Mở rộng kênh phân phối, hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt dịp Tết 2024

13/12/2023 3:08 PM

(Chinhphu.vn) - Những tháng cuối năm và mùa Tết Nguyên đán 2024, Sở Công Thương Hà Nội đã và đang tích cực triển khai nhiều nhóm giải pháp bảo đảm cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân; đồng thời đề nghị các doanh nghiệp chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố mở rộng kênh phân phối, hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt trong dịp này.

Mở rộng kênh phân phối, hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt dịp Tết 2024- Ảnh 1.
Mở rộng kênh phân phối, hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt dịp Tết 2024- Ảnh 2.
Mở rộng kênh phân phối, hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt dịp Tết 2024- Ảnh 3.

Các doanh nghiệp chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố mở rộng kênh phân phối, hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt dịp cuối năm và dịp Tết 2024. Ảnh: VGP/TL

Đẩy mạnh kích cầu dịp cuối năm

Trao đổi với phóng viên, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, năm nay, tình hình kinh tế thế giới, khu vực cũng như của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế từ dịch COVID-19.

Dự báo, năm 2024 có những tín hiệu kinh tế khởi sắc từ thị trường nội địa cũng như từ thị trường xuất khẩu, tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn thách thức với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Để phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán 2024, Sở Công Thương Hà Nội đang tích cực phối hợp với các Sở, ngành, địa phương, triển khai chương trình bình ổn thị trường mà UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt. Từ đó, xây dựng và triển khai kế hoạch phục vụ Tết với tổng trị giá các nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu có nhu cầu cao trong dịp Tết khoảng trên 40 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2023.

Hiện, toàn bộ các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp Tết đang được các doanh nghiệp sản xuất hối hả chuẩn bị và đưa đến các hệ thống phân phối.

Về phía các hệ thống phân phối đã đàm phán với các doanh nghiệp sản xuất về nguồn cung cũng như giá cả cách đây từ 3 tháng, thậm chí 6 tháng để chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ nguồn hàng và dự trữ theo chỉ đạo của Sở Công Thương Hà Nội, nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cả trước, trong và sau Tết.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp còn dự trữ cao hơn so với mức mà Sở Công Thương và TP. Hà Nội giao để sẵn sàng đối phó với các tình huống khẩn cấp, các tình huống dịch bệnh hoặc những tình huống bất khả kháng có thể xảy ra, từ đó có thể chủ động đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán này.

Bên cạnh đó, các mặt hàng khác như điện, điện tử, điện máy, các mặt hàng thời trang cũng được các doanh nghiệp rất quan tâm đẩy mạnh kích cầu trong thời điểm cuối năm.

Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, năm nay, do điều kiện kinh tế của thế giới và trong nước còn gặp rất nhiều khó khăn, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu và chỉ mua sắm các mặt hàng thiết yếu. Do đó, để kích cầu tiêu dùng, Sở Công Thương Hà Nội đã tham mưu cho Thành phố ban hành các chương trình khuyến mại tập trung.

Các doanh nghiệp chủ động đưa ra các chương trình khuyến mại hấp dẫn, kết nối với các nhà sản xuất để từ đó giảm giá thành và các chương trình khuyến mại từ cơ sở sản xuất đến cơ sở phân phối, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng; đồng thời đưa ra các chương trình quảng bá sản phẩm để kích thích người dân "mở ví", tăng tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.

Dồi dào nguồn hàng Việt phục vụ Tết

Đối với hàng Việt, những năm gần đây, các doanh nghiệp sản xuất trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp của TP. Hà Nội đã nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của người dân thông qua Chương trình Bình chọn "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích" của TP. Hà Nội. Do đó, các sản phẩm của doanh nghiệp đã tiếp cận trực tiếp và rất gần với người tiêu dùng Thủ đô.

Bên cạnh đó, doanh nghiêp cũng chú trọng trong công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu, thiết kế các mẫu mã, bao bì, đóng gói phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng. Để làm sao hàng hóa đến được với người sử dụng một cách thuận tiện nhất, giá ưu đãi nhất, chất lượng tốt nhất.

Về phía doanh nghiệp, Giám đốc vận hành hoạt động Co.opmart kiêm giám đốc marketing Saigon Co.opmart Nguyễn Ngọc Thắng cho biết, nhằm thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá cả thị trường phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong 3 tháng trước, trong và sau Tết Giáp Thìn 2024, đơn vị đã triển khai công tác dự trữ nguồn hàng hoá thiết yếu ngay từ giữa năm 2023.

Theo đó, tổng giá trị nguồn hàng thiết yếu phục vụ Tết Giáp Thìn 2024 của Saigon Co.opmart lên đến hơn 10.000 tỷ đồng, tăng từ 20% - 50% tuỳ theo nhóm hàng so với tháng kinh doanh bình thường.

Bà Đỗ Tuệ Tâm, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, để chuẩn bị hàng hoá phục vụ người dân dịp Tết Giáp Thìn, doanh nghiệp đã tăng khối lượng hàng hoá dự trữ gấp 3 lần. 42 điểm bán hàng trên địa bàn Hà Nội sẽ được vận hành liên tục cho đến cuối ngày 30 Tết và bắt đầu trở lại phục vụ người dân từ mùng 3 Tết Giáp Thìn 2024.

Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực cung ứng hàng hoá, phần lớn ngân sách của các đơn vị sẽ được ưu tiên cho trữ lượng các nhóm hàng bình ổn thị trường. Trong số này có: gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, hải sản…

Trong thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội sẽ phối hợp với các sở, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị sản xuất kinh doanh triển khai các chương trình, hoạt động, sự kiện kích cầu mua sắm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: Tổ chức các chợ hoa Xuân; tổ chức các điểm, chuyến bán hàng phục vụ Tết tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực nông thôn để phục vụ nhân dân.

Bên cạnh đó, sẽ tổ chức các sự kiện thực hiện Kế hoạch kích cầu tiêu dùng, tăng tổng mức bán lẻ, doanh thu dịch vụ tiêu dùng, chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2024 và các sự kiện của Thành phố thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"…

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng, quảng bá, kết nối tiêu thụ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu để tạo nguồn cung hàng hóa ổn định, phục vụ đầy đủ nhu cầu người dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Khuyến khích các đơn vị tổ chức sự kiện, doanh nghiệp tổ chức các hội chợ Tết phục vụ nhân dân…

"Như vậy, cùng với đa dạng các giải pháp trong việc chuẩn bị tốt nguồn cung hàng hóa, người dân Thủ đô sẽ yên tâm mua sắm, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của các gia đình trong dịp Tết này", bà Trần Thị Phương Lan nói.

Thùy Linh

Top