Mở ra thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp, làng nghề Thủ đô

10/07/2023 3:06 PM

(Chinhphu.vn) - TP. Hà Nội đang tăng cường công tác xúc tiến thương mại để giúp các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố thường xuyên có những kết nối giao thương và xúc tiến sang thị trường Lào. Đây là thị trường rất tiềm năng đối với Hà Nội.

Mở ra thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp, làng nghề Thủ đô  - Ảnh 1.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội để làm rõ hơn về hợp tác thương mại giữa hai Thủ đô Hà Nội và Viêng Chăn (Lào), nhân chuyến thăm và làm việc của Sở Công Thương Thủ đô Viêng Chăn tại Hà Nội từ 3-7/7/2023.

PV: Bà có thể đánh giá đôi nét về tình hình hợp tác đầu tư, thương mại hai chiều với Việt Nam-Lào nói chung và giữa Thủ đô Hà Nội-Thủ đô Viêng Chăn nói riêng?

Bà Trần Thị Phương Lan: Năm 2022, vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào đạt 180 triệu USD, tăng 52,5% so với năm 2021. Tính đến nay, Việt Nam đã đầu tư 214 dự án tại Lào với tổng số vốn 5,34 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Lào. Lào luôn duy trì vị trí thứ nhất trong số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam. Các dự án của Việt Nam tại Lào đang phát huy hiệu quả trong nhiều lĩnh vực như thủy điện, cơ sở hạ tầng, hàng không, tài chính, ngân hàng, viễn thông, nông nghiệp…đóng góp tích cực nhiều mặt cho kinh tế-xã hội của Lào.

Đối với TP. Hà Nội, lũy kế đến nay, tổng vốn FDI đăng ký của Lào vào Hà Nội là 10,5 triệu USD, trong đó có 5 dự án cấp mới với vốn đăng ký là 4,34 triệu USD; 4 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị góp vốn 6,172 triệu USD. Các doanh nghiệp của Lào đầu tư tại Hà Nội trong một số lĩnh vực như thương mại, bất động sản, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; sửa chữa ô tô, xe máy…

Thời gian qua, hợp tác thương mại giữa TP. Hà Nội và Lào tăng trưởng rất tốt. Riêng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội sang Lào ước đạt 200 triệu USD (chiếm tỷ trọng 1,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội năm 2022), tăng 20% so với năm 2021. Ở chiều người lại, kim ngạch nhập khẩu của Hà Nội năm 2022 từ Lào ước đạt 211 triệu USD (chiếm tỷ trọng 0,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hà Nội năm 2022), tăng 12,6% so với năm 2021.

Những năm gần đây, do tác động của xung đột chính trị Nga-Ukraine, lạm phát,... thị trường một số nước ở khu vực Liên minh châu Âu (EU) và một số nước lớn đang bị thu hẹp. Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang tìm thị trường mới cho hàng xuất khẩu thông qua những nước nhỏ. Do đó, những thị trường mang tính chất tương đồng với Việt Nam sẽ dễ dàng tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa.

Hiện TP. Hà Nội đang tăng cường công tác xúc tiến thương mại để giúp các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố thường xuyên có những kết nối giao thương và thường xuyên xúc tiến sang thị trường Lào. Đây là thị trường rất tiềm năng đối với Hà Nội.

Mở ra thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp, làng nghề Thủ đô  - Ảnh 2.

Chất lượng hàng Việt được các bạn Lào đánh giá và đón nhận rất tốt, đặc biệt là các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ như gốm, sứ, mây tre đan...Ảnh: VGP/Thùy Linh

PV: Bà đánh giá như thế nào về hàng Việt tại thị trường Lào và ngược lại?

Bà Trần Thị Phương Lan: Chúng tôi sang Lào thấy họ có nhiều sản phẩm chất lượng cũng rất tốt, ví dụ như cà phê, tiêu, ớt, một số hàng thủ công mỹ nghệ có mẫu mã bắt mắt phù hợp với xu hướng thị trường thế giới như hàng thủ công, hàng mây tre đan…

Ở chiều ngược lại, khả năng thâm nhập hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Lào tương đối dễ, bởi chất lượng hàng Việt đã được các bạn Lào đánh giá và đón nhận rất tốt, đặc biệt là các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ, gốm, sứ, mây tre,…

Tuy nhiên, hàng Việt tại thị trường Lào hiện diện vẫn chưa nhiều. Do đó, chúng ta cần xúc tiến, triển khai mạnh để hàng Việt Nam nói chung và mặt hàng thủ công mỹ nghệ làng nghề Hà Nội nói riêng có mặt nhiều hơn tại thị trường Lào và ngược lại.

Mỗi thị trường sẽ có thị hiếu và xu hướng tiêu dùng khác nhau. Hàng Việt mà chúng ta đang thiết kế để phục vụ cho thị trường châu Âu, châu Mỹ sẽ khác với phục vụ thị trường Lào. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần nắm bắt nhu cầu của thị trường bạn hiện đang cần những sản phẩm gì để từ đó có sự điều chỉnh, thiết kế mẫu mã cho phù hợp với nhu cầu tiêu dùng.

PV: Sở Công Thương hai Thủ đô Viêng Chăn-Hà Nội đã ký kết biên bản hợp tác, bà có thể cho biết hoạt động này đã mở ra những cơ hội gì cho các doanh nghiệp, làng nghề của Hà Nội?

Bà Trần Thị Phương Lan:  Vừa qua, nhân dịp chuyến thăm chính thức Thủ đô Viêng Chăn (CHDCND Lào) của Đoàn đại biểu TP.  Hà Nội do Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP. Hà Nội làm Trưởng đoàn, Sở Công Thương hai Thủ đô Hà Nội-Viêng Chăn đã đồng tổ chức thành công Đoàn giao dịch xúc tiến thương mại, làng nghề tại Lào năm 2023.

Thông qua chương trình, đoàn công tác đã có 13 biên bản ghi nhớ hợp tác được ký giữa doanh nghiệp Hà Nội với doanh nghiệp Lào. Đồng thời, đã mở ra nhiều cơ hội mới cho các làng nghề, doanh nghiệp của Hà Nội, Thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Luang Prabang về phát triển vùng nguyên liệu; đưa hàng của Thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Luang Prabang vào hệ thống phân phối của Hà Nội và ngược lại.

Bên cạnh đó, chúng tôi đang kêu gọi xúc tiến đầu tư để các doanh nghiệp Việt Nam và Lào đầu tư xây dựng hệ thống trung tâm thương mại của Việt Nam tại Lào và của Lào tại Việt Nam, kết nối để đưa sản phẩm hàng hóa của hai nước vào hai Thủ đô, phục vụ nhu cầu của người dân.

PV: Thời gian tới, hai bên sẽ triển khai những giải pháp gì để đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực công thương, thưa bà?

Bà Trần Thị Phương Lan: Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp hai bên thực hiện nội dung của 13 biên bản ghi nhớ hợp tác đã ký kết tại Hội nghị phát triển vùng nguyên liệu và kết nối tiêu thụ, sản phẩm Hà Nội-Viêng Chăn 2023.

Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp Hà Nội tìm kiếm nguồn nguyên liệu về song, mây để phục vụ sản xuất mây tre đan; các doanh nghiệp có nhu cầu tìm kiếm vùng trồng gừng, ớt, tiêu và phong gió... hỗ trợ doanh nghiệp có nhu cầu liên kết, hỗ trợ kỹ thuật khai thác, chế biến, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp của Lào để sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu.

Bích Phương (thực hiện)

Top