Mô hình ‘thành phố trong thành phố’: Động lực phát triển bền vững Thủ đô

28/03/2024 2:52 PM

(Chinhphu.vn) - Mô hình mới “thành phố trong thành phố” trong đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đang được kỳ vọng không chỉ giúp kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội đô, nâng cao chất lượng sống, mà còn là động lực cho phát triển bền vững Thủ đô.

Phát triển đô thị vệ tinh, thành phố thuộc Thủ đô

Đến thời điểm hiện tại, cả nước mới có duy nhất một đơn vị hành chính cấp huyện hoạt động theo mô hình "thành phố trong thành phố"; đó là thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM. Tuy nhiên, sắp tới sẽ có một số thành phố trong thành phố ra đời.

Mô hình ‘thành phố trong thành phố’: Động lực phát triển bền vững Thủ đô- Ảnh 1.

Một góc Thủ đô Hà Nội. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Đầu tháng 12/2023, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Hà Nội sẽ xây dựng thành phố phía bắc Thủ đô bằng cách gộp các huyện: Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn; thành phố phía tây Thủ đô là khu vực Xuân Mai, Hòa Lạc.

Mô hình này được kỳ vọng là giải pháp tạo cơ chế cho chính quyền đô thị năng động, linh hoạt trong kêu gọi đầu tư và phát triển đột phá.

Tại phiên họp thẩm định Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Thủ đô) được tổ chức vào cuối tháng 2/2024, Bí thư thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã nêu, trong quá trình hoàn thiện bản Quy hoạch, thành phố sẽ chỉ đạo đơn vị tư vấn nhấn mạnh hơn quan điểm phát triển hài hòa đô thị và nông thôn hướng tới không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân cả khu vực đô thị và nông thôn.

Trong đó, đối với đô thị, phát triển đô thị vệ tinh, thành phố thuộc Thủ đô theo định hướng TOD, đô thị 15 phút; cải tạo, chỉnh trang, tái thiết khu vực nội đô theo hướng văn minh, hiện đại.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng đô thị hóa, không biến khu vực nông thôn thành đô thị một cách khiên cưỡng khi chưa đủ điều kiện. Công tác quy hoạch để xác định các khu vực phát triển đô thị, trong quá trình thực hiện quy hoạch, các khu vực đó sẽ được xác định là đô thị khi đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định.

Trước mắt nghiên cứu hình thành hai thành phố thuộc Thủ đô theo Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị là thành phố phía Bắc và thành phố phía Tây, trong tương lai có thể thêm thành phố phía Nam.

Cụ thể, thời gian tới, Hà Nội sẽ dành nguồn lực xây dựng thành phố phía Bắc, nằm trên địa bàn các huyện Đông Anh, Mê Linh và Sóc Sơn.

Thành phố phía Bắc của Hà Nội sẽ lấy sân bay Nội Bài là hạt nhân định hướng phát triển các ngành nghề, dịch vụ. Đồng thời TP phía Bắc sẽ là trung tâm dịch vụ về tài chính, công nghiệp công nghệ cao của Hà Nội.

Thành phố cũng định hướng khu vực này có các trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao giải trí.

Theo quy hoạch thành phố phía Bắc Hà Nội có tổng diện tích khoảng 633km2, quy mô dân số đến năm 2045 khoảng 3,25 triệu người.

Thành phố khu vực phía Nam (huyện Phú Xuyên và Ứng Hòa). Theo đồ án, việc hình thành khu đô thị phía Nam nhằm xây dựng trung tâm đầu mối dịch vụ vận tải tổng hợp về đường không, đường sắt (đường sắt quốc gia, đường sắt cao tốc Bắc Nam, đường sắt đô thị), đường thủy (sông Hồng) và đường cao tốc (Pháp Vân - Cầu Giẽ, Quốc lộ 5B - Tây Bắc).

Thành phố phía Tây có trung tâm là khu công nghệ cao Hòa Lạc và thị trấn Xuân Mai. Hà Nội định hướng thành phố này sẽ là trung tâm nghiên cứu khoa học, đào tạo và chuyển giao các sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm bán dẫn, phần mềm, trí tuệ nhân tạo.

Mô hình này nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các khu chức năng về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, thương mại dịch vụ; logicstics; thương mại quốc tế; tài chính... để hình thành các động lực, trung tâm phát triển mới của Thủ đô Hà Nội.

Theo từng giai đoạn phát triển, quy định về tiêu chuẩn đơn vị hành chính đô thị, đề xuất Quốc hội, Chính phủ thành lập các đơn vị hành chính cấp đô thị như Thành phố, quận để có bộ máy quản lý hành chính phù hợp với yêu cầu phát triển.

Theo đó, định hướng mô hình phát triển đô thị của Hà Nội là chùm đô thị, đa cực, đa trung tâm. Trong đó, Đô thị trung tâm (gồm Đô thị phía Nam sông Hồng; Đô thị Long Biên, Gia Lâm); Thành phố phía Bắc (gồm Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); Thành phố phía Tây (gồm Đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Xuân Mai), các Đô thị vệ tinh Sơn Tây, Phú Xuyên; Thị trấn sinh thái và thị trấn.

Đối với Khu vực đô thị Long Biên, Gia Lâm Đồ án định hướng nghiên cứu mô hình phát triển gắn kết với các đô thị tỉnh, thành phố lân cận. Cửa ngõ logistic phía Đông kết nối hướng các tỉnh, thành phố ven biển.

Đồng thời, nghiên cứu quy hoạch phát triển mới, đề xuất một số khu vực đô thị nén, mô hình TOD, liên kết không gian ngầm, mật độ xây dựng thấp, tăng quy mô diện tích không gian xanh và tiện ích đô thị.

Ngoài ra, Hà Nội dự báo đến năm 2030 trên địa bàn có 12 triệu người, đến 2045 là 14,6 triệu người, đến 2050 là 15,5 triệu người.

KTS Lê Hoàng Phương, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng), đơn vị tư vấn lập đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cho biết, một trong những điểm đáng chú ý của đồ án là Hà Nội xác định phát triển một số khu vực đô thị theo mô hình "thành phố trong thành phố" với các cơ chế, chính sách đặc thù dành cho Thủ đô. Theo từng giai đoạn phát triển, quy định về tiêu chuẩn đơn vị hành chính đô thị, đề xuất Quốc hội, Chính phủ thành lập các đơn vị hành chính cấp đô thị như thành phố, quận để có bộ máy quản lý hành chính phù hợp với yêu cầu phát triển.

Đối với việc hình thành thêm thành phố thứ 3 tại khu vực Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức khi xây dựng sân bay thứ 2 vùng Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn thông tin, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định sân bay thứ 2 tại Hà Nội với công suất 50 triệu hành khách/năm, được nghiên cứu sau năm 2030, thực hiện vào năm 2040.

Với sân bay này, trong thời kỳ 2045 - 2065, Hà Nội hình thành một thành phố phía Nam. Đối chiếu với Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, đặt ra nhiệm vụ xây dựng 2 thành phố phía Bắc và phía Tây với mốc thời gian tới năm 2045 thì việc hình thành thêm thành phố thứ 3 trong giai đoạn tiếp theo sẽ hoàn chỉnh cấu trúc không gian của Thủ đô Hà Nội.

Phải tạo ra những giá trị mới mang lại lợi ích cho người dân

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội thảo luận lần đầu đối với Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều đề xuất về chính sách cho Thủ đô Hà Nội. Theo phương án Chính phủ trình Quốc hội, hai thành phố trực thuộc Thủ đô sẽ có đặc thù vượt trội, tạo cơ chế cho chính quyền đô thị năng động, linh hoạt trong việc kêu gọi đầu tư phát triển nhờ tính độc lập tương đối. Mô hình này cũng là bước trung gian để giảm áp lực đầu tư và nâng cấp đô thị trung tâm thành đô thị đặc biệt.

Như vậy, Thủ đô sẽ có hai nhóm thể chế: Các quận dành cho khu vực đô thị trung tâm (chỉ bao gồm không gian đô thị); và các thành phố thuộc Thủ đô bao gồm khu vực có cả không gian đô thị (các phường) và có cả không gian nông thôn (các xã). Công tác quản lý thực hiện theo quy chuẩn, cơ chế riêng đối với khu vực đô thị và nông thôn của đô thị đặc biệt.

Đóng góp ý kiến cho quy hoạch Thủ đô, nhiều chuyên gia cho rằng, quá trình thực hiện mô hình thành phố trong thành phố của Hà Nội cần sự thận trọng, xác định bước đi phù hợp và cần có những chính sách mang tính đột phá, bài bản. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, sẽ lại xuất hiện những điểm nghẽn, cản trở sự phát triển. Hà Nội không nên tổng hợp một cách cơ học các cơ chế, chính sách đặc thù đang được Quốc hội cho phép thí điểm ở các địa phương khác, mà cần những chính sách đặc thù phù hợp, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của thành phố; bổ sung một số chính sách về tài chính, ngân sách, huy động nguồn lực đầu tư.

Bên cạnh đó, việc phát triển mô hình "thành phố trong thành phố" cần phải tính đến những giá trị mà nó mang lại, đặt mục tiêu phát triển kinh tế, đô thị nâng cao chất lượng sống cho người dân, phát triển cho phù hợp với yêu cầu nhằm tạo ra những giá trị mới. Những giá trị đó phải hướng đến người dân, như vậy mới không biến việc phát triển mô hình "thành phố trong thành phố" thành một phong trào gây tốn kém về nguồn lực.

Cho ý kiến về mô hình này, PGS.TS.KTS Đỗ Tú Lan, nguyên Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng, việc Hà Nội hình thành các "thành phố trong thành phố" mở ra định hướng mới, khi đó nguồn lực đầu tư sẽ được đặt vào đúng trọng điểm, đúng thời điểm. Tuy nhiên, việc hình thành thành phố trong thành phố cần phải xác định đó là những đô thị được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh để người dân an tâm sinh sống, làm việc. Đặc biệt có khoảng cách, khoảng xanh để phân cách với thành phố trung tâm.

Trong khi đó, TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội cho rằng, việc xây dựng hai thành phố mới trong lòng Hà Nội là bước đi phù hợp, nhằm giảm quá tải cho các quận nội thành.

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 phê duyệt năm 2011, dự kiến dân số Hà Nội đến 2020 là 7,9 triệu dân, nhưng thực tế đã lên đến 8,4 triệu dân. Việc gia tăng dân số chủ yếu là do số lượng người dân di cư tự do từ các vùng, tỉnh lân cận vào Hà Nội.

KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam lưu ý, quy hoạch Thủ đô phải làm rõ hình thái phân bố dân cư đối với đô thị trung tâm, đô thị mở rộng và đặc biệt là các đô thị vệ tinh, thành phố thuộc Thủ đô. Bên cạnh đó, cũng cần nhìn nhận, đánh giá nguyên nhân dẫn đến việc nhiều mục tiêu của quy hoạch chung thủ đô thiếu khả thi, chưa thực hiện được sau hơn 10 năm triển khai.

TS.KTS Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho hay, mô hình đại đô thị (mega city), với quy mô dân số hàng triệu người, nhưng chỉ có một trung tâm đơn nhất đã trở nên lạc hậu, bởi quá tải về dân số, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội, chênh lệch giàu nghèo…

So với việc hình thành siêu đô thị cực lớn, thì việc phát triển cụm các đô thị lớn nhỏ đa trung tâm của thành phố lớn, nằm trong hệ thống mạng lưới các đô thị trong vùng đô thị, được xem là giải pháp bền vững và phát triển hài hòa hơn.

Theo TS.KTS Trương Văn Quảng, có thể tham khảo kinh nghiệm trên thế giới, như khu hành chính Haut-de-Seine và Paris (Pháp), Phố Đông, Thượng Hải (Trung Quốc)… Phát triển các đô thị mới hiện đại, thu hút được trên 500.000 cư dân mới, đa số là nhân lực có trình độ cao nhưng vẫn không quên việc chỉnh trang và cải thiện đời sống cho 1 triệu cư dân hiện hữu.

"Với những khu vực này khuyến khích khai phá những lĩnh vực động lực mới (tài chính quốc tế, công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ sinh học…) đem lại hiệu quả cao hàng đầu về mặt kinh tế - xã hội. Phát triển bền vững, đô thị thông minh, đô thị ngầm và đô thị xanh theo tiêu chuẩn quốc tế, giảm thiểu tác động môi trường, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu", TS.KTS Trương Văn Quảng cho hay.

TS.KTS Trương Văn Quảng cho rằng, việc phát triển mô hình "thành phố trong thành phố" là làm thay đổi cấu trúc thành phố "mẹ" để khai thác tiềm năng hiệu quả hơn trong quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị và kinh tế đô thị… Tuy là thành phố "con" nhưng sẽ là cơ hội tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội với vai trò là hạt nhân, động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, dẫn dắt sự phát triển chung của toàn thành phố và phụ cận.

Thùy Chi

Top