Mở các hoạt động nhưng không nóng vội, bảo đảm an toàn cho Thủ đô

14/10/2021 3:30 PM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội quyết tâm chủ động thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế tại Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó, Hà Nội mở lại các hoạt động nhưng không nóng vội; mở ra nhưng phải theo nguyên tắc, có trật tự; hoạt động vào Thành phố vẫn phải đáp ứng các điều kiện an toàn cho Thủ đô.

Hà Nội: Cho phép nhiều hoạt động trở lại từ 6h00 ngày 14/10

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Gia Huy

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết tại buổi làm việc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sáng 14/10.

Cử tri và nhân dân đồng lòng với công tác chống dịch

Về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cho biết, trong quý III/2021, hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng của Thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Tổng sản phẩm trên địa bàn quý III giảm 7,02%. Do quý I và quý II tăng khá nên lũy kế 9 tháng GRDP tăng 1,28% - thấp nhất từ trước đến nay. Sản xuất, kinh doanh các tháng 7, 8, 9 ở hầu hết các lĩnh vực đều giảm so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng duy trì tăng 4,1%. 

Bên cạnh chỉ tiêu giảm cũng có một số ngành, lĩnh vực đạt khá như: Tổng thu NSNN trên địa bàn thực hiện 9 tháng đạt 178.225 tỷ đồng, bằng 75,7% dự toán Trung ương giao (70,9% dự toán của Thành phố), tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ số sản xuất 9 tháng đầu năm của 18/23 ngành chế biến, chế tạo duy trì tăng trưởng, trong đó một số lĩnh vực tăng cao như sản xuất: Xe có động cơ tăng 16,8%; trang phục tăng 14%; giấy và sản phẩm từ giấy tăng 11%...; sản xuất nông nghiệp thuận lợi, cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt…

Các hoạt động hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 được quan tâm. Thành phố đã quyết định hỗ trợ cho trên 1,689 triệu lao động, người sử dụng lao động với kinh phí 696,288 tỷ đồng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ; Quyết định hỗ trợ theo chính sách đặc thù (Nghị quyết số 15, 17 của HĐND Thành phố) cho hơn 288,5 nghìn người, hộ kinh doanh với 295,547 tỷ đồng. Bổ sung vốn ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay giải quyết việc làm là 1.050 tỷ đồng. Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội đã quyết định hỗ trợ 89,274 tỷ đồng cho hơn 175 nghìn hộ nghèo, các đối tượng khó khăn. Lũy kế đến hết tháng 9/2021, tổng số tiền thuế gia hạn theo Nghị định số 52 của Chính phủ là 12.800 tỷ đồng. 

Về ý kiến cử tri và nhân dân, MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội cho biết, cử tri và Nhân dân Thủ đô đồng tình và ủng hộ sự chỉ đạo của Chính phủ, các quy định phòng chống dịch của Thành phố, nhất là trong thời gian giãn cách xã hội; đánh giá cao sự lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền cùng với hệ thống chính trị đã vào cuộc tích cực, tổ chức truy vết nhanh, thực hiện cách ly y tế, dập dịch tại các ổ dịch nguy hiểm, hạn chế được sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Đồng thời đánh giá cao các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân trong khu vực phong tỏa, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Cử tri cũng phản ánh vẫn có người thiếu ý thức không chấp hành các quy định của Trung ương và Thành phố về công tác phòng, chống dịch. Trong quá trình thực hiện hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ còn một số vướng mắc. Cử tri cũng phản ánh một số nội dung liên quan đến công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc học online; thực hiện cá dự án, vấn đề ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, cử tri và Nhân dân mong muốn Quốc hội, Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt dự án đường vành đai 4 của Thành phố; cải tạo chung cư cũ; đề nghị có cơ chế đặc thù đối với công tác đền bù giải phóng mặt bằng của Thủ đô…

Tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp vào tuần tới

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, Hà Nội quyết tâm chủ động thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế tại Hội nghị lần thứ tư vừa qua và Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Trong đó, Hà Nội mở lại các hoạt động nhưng không nóng vội, làm từng bước thận trọng để bảo vệ an toàn cho Thủ đô; mở ra nhưng phải theo nguyên tắc, có trật tự, hoạt động vào Thành phố vẫn phải đáp ứng các điều kiện an toàn.  

Theo đó, Thành phố sẽ tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ Thành phố xuống cơ sở, của người đứng đầu, của các tổ COVID cộng đồng; tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực của hệ thống y tế, nhất là hệ thống y tế cơ sở, xe cứu thương, xét nghiệm, điều trị. Trước mắt, Thành phố tiếp tục duy trì các cơ sở cách ly tập trung, các cơ sở thu dung, điều trị F0, thậm chí phải tiếp tục rà soát, củng cố để sẵn sàng ứng phó ở mức cao hơn khi xảy ra tình huống xấu.

Ngay tuần tới, Thành phố sẽ tổ chức các hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp với trọng tâm là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tinh thần đối thoại cũng rất đổi mới, đó là có những vấn đề cụ thể phải được tháo gỡ ngay tại các hội nghị  đối thoại.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho biết, lãnh đạo Thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành nắm chắc thực trạng khó khăn của doanh nghiệp, người dân để hỗ trợ thúc đẩy sản xuất kinh doanh; thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, sớm đưa Thành phố trở về trạng thái bình thường mới.

Bí thư Thành ủy cũng nhấn mạnh, Thành phố sẽ tập trung chỉ đạo rà soát tổ chức bộ máy, đơn giản hóa thủ tục hành chính, khắc phục những vấn đề chồng chéo để tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động. Với mục tiêu từng bước đột phá về đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính, Hà Nội sẽ lấy nhân tố con người để thay đổi, trước hết là tiến hành rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để có điều chỉnh cần thiết.

Bên cạnh đó, Bí thư Thành uỷ Hà Nội khẳng định quyết tâm của Thành phố trong việc thực hiện các dự án mang tính chất đột phá, tạo động lực mới cho Thủ đô và đáp ứng đòi hỏi của người dân như Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4, cải tạo chung cư cũ. Đứng trước những yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, Hà Nội cũng sẽ nghiên cứu để báo cáo, đề xuất điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; có cơ chế khơi thông các nguồn lực để phục vụ phát triển, nhất là nguồn lực chất xám vốn đang là thế mạnh của Thủ đô.

Gia Huy

Top