‘Minh châu Hà Thành’ tỏa sáng trong Lễ hội Áo dài

29/10/2023 12:26 PM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội xưa với 36 phố phường cổ kính lưu giữ vẻ đẹp trầm mặc và nên thơ cùng hình ảnh những người phụ nữ Hà thành trong tà áo dài kín đáo, thướt tha, lời ăn tiếng nói nhẹ nhàng, chuẩn mực; đẹp hài hòa từ nếp sống tới trang phục cho đến bước đi dáng đứng.

‘Minh châu Hà Thành’ tỏa sáng trong Lễ hội Áo dài - Ảnh 1.

Hoạ tiết trên những tà áo là những hình ảnh quen thuộc của Thăng Long Hà Thành tôn vinh “dáng ngọc” phụ nữ Tràng An xưa. Ảnh:VGP/DA

Áo dài luôn là trang phục gắn bó với đời sống của mỗi người phụ nữ và người dân Việt Nam, từ học sinh, sinh viên, công chức, viên chức, ca sỹ, diễn viên, người mẫu đến những người lao động bình thường, nam và nữ đều có thể khoác lên mình bộ áo dài khi đi làm việc, trong các sự kiện, nghi lễ quan trọng của gia đình, dòng họ, cộng đồng.

Lễ hội Áo dài du lịch năm 2023 diễn ra từ ngày 27/10 đến 29/10, được đầu tư công phu, có quy mô lớn, thu hút sự tham gia của nhiều thương hiệu áo dài, nhà thiết kế, cơ sở phụ kiện áo dài, đơn vị du lịch, cơ sở ẩm thực, nghệ nhân thợ giỏi.

Đến với Lễ hội Áo dài du lịch năm 2023, người dân Thủ đô và du khách được chiêm ngưỡng các bộ sưu tập áo dài của các nhà thiết kế nổi tiếng đến từ khắp mọi miền Tổ quốc như: NTK Vũ Thảo Giang, NTK - Hoa hậu Ngọc Hân, NTK Cao Minh Tiến,  NTK Viết Bảo…

Trang phục của phụ nữ Hà thành xưa thường là áo dài vạt, nếu xẻ tà, cũng được xẻ một cách khéo léo kín đáo, màu sắc sử dụng thường nhã nhặn, chất vải mềm mại. Dù không có thiết kế táo bạo hay gợi cảm, không trang trí cách điệu hoa văn trên thân áo, hay màu mè, nhưng tà áo dài của người con gái Hà thành ngày ấy luôn chứa đựng nét đẹp dịu dàng, thanh tao. Hình ảnh về người phụ nữ Hà thành trong trang phục áo dài tứ thân ngày xưa ẩn hiện trong cô gái tuổi trăng tròn, trong các bà, các mẹ nông thôn quẩy gánh hàng rong bán rau bán hoa nơi đầu ô, góc phố. Những gánh đong đưa, những dải áo nhẹ bay trong gió làm dịu mát phố phường. Dịu dàng, đằm thắm mà thanh cao ấy là cái cảm nhận khi mỗi người được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những tà áo dài. 

‘Minh châu Hà Thành’ tỏa sáng trong Lễ hội Áo dài - Ảnh 2.

Bộ sưu tập “Minh châu Hà Thành” của NTK Vũ Thảo Giang. Ảnh: VGP

NTK Vũ Thảo Giang đã đưa khán giả ngược dòng thời gian trở về từ những năm 1950 đến cuối thế kỷ XX để tìm lại vẻ đẹp của thiếu nữ Hà thành xưa cùng Bst “Minh châu Hà Thành”. Lấy cảm hứng từ những mẫu áo dài do họa sĩ Lê Phổ cải tiến, kết hợp với áo tứ thân thành kiểu áo dài mới. Kiểu áo này được thu gọn kích thước để ôm sát thân hình người phụ nữ Việt Nam, đẩy cầu vai lên cao, kéo dài tà áo chạm đất, đem đến phong cách mới mẻ từ những năm 1950, phong cách áo dài Việt Nam trở nên nổi tiếng trong truyền thống nước ta.

Qua đó, không chỉ tôn vinh vẻ đẹp của quý bà, quý cô Hà Thành thướt tha trong tà áo dài truyền thống đầy ý nhị mà hình ảnh đẹp đẽ này của phụ nữ Việt cũng giống như những viên “Minh Châu - trân bảo quý giá” của Hà thành làm mê đắm biết bao trái tim của những người yêu vẻ đẹp tà áo dài Việt Nam.

Những kỹ thuật vẽ tay, thêu đính truyền thống tinh xảo của các nghệ nhân làng nghề Mỹ Đức, Thường Tín (Hà Nội) bên cạnh những trang sức vòng vàng tinh xảo, những chuỗi trang sức Ngọc trai, ngọc xanh Vạn niên vòng kiềng vàng, kiềng bạc chạm khắc của những nghệ nhân quốc gia về kim hoàn Bảo Tín Minh Châu đã tái hiện lại câu chuyện về đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân Hà Thành.

Hoạ tiết trên những tà áo là những hình ảnh quen thuộc của Thăng Long Hà Thành cùng với những bức tranh Hàng Trống vô cùng quý hiếm tôn vinh “dáng ngọc” phụ nữ Tràng An xưa đã trở thành những giá trị bất biến trong dòng chảy văn hóa dân tộc. “Minh Châu Hà Thành” là sự kết hợp hài hoà hình ảnh là thiếu nữ khoe vẻ kiêu sa với trang phục áo dài và vẻ đẹp yếm đào trong thanh sắc màu trang nhã và kín đáo là thước đo vẻ đẹp của người phụ nữ đất Việt một thời.

‘Minh châu Hà Thành’ tỏa sáng trong Lễ hội Áo dài - Ảnh 3.

Ảnh: VGP

Theo Ban tổ chức, điểm khác biệt và độc đáo nhất của Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2023 là con đường áo dài cộng đồng có chủ đề “Dạo bước hồ Gươm”. Trên con đường Đinh Tiên Hoàng in dấu thời gian, bên cạnh hồ Gươm thơ mộng, con đường áo dài cộng đồng tái hiện một phần giá trị văn hóa – lịch sử lâu đời của Thủ đô như: những mô hình làng nghề, sen hồ Tây, chùa Một Cột, Hoàng thành Thăng Long, Ô Quan Chưởng... Đến đây, người dân và du khách sẽ cùng ôn lại lịch sử Thủ đô nghìn năm văn hiến và cảm nhận sâu sắc hơn vẻ đẹp và giá trị của tà áo dài.

Đại diện Trung tâm HPA cho hay, thời điểm lý tưởng nhất để du lịch Hà Nội là vào mùa Thu từ tháng 8 - 11 hằng năm. Bởi vào giai đoạn này tiết trời Hà Nội đẹp nhất trong năm, với bầu trời xanh trong, gió heo may se se lạnh. Đây là điều kiện tốt nhất để du khách có thể tham quan, khám phá những địa danh nổi tiếng, thưởng thức ẩm thực đặc sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến với “Hà Nội-Đến để yêu”. 

Trước đó, ngày 1/9, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp cùng các đơn vị tổ chức chương trình “Áo dài kết nối du lịch và di sản Hà Nội”; từ ngày 29/9 - 1/10, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội tổ chức Festival Thu Hà Nội năm 2023 trong đó có nhiều hoạt động tôn vinh áo dài.

Có thể thấy, Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội là dịp tôn vinh tà áo dài truyền thống của dân tộc Việt Nam, là nguồn sáng tạo, là sản phẩm của các loại hình du lịch đặc sắc, hấp dẫn và hiệu quả. Thông qua Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2023 tiếp tục quảng bá hình ảnh du lịch thủ đô “Điểm đến an toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn”.

Diệu Anh

Top