Mở ‘cánh cửa’ đưa sản phẩm OCOP vào siêu thị

29/04/2025 10:12 AM

(Chinhphu.vn) - Hiện nay, các sản phẩm OCOP muốn xuất hiện trên kệ hàng trong các hệ thống siêu thị phải chấp nhận nhiều sự cạnh tranh khốc liệt. Để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi phải đẩy mạnh kết nối nhà sản xuất với siêu thị, từ đó mở “cánh cửa” đưa sản phẩm OCOP vươn xa.

Mở ‘cánh cửa’ đưa sản phẩm OCOP vào siêu thị- Ảnh 1.

Người dân mua thực phẩm tại siêu thị. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Nhiều chủ thể OCOP chưa chú trọng hình ảnh thương hiệu

Thống kê của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, hiện Hà Nội đã có 3.317 sản phẩm OCOP (chiếm 21,3% của cả nước), trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 22 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.571 sản phẩm 4 sao và 1.718 sản phẩm 3 sao. Mặc dù là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP nhưng việc tiêu thụ thông qua hệ thống siêu thị lại không hề dễ dàng.

Ở thời điểm hiện tại, khi người tiêu dùng tới các siêu thị, đặc biệt các hệ thống siêu thị lớn như Mega, Go!, Co.opmart… có thể bị choáng ngợp trước sự đa dạng về chủng loại trong cùng một nhóm hàng. Câu hỏi đặt ra ở đây là sản phẩm OCOP sẽ hiện diện ở đâu trong "khu rừng" sản phẩm trên giá kệ siêu thị đa dạng này? Nhiều sản phẩm Việt rất chất lượng nhưng không thể tồn tại lâu trên giá kệ siêu thị dù có sự hỗ trợ rất lớn từ phía các cơ quan chức năng cũng như các Hiệp hội.

Để giải quyết "bài toán" đó, các doanh nghiệp OCOP cần có nhiều giải pháp để nhanh chóng đưa sản phẩm OCOP Việt lên quầy kệ siêu thị.

Gặp khó khăn khi đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ hiện đại, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (Mê Linh) Đàm Văn Đua nêu thực trạng, doanh nghiệp có 200 ha sản xuất 60.000 tấn rau/năm nhưng hiện việc tiêu thụ rau của Hợp tác xã chủ yếu thông qua hệ thống chợ truyền thống, chưa đưa được hàng vào siêu thị tiêu thụ.

Phân tích nguyên nhân khiến người tiêu dùng chưa biết đến sản phẩm OCOP, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Nguyễn Anh Đức cho rằng, sản phẩm OCOP thường được sản xuất theo nhỏ lẻ theo mùa vụ nên không đáp ứng được số lượng lớn cho hệ thống siêu thị. Đồng thời cơ sở sản xuất không có đầy đủ hồ sơ truy xuất nguồn gốc nên khó đáp ứng được quy định các đơn hàng lớn cho doanh nghiệp bán lẻ.

Ngoài ra, yếu tố về quy mô, năng lực quản trị của các chủ thể OCOP yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường, sự hiểu biết của một số chủ thể sản xuất về quản lý chất lượng sản phẩm còn hạn chế. Bên cạnh đó, khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP chưa được doanh nghiệp chú trọng…

Dạo một vòng quanh các kệ hàng tại một số siêu thị, có thể thấy nhiều sản phẩm OCOP vẫn chưa được chủ thể chú trọng đầu tư nhiều về hình ảnh thương hiệu. Bao bì đóng vai trò hết sức quan trọng đối với bất kỳ sản phẩm nào, đặc biệt đối với các sản phẩm OCOP.

Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, đầu tư bao bì chính là cách hữu hiệu để mở nút thắt cho sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP trong tiếp cận thị trường, nhất là trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay.

Bởi lẽ, đối với các sản phẩm nông sản nói riêng, không chỉ là công cụ để bảo quản sản phẩm, bao bì là kênh truyền thông rất hiệu quả để truyền tải thông tin của sản phẩm, thu hút khách hàng, quảng bá thương hiệu tới người tiêu dùng. Việc thay đổi nhận thức về bao bì sản phẩm vô cùng quan trọng, góp phần kiến tạo hệ sinh thái, xây dựng ngành công nghiệp bao bì dành riêng cho phân khúc sản phẩm OCOP và sản phẩm làng nghề…

Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, hệ thống bán lẻ Co.op Mart hiện đang bầy bán hơn 130 mặt hàng OCOP. Tuy nhiên, để sản phẩm OCOP vào được siêu thị, nhà sản xuất buộc phải đáp ứng những yêu cầu về quy trình vào hàng, chất lượng và khâu thanh toán...nhưng đây lại là điểm yếu của các chủ thể OCOP.

Tạo "cầu nối" giữa nhà sản xuất với doanh nghiệp bán lẻ

Mở ‘cánh cửa’ đưa sản phẩm OCOP vào siêu thị- Ảnh 2.

Tăng cường quảng bá, đưa sản phẩm OCOP vào siêu thị. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Theo các chuyên gia bán lẻ, để sản phẩm OCOP được khách hàng biết tới nhiều hơn, đòi hỏi ngành công thương làm tốt chức năng "cầu nối" giữa nhà sản xuất với doanh nghiệp bán lẻ.

Lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, bám sát tình hình thực tế, đồng hành cùng doanh nghiệp, Sở Công Thương đã và đang thực hiện nhóm giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP vào hệ thống các siêu thị. Đó là tuyên truyền quảng bá sâu rộng các vùng sản xuất, sản phẩm OCOP của Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên phương tiện thông tin đại chúng; thường xuyên tiến hành rà soát danh mục sản phẩm OCOP cần kết nối vào các kênh phân phối (siêu thị, chuỗi thực phẩm, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu của Hà Nội)…

Bên cạnh đó, ngành Công Thương Hà Nội tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP như triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, trưng bày, kết nối trên các sàn giao dịch thương mại điện tử... cho các sản phẩm OCOP.

Đặc biệt, Sở Công Thương Hà Nội cũng khuyến nghị các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi thực phẩm cần ký kết hợp đồng lâu dài về hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP cho các đơn vị sản xuất để yên tâm sản xuất đảm bảo số lượng, chất lượng.

Cùng với đó, Sở hướng dẫn các đơn vị cung ứng sản phẩm OCOP đưa ra các dòng sản phẩm phù hợp mẫu mã, thị hiếu người tiêu dùng, ưu tiên đẩy mạnh kết nối sản phẩm có bao gói thân thiện với môi trường.

Vừa qua, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 389/KH-UBND về việc Phát triển Trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2025. Theo đó, trong năm 2025 TP. Hà Nội sẽ Phát triển thêm mới từ 8-10 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, công nhận từ 5-8 mô hình Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOp.

Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP, triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, trưng bày, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP trên các sàn giao dịch thương mại điện tử...

Thùy Linh

Top