MBHTĐ, tùy theo nhu cầu thực tế có thể bố trí tối đa 4 máy liền kề; bảo đảm khoảng cách, bán kính cách nhau giữa các vị trí lắp đặt các máy từ 500 - 1.000m.
Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, MBHTĐ lắp đặt tại các địa điểm công cộng trên địa bàn Hà Nội còn phải có khả năng cung cấp đa dạng, phong phú các sản phẩm, chủng loại thức ăn, đồ uống. Đồng thời, có khả năng chấp nhận nhiều hình thức thanh toán (tiền mặt, thẻ ngân hàng, thanh toán trực tuyến, thanh toán sử dụng mã QR), chấp nhận các loại tiền giấy, tiền polymer Việt Nam và có chức năng trả lại tiền thừa.
Tiêu chí lựa chọn MBHTĐ gồm dòng máy, đời máy, kiểu máy, năm sản xuất tiên tiến, hiện đại… Khuyến khích lắp đặt máy đạt tiêu chuẩn của các nước công nghiệp phát triển G7, sử dụng máy chạy bằng năng lượng mặt trời, có thiết bị theo dõi an ninh trong quá trình vận hành.
Đặc biệt, hỗ trợ tối đa người tiêu dùng, nhất là người già, trẻ em, người khuyết tật khi sử dụng MBHTĐ thông qua các bảng tên, bảng giá sản phẩm, hướng dẫn sử dụng, thông tin đường dây nóng in cỡ chữ to, dễ nhìn, đa ngôn ngữ và sử dụng bàn phím dễ tương tác trên máy.
Có thể thấy, bước đầu máy bán hàng tự động đã góp phần tích cực thay đổi thói quen mua sắm của một bộ phận người dân, nhất là phục vụ thiết thực cho người dân tại các bệnh viện, học sinh, sinh viên trong trường học, người lao động trong các doanh nghiệp. Thời gian tới, nếu phát huy được những ưu điểm, máy bán hàng tự động được kỳ vọng sẽ trở thành một điểm nhấn thương mại hiện đại, văn minh tại Hà Nội.
Diệu Anh