Mở rộng cơ hội cho ngành thủ công mỹ nghệ Hà Nội

29/11/2024 3:15 PM

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do (FTA) và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã giúp giảm thuế xuất khẩu và mở rộng cơ hội thị trường cho các ngành kinh tế nói chung và ngành thủ công mỹ nghệ nói riêng.

Mở rộng cơ hội cho ngành thủ công mỹ nghệ Hà Nội- Ảnh 1.

Khách quốc tế ngày càng ưu chuộng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam. Ảnh: VGP/Bích Phương

Trong bối cảnh đó, thành phố Hà Nội đang tích cực thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giữa các làng nghề với doanh nghiệp, cũng như các nhà nhập khẩu quốc tế.

Hà Nội là nơi tập trung số lượng lớn làng nghề, chiếm tới 45% tổng số làng nghề của cả nước. Toàn Thành phố hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề (số làng nghề được công nhận là 292 làng nghề); có 47/52 ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống trên toàn quốc, gồm sơn mài, khảm trai, thêu ren, dệt lụa, gốm sứ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của thành phố Hà Nội là nơi các nghệ nhân làng nghề kể lại những câu chuyện thông qua sản phẩm, gìn giữ bản sắc văn hóa, truyền thống của từng nghề trong suốt chiều dài lịch sử.

Theo Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 của thành phố Hà Nội, mục tiêu giai đoạn 2023-2025 là tăng trưởng xuất khẩu đạt 4,4%-5%/năm; giai đoạn 2026-2030 đạt 5,1%-5,5%/năm; đến năm 2030 có từ 6-10 nhóm hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề Hà Nội được xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường nước ngoài; đồng thời, nâng tỷ trọng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ chiếm từ 3%-5% trong tỷ trọng xuất khẩu của Thành phố.

Những năm gần đây, sản phẩm thủ công mỹ nghệ ngày càng phát triển cả về chất và lượng, mở rộng thị trường, giúp chuyển dịch kinh tế nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động nông thôn.

Thời gian qua, việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do (FTA) và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã giúp giảm thuế xuất khẩu và mở rộng cơ hội thị trường cho các ngành kinh tế nói chung và ngành thủ công mỹ nghệ nói riêng.

Tuy nhiên, thách thức đặt ra cũng không ít đòi hỏi các doanh nghiệp làng nghề phải đẩy mạnh liên kết, thay đổi quy mô sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của mỗi sản phẩm hàng hóa.

Bên cạnh đó là yêu cầu về công nghệ sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường, chất lượng sản phẩm phải đồng đều..., đồng nghĩa với việc phải đổi mới, trong khi nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn ở nước ta vẫn sử dụng thiết bị lạc hậu, chắp vá, dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp, chất lượng không đồng đều, tiêu hao nhiều nguyên liệu, phát thải nhiều chất gây ô nhiễm môi trường... Trên thực tế, việc đầu tư một dàn máy móc sẽ là khó khăn đối với không ít doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ có vốn đầu tư còn hạn hẹp.

Mở rộng cơ hội cho ngành thủ công mỹ nghệ Hà Nội- Ảnh 2.

Mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ ngày càng sáng tạo hơn. Ảnh: VGP/Bích Phương

Đó là chưa kể đến hệ thống mẫu mã, kiểu dáng và bao bì sản phẩm thủ công mỹ nghệ ít được cải tiến, khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại được sản xuất trên dây chuyền hiện đại với ngoại hình bắt mắt…

Trước thực trạng đó, ngành Công Thương Hà Nội đã xác định vấn đề cần được quan tâm hàng đầu đó chính là tìm hướng đi mới cho công nghiệp nông thôn. Bên cạnh việc tổ chức các cuộc thi thiết kế sáng tạo mẫu sản phẩm mới và công nhận sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu, cần phải có các chương trình hỗ trợ về ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ… từ đó giúp doanh nghiệp có điều kiện nâng cao năng suất lao động và bảo vệ môi trường.

Đặc biệt cần chú trọng đến các chương trình xúc tiến thương mại, đăng ký thương hiệu, hỗ trợ truyền thông, hội chợ triển lãm, cũng như tham gia xây dựng các sàn giao dịch điện tử thủ công mỹ nghệ.

Sở Công Thương đã đẩy mạnh việc hỗ trợ ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến hiện đại vào sản xuất đã giúp nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông thôn, làng nghề nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền, thiết bị sản xuất mới, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm;

Đồng thời hỗ trợ xây dựng các nhà trưng bày, hệ thống thông tin về sản phẩm làng nghề, chú trọng bảo tồn giá trị truyền thống sản phẩm thủ công mỹ nghệ; xây dựng các dự án phát triển nghề và làng nghề; dự án các sản phẩm có thể cạnh tranh trên thị trường; gắn phát triển làng nghề với phát triển du lịch, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hàng thủ công mỹ nghệ…

Theo các chuyên gia, để các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam có vị thế trên thị trường thế giới, bên cạnh nhóm giải pháp về các mặt kinh tế - xã hội, môi trường và thể chế, quy hoạch tổng thể phát triển ngành, cần phải đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong thiết kế mẫu mã và sản xuất, xúc tiến thương mại, xây dựng mạng lưới tiêu thụ, xuất khẩu.

Cùng với đó, cung cấp thông tin thường xuyên về thị trường, những quy định về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, thị hiếu tiêu dùng để cơ sở sản xuất làng nghề có cơ sở định hướng sản xuất, xuất khẩu phù hợp.

Bích Phương

Top