Mở rộng liên kết hợp tác đầu tư, liên kết thương mại
(Chinhphu.vn) - TP. Hà Nội là một trong những điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới, trong đó các nhà đầu tư từ Trung Quốc. Việc mở rộng liên kết hợp tác đầu tư, liên kết thương mại luôn được Thành phố quan tâm đẩy mạnh.
Mới đây, tại Phiên thảo luận về đầu tư thương mại trong khuôn khổ Hội nghị Hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) lần thứ 10, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Ngọc Tú chia sẻ, sau khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành, TP. Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã đón nhận sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Thủ đô Hà Nội luôn khẳng định vị trí hàng đầu trong thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài nhờ môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện, thủ tục pháp lý ngày càng thông thoáng và những lợi thế riêng có. Hà Nội cũng là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới, trong đó các nhà đầu tư từ Trung Quốc.
Lũy kế đến nay, thu hút vốn FDI của TP. Hà Nội đạt khoảng 62,6 tỷ USD (đứng thứ 2 toàn quốc), trong đó có có 7.312 dự án cấp mới còn hiệu lực với số vốn đăng ký là 28,7 tỷ USD; 2.085 lượt dự án tăng vốn với số vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 11,6 tỷ USD; 5.191 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị góp vốn 22,3 tỷ USD.
Lĩnh vực thu hút vốn lớn nhất là kinh doanh bất động sản (31,01%), tiếp theo là ngành công nghiệp chế biến chế tạo (29,67%); thương mại, dịch vụ (22,54%); xây dựng và KHCN (5%); còn lại là các ngành khác.
Tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2023, TP. Hà Nội thu hút hơn 2.607 triệu USD vốn FDI, trong đó có 346 dự án mới với tổng vốn đầu tư đạt 321,1 triệu USD; 141 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 242,5 triệu USD…
Về tình hình hợp tác đầu tư giữa TP. Hà Nội với Trung Quốc, lũy kế từ năm 1986 đến nay, thu hút vốn FDI của Trung Quốc vào TP. Hà Nội đạt trên 11,3 tỷ USD, trong đó có 693 dự án cấp mới còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký mới đạt 415,5 triệu USD; 107 lượt dự án tăng vốn với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 135,7 triệu USD; 822 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị góp vốn 10,7 tỷ USD. Trung Quốc đứng thứ 2 về các quốc gia lớn đầu tư tại TP. Hà Nội. Trong 10 tháng năm 2023, TP. Hà Nội thu hút 29,6 triệu USD vốn FDI từ Trung Quốc.
Cùng với cả nước bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế sâu, rộng với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, TP. Hà Nội đã xác định cộng đồng doanh nghiệp nói chung, cộng động doanh nghiệp FDI nói riêng là động lực quan trọng cho sự phát triển và hội nhập của Thủ đô.
Về định hướng chính sách hợp tác đầu tư, chính sách thu hút đầu tư của TP. Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Ngọc Tú cho biết, TP. Hà Nội định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao tập trung vào các lĩnh vực: phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố thông minh; công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án lĩnh vực công nghệ thông tin; nghiên cứu phát triển; du lịch, dịch vụ tài chính , ngân hàng ; đào tạo nhân lực; nông nghiệp công nghệ cao, thực phẩm sạch an toàn…
Tiếp tục đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch cũng như gắn với hoạt động đối ngoại, văn hóa; đẩy mạnh vai trò của các cơ quan xúc tiến đầu tư đối với các tổ chức ngoại giao và khu vực kinh tế vốn đầu tư nước và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, minh bạch và công bằng để các nhà đầu tư kinh doanh thành công và phát triển bền vững.
Về định hướng phát triển hạ tầng trong hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Việt-Trung, ông Nguyễn Ngọc Tú cho biết, hành lang kinh tế Côn Minh (Vân Nam) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh là tuyến hành lang kết nối vùng Trung du miền núi phía Bắc với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh) và là tuyến kết nối ra biển gần nhất của vùng. Hành lang kinh tế này có tác động trực tiếp đến sự phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước, tăng cường hợp tác quốc tế với tỉnh Vân Nam và các tỉnh Tây Nam Trung Quốc, rộng hơn là một trong những cửa ngõ của khu vực ASEAN với Trung Quốc.
Cũng tại phiên thảo luận chuyên đề này, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng, thời gian tới, công tác thúc đẩy liên kết thương mại phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu tiếp tục là động lực chính đóng góp phát triển kinh tế-xã hội.
Do đó, Sở Công Thương Hà Nội đề xuất hằng năm, tham mưu UBND các tỉnh, thành ban hành Kế hoạch thực hiện của ngành Công Thương Hà Nội và các tỉnh, thành về phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn, tập trung triển khai quyết liệt ngay từ những tháng đầu năm nhằm thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu…
Diệu Anh