Mở rộng địa giới hành chính: Dấu mốc quan trọng phát triển Thủ đô
(Chinhphu.vn) - Trong 2 ngày (2-3/7), hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội khóa XVI đã diễn ra với nhiều nội dung quan trọng. Trang tin điện tử Thủ đô Hà Nội trân trọng giới thiệu phát biểu kết luận của đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội tại Hội nghị lần thứ 14, BCH Đảng bộ Thành phố khóa XVI.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội khóa XVI. Ảnh: Gia Huy |
Với tinh thần tích cực, khẩn trương, thẳng thắn, dân chủ, trí tuệ, đoàn kết và trách nhiệm, sau 1 ngày rưỡi làm việc nghiêm túc, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội khóa XVI đã thành công tốt đẹp và đã thảo luận, cho ý kiến vào nhiều 8 nội dung quan trọng.
Thứ nhất, về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan
Việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội là một dấu mốc, bước ngoặt đặc biệt quan trọng trên con đường xây dựng và phát triển Thủ đô; là một chủ trương đúng đắn, một quyết sách lịch sử có tầm nhìn xa, trông rộng của Đảng và Nhà nước, không chỉ để xây dựng và phát triển Thủ đô, mà còn để phát huy vị trí, vai trò đầu tàu, sức lan tỏa của Thủ đô trong chiến lược phát triển đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Nêu cao ý thức và sự đồng thuận cao về chủ trương của Đảng, Nhà nước, Thành ủy Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, kịp thời với nhiều giải pháp sáng tạo; mặc dù đội ngũ cán bộ tăng lên gấp đôi nhưng công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ được tiến hành một cách chủ động, sáng tạo, dân chủ, bài bản, công tâm, hợp tình, hợp lý và nhân văn, không cục bộ và không gây xáo trộn, giữ vững được sự ổn định, bảo đảm cả hệ thống chính trị vận hành thông suốt, hiệu quả ngay từ những ngày đầu thực hiện Nghị quyết. Đã tiếp nhận bàn giao và quản lý địa giới hành chính, giải quyết xong một số vướng mắc về địa giới hành chính diễn ra trong nhiều năm tại một số đơn vị của tỉnh Hà Tây và các tỉnh Hòa Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc. Các cấp ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch mới; tiến hành rà soát, nhất thể hóa các cơ chế, chính sách, khớp nối các quy hoạch, các dự án, tạo hành lang pháp lý thống nhất, bền vững cho việc điều hành, quản lý hiệu quả sau hợp nhất.
Qua 10 năm mở rộng địa giới hành chính theo tinh thần Kết luận Hội nghị Trung ương 6 khóa X và Nghị quyết 15 của Quốc hội khoá XII, Thủ đô tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với những thành tựu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực. Trong bối cảnh suy thoái và khủng hoảng kinh tế thế giới, kinh tế Thủ đô đã vượt qua những khó khăn, tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực. Năm 2017, giá trị tổng sản phẩm (GRDP) của thành phố tăng gần gấp 2 lần, thu nhập (tính theo GRDP) bình quân đầu người tăng 2,3 lần, thu ngân sách tăng gần 3 lần, chi ngân sách tăng 3,6 lần, tổng vốn đầu tư xã hội tăng 2,85 lần so với năm 2008. Xây dựng nông thôn mới, các chương trình xoá đói giảm nghèo đạt kết quả nổi bật trong 10 năm qua. Lĩnh vực văn hóa - xã hội, y tế - giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm; khoảng cách về đời sống giữa các vùng miền, khu vực đô thị và nông thôn ngày càng được thu hẹp; giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của vùng đất: Thăng Long, Hà Tây quê lụa, xứ Đông, xứ Đoài được gìn giữ, phát huy; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt.
Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, đất đai trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực; hạ tầng kỹ thuật và xã hội được quan tâm đầu tư; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được tăng cường; công tác đối ngoại được mở rộng. Diện mạo đô thị ngày càng mở rộng, khang trang, văn minh, hiện đại; nông thôn được quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, diện mạo khởi sắc toàn diện và rõ rệt, dẫn đầu toàn quốc về số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, chất lượng và hiệu quả hoạt động có chuyển biến tốt hơn; có nhiều mô hình và cách làm hay được Trung ương và các địa phương nghiên cứu, nhân rộng và các tỉnh, thành học tập kinh nghiệm. Vai trò, vị thế của Thủ đô ngày càng được nâng cao trong nước, khu vực và quốc tế. Thành phố đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Sao Vàng (năm 2010).
Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường 10 năm sau hợp nhất, với tình yêu và trách nhiệm lớn lao trước sự phát triển bền vững của Thủ đô - trái tim của cả nước, chúng ta còn trăn trở về một số khó khăn, thách thức đã, đang và sẽ tiếp tục đặt ra đối với thành phố, đó là:
Yêu cầu xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, phát triển bền vững trong quá trình đô thị hóa nhanh; mâu thuẫn giữa phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế với vấn đề bảo vệ môi trường. Yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, với việc đào tạo, tạo việc làm mới cho lao động nông thôn khi đất nông nghiệp đang giảm nhanh, nhường chỗ cho các dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, khu đô thị mới, các khu, cụm, điểm nông - công nghiệp - làng nghề. Thách thức giữa yêu cầu phát triển của thành phố trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) với chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, đặc biệt là trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức các cấp thành phố.
Do vậy, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô cần tiếp tục phát huy tiềm năng, thế và lực mới, đoàn kết, sáng tạo, tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ và giải quyết một cách căn cơ các mâu thuẫn, khó khăn, tập trung thực hiện thành công những khâu đột phá, mạnh mẽ thu hút đầu tư để có đủ nguồn lực phát triển Thủ đô nhanh và bền vững. Để giải quyết những vấn đề đó, Thành ủy mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp, giúp đỡ, đồng hành của các ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Thứ hai, về sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố:
Nhiệm kỳ 2015-2020 của Đảng bộ Thành phố là nhiệm kỳ thứ hai kể từ khi thực hiện mở rộng địa giới hành chính theo tinh thần Kết luận Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) và Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII. Đảng bộ Thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết bên cạnh những thuận lợi cơ bản, còn có nhiều khó khăn, thách thức tác động từ sự bất ổn, khó lường về chính trị, kinh tế thế giới; những khó khăn nội tại của Thủ đô và đất nước; thiên tai, dịch bệnh; sự chống phá của các thế lực thù địch… Song bám sát sự chỉ đạo của Trung ương; kế thừa, phát huy truyền thống đoàn kết của Đảng bộ; với một đội ngũ cán bộ chủ chốt cơ bản mới được kiện toàn sau Đại hội, có sức trẻ, nhiệt huyết cống hiến cao; với sự lãnh đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành uỷ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã nỗ lực phấn đấu, chủ động thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả 8 chương trình công tác, 4 nghị quyết chuyên đề, 21 chỉ thị, 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá, 16 chỉ tiêu và 14 định hướng trọng tâm phát triển của Thành phố nhiệm kỳ 2015-2020, đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố từng bước đi vào cuộc sống, đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các mặt công tác.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng có nhiều đổi mới, thực hiện nghiêm túc, sáng tạo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII); gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đặc biệt chú trọng củng cố các cơ sở đảng yếu kém, gắn với giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở; coi công tác cán bộ là khâu đột phá; ban hành và thực hiện nhiều quy định về công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên; tăng cường công tác tư tưởng, kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng, lãng phí, đối thoại, tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, củng cố lòng tin của người dân với sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Kinh tế Thủ đô vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; các cân đối vĩ mô, an sinh xã hội được bảo đảm. Mặc dù diện tích Hà Nội chỉ bằng 1% về diện tích và 8,1% về dân số của cả nước nhưng Hà Nội đóng góp tương ứng 16,46% về GDP, 19,05% về thu ngân sách và 5,51% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, xứng đáng giữ vị trí đầu tàu và là động lực phát triển của Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của đất nước. Cải cách hành chính có nhiều chuyển biến rõ rệt, nhất là thái độ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được cải thiện nhanh và rất rõ nét.
Bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại; công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển và quản lý đô thị, đất đai trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực; hạ tầng kỹ thuật và xã hội được quan tâm đầu tư; xử lý môi trường, cấp nước; quản lý trật tự đô thị, lòng đường vỉa hè được tăng cường và chuyển biến tích cực; đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông minh để quản lý giao thông và môi trường đô thị. Triển khai mạnh mẽ các chương trình phát triển cây xanh và các công trình; mở rộng không gian văn hóa, du lịch, giải trí. Công tác xây dựng nông thôn mới, chăm lo đời sống của nông dân Thủ đô được quan tâm, thực hiện quyết liệt và đạt kết quả toàn diện, nổi bật.
Văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học công nghệ tiếp tục phát triển, dẫn đầu cả nước trên nhiều tiêu chí; hệ thống cơ sở vật chất giáo dục; khám chữa bệnh được quan tâm đầu tư nâng cấp. Khoảng cách về đời sống giữa đô thị và nông thôn tiếp tục được thu hẹp; giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ và phát huy; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện.
Chính trị ổn định, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, công tác quốc phòng và quân sự địa phương được tăng cường; công tác đối ngoại được mở rộng; vai trò, vị thế của Thủ đô ngày càng được nâng cao trong nước và quốc tế.
Đạt được những kết quả toàn diện trên là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương; sự nỗ lực, cố gắng của toàn Đảng bộ, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân, lực lượng vũ trang và cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô. Trong đó, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, được Đại hội XVI giao nhiệm vụ là cơ quan lãnh đạo điều hành thực hiện Nghị quyết của Đại hội đã kế thừa, phát huy tốt truyền thống đoàn kết, trách nhiệm và kinh nghiệm của Đảng bộ, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố. Thành ủy đã tiếp tục coi trọng đổi mới tư duy, phong cách, phương pháp lãnh đạo; vừa lãnh đạo toàn diện, vừa xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn đúng, trúng những vấn đề cần tập trung chỉ đạo trong từng quý, từng năm (giảm nghèo, môi trường, nước sạch, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giải phóng mặt bằng; trật tự, văn minh đô thị, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...); đề cao tự phê bình và phê bình, nhìn thẳng vào hạn chế, yếu kém, không né tránh việc khó và các thách thức; quyết liệt chỉ đạo khắc phục; chủ động dự báo, đánh giá, phân tích những vấn đề, lĩnh vực còn tiềm ẩn phức tạp, rủi ro và xây dựng kế hoạch khắc phục, không để bị động; xử lý kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả những phức tạp phát sinh từ thực tiễn hàng ngày của Thủ đô.
*
Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng nghiêm túc, thẳng thắn và đầy trách nhiệm, nhìn nhận còn một số hạn chế, khuyết điểm sau:
- Về phát triển kinh tế: tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố tuy đạt chỉ tiêu kế hoạch nhưng năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp so với tiềm năng, lợi thế đang có. Công tác thu hút đầu tư ngoài ngân sách đạt kết quả tốt nhưng tiến độ giải ngân còn chậm. Công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện đầu tư và thực hiện đầu tư công còn gặp không ít khó khăn và chậm tiến độ so với yêu cầu phát triển củaThành phố; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn thấp hơn so với yêu cầu.
- Về quy hoạch, phát triển hạ tầng, xây dựng và quản lý đô thị: Mặc dù được xác định là một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ nhưng một số mục tiêu và chỉ tiêu còn khó khăn; một số dự án bị chậm triển khai, nhất là các công trình trọng điểm… Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, đất đai, trật tự và an toàn giao thông mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Các vi phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng, lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp; hiện tượng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè còn diễn ra. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư vẫn còn gặp khó khăn. Môi trường đô thị và nông thôn đã được cải thiện một bước nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường nước, không khí …vẫn còn là một thách thức lớn.
- Về lĩnh vực văn hóa - xã hội: Phát triển chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng của Thủ đô; một số tiêu chí xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đạt yêu cầu, chưa tạo được chuyển biến rõ nét về văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức và người dân; nếp sống văn hóa, trật tự, kỷ cương, văn minh đô thị có mặt còn yếu kém. Mục tiêu và nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo còn một số mặt chuyển biến chậm, chưa đạt yêu cầu. Khoa học và công nghệ chưa phát huy được vai trò là động lực phát triển. Công tác y tế, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, vệ sinh an toàn thực phẩm có mặt còn hạn chế; vẫn xảy ra tình trạng quá tải ở một số bệnh viện tuyến thành phố.
- Về công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh: Mặc dù về cơ bản an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, nhưng tình hình tội phạm, vi phạm môi trường, tệ nạn xã hội; khiếu kiện tập trung đông người, an ninh nông thôn còn diễn biến phức tạp. Công tác phòng, chống cháy, nổ còn chưa đáp ứng yêu cầu; đã xảy ra một số vụ việc gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Nhận thức về công tác quốc phòng phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội có cấp ủy còn chưa đầy đủ.
- Về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng: Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở Đảng còn hạn chế; cá biệt, có cấp ủy mất vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, để xảy ra những vụ việc nổi cộm, bức xúc, điểm nóng; cấp ủy cấp trên trực tiếp chậm có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục kịp thời, hiệu quả. Công tác vận động quần chúng có nơi, có việc chưa đáp ứng được yêu cầu. Tính chiến đấu, tinh thần đấu tranh phê và tự phê bình trong sinh hoạt cấp ủy ở một số nơi chưa tốt. Tính gương mẫu trong thực thi nhiệm vụ của một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức còn hạn chế; tính chủ động, phối hợp ngang trong tham mưu, đề xuất của một số cơ quan, đơn vị để tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân còn hạn chế. Còn có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Cải cách hành chính ở một số đơn vị chuyển biến còn chậm.
*
Qua đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội và nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ và 6 tháng đầu năm 2018, chúng ta rút ra được 10 bài học kinh nghiệm rất sâu sắc và từ đó làm cơ sở xây dựng các giải pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của thành phố, của địa phương, đơn vị trong thời gian tới, trong đó cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, rà soát các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của Thành phố để có giải pháp tập trung thúc đẩy các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá; những chỉ tiêu mới đạt kết quả thấp hoặc dự báo khó hoàn thành như: tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người; tiến độ các công trình trọng điểm; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo; tỷ lệ cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn, các chỉ tiêu môi trường khác.... Chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà 8 chương trình công tác của Thành ủy đã đề ra với các nhóm chỉ tiêu nhiệm vụ cụ thể trên từng lĩnh vực gắn với triển khai thực hiện Kết luận số 22-KL/TƯ, ngày 7/11/2017 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, khoa học, hiệu quả và thực chất; trong đó, phải làm tốt công tác dự báo, nắm bắt diễn biến tình hình cơ sở; định hướng kịp thời và đúng đắn tư tưởng, dư luận; tăng cường đối thoại, lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý tích cực của tổ chức, đảng viên và nhân dân để lãnh đạo, chỉ đạo, sâu sát, kịp thời giải quyết dứt điểm các vấn đề bức xúc dân sinh ngay từ cơ sở và ngay từ khi mới phát sinh; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ. Để khắc phục tình trạng còn ôm đồm công việc, quá tải trong quản lý điều hành ở một số cấp, một số ngành cần tăng cường phân công, phân cấp, ủy quyền rõ người, rõ việc, rõ cấp, rõ trách nhiệm, rõ địa chỉ, rõ kết quả; phát huy vai trò tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được phân công.
Thứ ba, tiếp tục cơ cấu lại các ngành kinh tế, thực hiện các giải pháp đẩy mạnh kinh tế tri thức, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, tận dụng thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0; phấn đấu tăng trưởng công nghiệp bình quân giai đoạn 2018-2020 là 11,32%. Chú ý khai thác các tiềm lực, động lực mới thúc đẩy phát triển công nghiệp. Thực hiện các giải pháp tăng cường xuất khẩu; tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch. Phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung. Cần sớm ban hành hệ thống các cơ chế, chính sách khuyến khích cụ thể về khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo để tạo nền tảng vững chắc, lâu dài cho phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững. Thực hiện hiệu quả công tác thu ngân sách; đảm bảo tỷ trọng chi đầu tư phát triển ngày càng tăng.
Thứ tư, phát triển đồng bộ, từng bước hiện đại kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại; cần phải tập trung, quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, nhất là các khó khăn chủ quan để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các công trình trọng điểm. Cần phải gấp rút hoàn thành phê duyệt các quy hoạch chung và phân khu đô thị còn lại, quy hoạch và kế hoạch đầu tư xây dựng các đô thị vệ tinh, các quy hoạch cải tạo khu chung cư cũ, khu nhà ở xã hội tập trung, nhà ở tái định cư; siết chặt việc quản lý các quy hoạch, giảm thiểu việc điều chỉnh các quy hoạch, nhất là các điều chỉnh gây tăng dân số và áp lực hạ tầng trong khu vực nội đô. Tiếp tục tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý các vi phạm về phòng chống cháy, nổ, đặc biệt tại các chung cư và nơi tập trung đông người, vi phạm quy hoạch, vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm trật tự và mỹ quan đô thị, lấn chiếm đất đai, ô nhiễm môi trường..... theo nguyên tắc không có vùng cấm và ngoại lệ. Đẩy nhanh tiến độ cấp nước sạch trên địa bàn, nhất là địa bàn nông thôn; duy trì tốt công tác vệ sinh môi trường; đôn đốc tiến độ các dự án đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn; tiếp tục triển khai cải tạo các hồ trên địa bàn và cảnh quan đô thị.
Thứ năm, tiếp tục duy trì “tính bền vững” đối với các xã, huyện đã được công nhận và tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, phấn đấu tiếp tục vượt kế hoạch đã đề ra; quan tâm chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân.
Thứ sáu, phát triển văn hóa, xã hội, tạo chuyển biến mới trong xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh; thực hiện hiệu quả 02 quy tắc ứng xử văn hóa ở các cơ quan và nơi công cộng trên địa bàn. Tiếp tục phát triển, giữ vững vị thế dẫn đầu cả nước về sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu số giường bệnh/vạn dân. Thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp hỗ trợ, tạo việc làm, nhất là khu vực nông thôn; phấn đấu hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách bảo trợ và an sinh xã hội, chính sách đối với người có công với cách mạng.
Thứ bảy, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống; mở rộng đối ngoại: Bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị trên địa bàn. Đẩy mạnh đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Tiếp tục đảm bảo công tác quốc phòng thường xuyên, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Thứ tám, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, nhất là cấp cơ sở và cấp chi bộ. Thực hiện quyết liệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), trọng tâm là khắc phục các hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình hằng năm; gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện tốt các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, 7 (khóa XII) và Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, gắn với thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ, Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng hiệu quả đội ngũ công chức, viên chức. Nâng cao chất lượng công tác tư tưởng; hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; đổi mới công tác dân vận, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân; chú trọng công tác nội chính; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tập trung chỉ đạo củng cố tổ chức cơ sở đảng yếu kém, còn có những vấn đề phức tạp; phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài; tiếp tục tăng cường thực hiện dân chủ cơ sở; đối thoại với nhân dân nhất là khi có các vấn đề bức xúc dân sinh.
Tiếp tục tăng cường vai trò, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của UBND các cấp; hoàn thiện việc xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị của TP Hà Nội, bảo đảm chất lượng, hiệu quả thiết thực. Triển khai quyết liệt các giải pháp cải cách hành chính để tiếp tục cải thiện hơn nữa chỉ số PCI, đặc biệt là phải đẩy được chỉ số PAPI của thành phố lên khỏi tốp đáy như hiện nay; tăng cường kỷ luật, kỷ cương đối với đội ngũ cán bộ, công chức và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; động viên, khích lệ các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tạo đồng thuận trong thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của Thủ đô đã đặt ra cho nhiệm kỳ 2015-2020.
*
Những kết quả toàn diện đã đạt được trong thời gian qua là động lực tiếp tục cổ vũ, động viên to lớn các cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, lực lượng vũ trang và cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô tiếp tục vững tin và phấn khởi tiếp bước trên con đường của mình trong thời gian tới. Với tinh thần đó, đề nghị mỗi đồng chí Thành ủy viên cần tiếp tục phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm và tâm huyết với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô; phát huy cao độ trách nhiệm người đứng đầu, vai trò tiền phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên; tập hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực, phấn đấu hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu, khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra. Quan trọng nhất là luôn chủ động, sáng tạo, tận tuỵ, với phương châm “kế hoạch 1 thì biện pháp phải 10, quyết tâm phải 20” mới đáp ứng được nhiệm vụ ngày càng nặng nề, khó khăn của Thành phố trước yêu cầu của thời kỳ mới.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải
* Tiêu đề do Cổng TTĐT Chính phủ đặt