Mở 'cánh cửa' du lịch văn hóa Thủ đô

17/05/2023 10:32 AM

(Chinhphu.vn) - Du lịch văn hóa là loại hình quan trọng, có sức hấp dẫn, góp phần phát triển bền vững; là một trong những dòng sản phẩm thu hút du khách trong nước và quốc tế tham quan, tìm hiểu đất nước, con người, lịch sử và văn hóa Việt Nam cũng như Thủ đô.

Mở 'cánh cửa' du lịch văn hóa Thủ đô - Ảnh 1.

Du khách thăm quan tại khu di tích Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: VGP/Thành Nam

Khai thác thế mạnh di sản

Thời gian gần đây, nhiều khu di tích đã quan tâm ra mắt đến phát triển tour trải nghiệm văn hóa để giữ chân du khách nước ngoài lưu trú lâu hơn ở Hà Nội và cũng để người dân tham gia thấu hiểu các câu chuyện di sản văn hóa.

Những điểm đến du lịch văn hóa trọng điểm của Thủ đô như Khu di tích Phủ Chủ tịch; Khu phố cổ - hồ Hoàn Kiếm, Hoàng thành Thăng Long, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, làng cổ ở Đường Lâm, chùa Hương… đã từng bước được đầu tư bài bản, đưa vào khai thác trong các tour du lịch văn hóa di sản. Cùng với đó là những di sản kiến trúc, lối sống, lễ hội, văn hóa ẩm thực… độc đáo, hấp dẫn du khách bốn phương.

Câu chuyện về sự thành công của những sản phẩm du lịch văn hóa tại Hà Nội thời gian gần đây như tour đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, tour văn học tại Bảo tàng Văn học Việt Nam… là một minh chứng rất lớn cho việc dựa vào văn hóa để phát triển du lịch sẽ tạo được sức hút lớn với du khách.

Điển hình như tour đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, du khách phải đặt chỗ trước 2 tháng để trải nghiệm. Còn tour đêm tại Hoàng thành Thăng Long, mỗi tối cuối tuần cũng thu hút được 300 lượt khách. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng khai thác được hết giá trị văn hóa để tạo nên thương hiệu du lịch hấp dẫn.

Mới đây, TP. Hà Nội đã tổ chức thành công  Lễ hội Du lịch Hà Nội 2023. Lễ hội được tổ chức với nhiều điểm mới, ấn tượng hơn khi tập trung vào những câu chuyện văn hóa di sản; quảng bá điểm đến du lịch, giới thiệu nhiều điểm đến du lịch hấp dẫn tại Hà Nội như: Hoàng thành Thăng Long, khu Phố cổ, khu vực Ba Vì, Sóc Sơn, Đường Lâm-Sơn Tây và nhiều địa điểm hấp dẫn khác. Tại đây, du khách được khám phá các danh lam thắng cảnh, những điểm đến du lịch hấp dẫn.

Đặc biệt, du khách được trải nghiệm tour thực tế kết nối di sản Hoàng Thành Thăng Long-Chùa Vĩnh Nghiêm-Tây Yên Tử và trải nghiệm du lịch Thành Cổ Loa…

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh cho hay, rõ ràng khi chúng ta đi vào câu chuyện văn hóa sẽ chạm sâu vào tình cảm của các du khách thập phương, khiến du khách hiểu, thêm yêu Hà Nội và quay trở lại Hà Nội nhiều hơn.

Cần "thổi hồn" cho những di tích bằng nhiều trải nghiệm mới

Mở 'cánh cửa' du lịch văn hóa Thủ đô - Ảnh 2.

Tour du lịch đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” chuyên biệt dành cho khách nước ngoài. Ảnh: VGP/QA

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), để du lịch văn hóa "chạm" được tới du khách thì các địa phương, điểm đến cần có sự sáng tạo trong cách kể câu chuyện của mình. Cần phải "thổi hồn" cho những di tích, di sản đang có bằng nhiều trải nghiệm mới.

Từng trực tiếp xây dựng nhiều sản phẩm du lịch văn hóa tại Hà Nội và một số địa phương, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho rằng, để phát triển du lịch văn hóa bền vững, ngoài sự tham gia của chính quyền địa phương, đầu tư về nguồn lực của các doanh nghiệp thì sự tham gia của người dân đóng vai trò rất lớn trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa, làm cho vùng đất đó trở nên hấp dẫn, thân thiện, thu hút du khách quay trở lại. Vì vậy, việc tuyên truyền, giáo dục, đào tạo người dân cùng tham gia xây dựng sản phẩm văn hóa cần được chú trọng.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, Thủ đô Hà Nội đặc biệt coi trọng phát triển du lịch văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, làm nền tảng để phát triển các loại hình du lịch khác. Thành phố đã chủ động ban hành kế hoạch, dự án, đề án cụ thể xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch văn hóa, làng nghề bảo đảm các sản phẩm hoàn chỉnh, độc đáo, hấp dẫn, có tính chuyên nghiệp cao theo hướng phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội.

Ngoài khai thác du lịch từ văn hóa di sản thì Hà Nội cũng chú trọng khai thác loại hình du lịch nghệ thuật gắn với di sản. Tiêu biểu như sản phẩm Múa rối nước Đào Thục gắn với di tích Cổ Loa, Đông Anh; khu vực đền thờ Hai Bà Trưng gắn với làng trồng hoa xã Tiền Phong, Mê Linh; phát triển sản phẩm khu vực Ba Vì với hệ thống di tích lịch sử đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, đền thờ Bác Hồ gắn với khu di tích K9, Đá Chông; cảnh quan thiên nhiên của rừng quốc gia Ba Vì…

Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc phát huy giá trị di sản văn hoá trong phát triển du lịch còn một số hạn chế, chưa thật sự tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội như công tác bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa còn nhiều bất cập, hạn chế; còn thiếu các sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, khác biệt để phát triển và lan tỏa được thương hiệu du lịch văn hóa Thủ đô đến các nước trong khu vực và trên thế giới…

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, ngành Du lịch Hà Nội sẽ tập trung công tác quy hoạch, đầu tư, bảo tồn, trùng tu di tích trọng điểm gắn với phát huy các giá trị di sản, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm du lịch Thủ đô.

Đồng thời, đẩy mạnh khai thác các yếu tố đặc trưng văn hóa của Hà Nội để tập trung phát triển sản phẩm du lịch với tính đặc thù và có tính cạnh tranh cao. Chú trọng công tác đầu tư, xúc tiến sản phẩm du lịch văn hóa nhằm phát triển, định vị và quảng bá rộng rãi thương hiệu du lịch Hà Nội, thúc đẩy thu hút các nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch tại các điểm đến di tích, di sản...

Thành Nam

Top