Mô hình chuyển đổi chợ truyền thống: Vì sao chưa hiệu quả?

13/09/2016 4:10 PM

(Chinhphu.vn) – Việc phát triển các siêu thị, trung tâm thương mại là một nét đẹp văn minh hiện đại cho các đô thị. Tuy nhiên đối với các đô thị ở Việt Nam, chợ truyền thống vẫn là một nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân. Chính vì vậy, việc chuyển đổi chợ truyền thống thành trung tâm thương mại (TTTM) vẫn chưa đạt hiệu quả.

Chợ Cửa Nam sau khi chuyển đổi theo mô hình chợ - TTTM ngày càng vắng khách. Ảnh: Diệu Anh

Sạch, đẹp nhưng lại vắng khách

Theo thống kê, hiện nay Hà Nội có hơn 400 chợ, 73 siêu thị, khoảng 25 trung tâm thương mại, ngoài ra còn hàng nghìn cửa hàng bán lẻ và hàng trăm chợ cóc, chợ tạm phục vụ nhu cầu của nhân dân thành phố. Trong đó, siêu thị mới đảm nhiệm được khoảng 15% nhu cầu, còn lại chợ và cửa hàng bán lẻ đảm nhiệm tới 85%, riêng chợ truyền thống đảm nhận khoảng 40% nhu cầu.

Từ năm 2003 đến nay, Thành phố đã đầu tư xây dựng, cải tạo 7 chợ kết hợp TTTM, gồm chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm), chợ Mơ (quận Hai Bà Trưng), chợ Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa), Trung Hòa (quận Cầu Giấy), Thanh Trì (huyện Thanh Trì). Tuy nhiên, một số chợ truyền thống trước đây vốn rất đông đúc, sau khi chuyển đổi công năng đã bộc lộ nhiều hạn chế. Sự bất tiện khi mua bán khiến người dân quay lưng với chợ - TTTM, khiến hàng trăm tỷ đồng vốn đầu tư bị lãng phí.

Điển hình như công trình chợ - TTTM Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm) có tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng, với quy mô 7 tầng nổi, 2 tầng hầm; trong đó, khu vực chợ truyền thống bố trí tại tầng hầm thứ nhất. Thế nhưng, sau 6 năm khai trương, tỷ lệ ki ốt trống khá cao. Thậm chí, trong những ngày cuối tuần, không khí mua bán ở đây cũng rất buồn tẻ.

Sống trên phố Nguyễn Khuyến đã hơn 20 năm, mỗi sáng bà Hằng thường hay đi bộ tới chợ Cửa Nam mua thức ăn cho gia đình. Tuy nhiên, sau khi chợ cũ bị phá bỏ và nâng cấp thành TTTM thì số lần đi chợ của bà Hằng giảm đi rất nhiều. Bà Hằng chia sẻ: “Đến TTTM chỉ để mua vài mớ rau, con cá,... cho mỗi bữa ăn hàng ngày, tôi thấy không tiện lắm. Chính vì thế, mà tôi ít đến đây và thay vào đó tôi hay ra các chợ cóc để mua thức ăn hoặc mua của mấy bà bán hàng rong gần nhà”.

Không chỉ riêng bà Hằng, nhiều người dân sống xung quanh khu chợ Cửa Nam xưa từng gắn bó với khu chợ này cũng dần lãng quên bởi “Không gian mua bán, chỗ gửi xe cũng bất tiện. Nếu đi xe máy, phải gửi dưới tầng hầm rồi mới lên mua vài mớ rau, mấy lạng thịt thì đúng là không ai muốn vào”, chị Thu Hà (một người dân sống trên phố Lê Duẩn) nói.

Anh Nguyễn Văn Nam, nhân viên một ki ốt kinh doanh trong chợ - TTTM Cửa Nam cho biết, dù việc bán hàng tại chợ được tổ chức theo tiêu chí văn minh, lịch sự, có niêm yết giá bán rõ ràng, mặt hàng tươi ngon, bảo đảm vệ sinh, nhưng hàng hóa vẫn không cạnh tranh được với chợ "cóc" bên ngoài.

Ngoài chợ Cửa Nam, chợ Mơ sau khi cải tạo kết hợp với TTTM cũng không tránh khỏi tình trạng vắng bóng, đìu hiu. Dù phiên chợ truyền thống vào các ngày 2, ngày 7 mỗi mười ngày âm lịch vẫn được duy trì, nhưng chỉ chưa đầy một năm, chợ Mơ đã vơi phần lớn cả người mua lẫn người bán...

Vì sao chưa hiệu quả?

Việc cải tạo, xây dựng mới hay chuyển đổi các chợ truyền thống thành những mô hình buôn bán hiện đại như TTTM đã được triển khai từ lâu, nhưng tại Hà Nội và một số địa phương khác, mô hình này đã không thu được thành công như mong muốn.

Có thể thấy rằng hiệu quả hoạt động của cả công trình chợ - trung tâm thương mại còn chưa cao. Khu vực chợ truyền thống hoạt động chưa có hiệu quả so với chợ truyền thống trước khi được đầu tư xây dựng lại.

Theo nhận định của Sở Công Thương Hà Nội, một phần nguyên nhân không hiệu quả là do việc thiết kế khu vực chợ chưa hợp lý, tỷ trọng bố trí công trình chủ yếu là chức năng TTTM, chợ chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Chính vì thiếu và yếu ngay từ khâu quy hoạch và thiết kế nên mỗi chợ mang một kiểu dáng, kết cấu khác xa nhau. Bên cạnh đó, các chợ - TTTM này đều có chung chủ sở hữu, vì vậy để có sự đồng thuận trong định hướng phát triển rất khó khăn.

Trên lý thuyết, các dự án chợ - TTTM có thể đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân. Nhưng thực tế nó lại “lệch pha” cung - cầu, không đáp ứng được nhu cầu của một chợ dân sinh, cũng không thể đáp ứng vai trò là TTTM - nơi dành cho các mặt hàng xa xỉ, cao cấp.

Trao đổi với phóng viên về việc nhiều khu chợ truyền thống đang xập xệ, sau khi được cải tạo thành chợ - TTTM sạch đẹp, văn minh nhưng lại vắng khách, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, chủ trương xây TTTM là đúng, nhưng khi thực thi lại sai từ khâu thiết kế.

Ông Phú cho biết, ở nhiều nước trong khu vực, các chợ chỉ xây 3 tầng, trong đó tầng hầm phục vụ gửi xe, tầng thứ 2 bán hàng ướt như tôm, cá... và tầng thứ 3 là bán hàng bách hóa nhỏ. Trong khi đó các chợ được cải tạo tại Hà Nội trông như một tòa nhà văn phòng, phía trên là để cho thuê, các sạp hàng hóa bị đẩy xuống tầng hầm.

“Không chỉ vậy, các mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau, thịt, cá… bị dồn hết xuống tầng hầm, không điều hòa, bãi đỗ xe không thuận lợi, giá gửi xe cao khiến chợ mất khách. Kết quả, chợ truyền thống mất dần, TTTM mới mọc lên đìu hiu, ế ấm”, ông Phú nói.

Diệu Anh

Top