Mỗi hộ gia đình, cá nhân chỉ được giải quyết hỗ trợ nhà ở xã hội một lần

28/05/2022 3:24 PM

(Chinhphu.vn) - Sở Xây dựng Hà Nội vừa có văn bản gửi Sở TN&MT, UBND các quận, huyện, thị xã, chủ đầu tư dự án có nhà ở xã hội, hướng dẫn việc bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách.

Mỗi hộ gia đình, cá nhân chỉ được giải quyết hỗ trợ nhà ở xã hội một lần - Ảnh 1.

Hà Nội sẽ dành nguồn lực hợp lý để đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội

Đối tượng là những người chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở

Theo đó, đối tượng thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội gồm: Người có công với cách mạng, người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp; công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an, quân đội Nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức; hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.

Người thu nhập thấp, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an, quân đội Nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập.

Điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ gồm: Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình; chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập hoặc đang sở hữu nhà nhưng diện tích bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức tối thiểu do Chính phủ quy định; phải có đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú từ 1 năm trở lên tại tỉnh, thành phố nơi có nhà ở xã hội.

Người mua, thuê mua nhà ở xã hội không được phép thế chấp, chuyển nhượng nhà ở trong thời gian tối thiểu 5 năm và chỉ được phép bán lại, thế chấp hoặc cho thuê sau khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai.

Trong thời hạn chưa đủ 5 năm, nếu bên mua, thuê mua có nhu cầu bán lại thì chỉ được bán cho chủ đầu tư hoặc đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán.

Nguyên tắc xét duyệt đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, trường hợp tổng số hồ sơ đăng ký (hợp lệ) bằng hoặc ít hơn tổng số căn hộ do chủ đầu tư công bố thì việc lựa chọn căn hộ thực hiện theo hình thức thỏa thuận giữa chủ đầu tư và khách hàng.

Trường hợp tổng số hồ sơ đăng ký nhiều hơn thì việc xét duyệt, lựa chọn đối tượng thực hiện theo hình thức bốc thăm (do chủ đầu tư tổ chức, đại diện Sở Xây dựng giám sát).

Riêng người có công với cách mạng, người khuyết tật được ưu tiên mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội mà không phải bốc thăm với tỷ lệ nhất định...

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, giá bán, cho thuê, cho thuê mua; hồ sơ chứng minh đối tượng, điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ về; giám sát đối tượng sau khi được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

Hà Nội 'dồn sức' giải bài toán nhà ở xã hội cho người dân

Để giải bài toán phát triển nhà ở xã hội nhằm giải quyết nhu cầu còn rất lớn của người dân, mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng đẩy mạnh thực hiện chủ trương phát triển nhà ở xã hội theo hướng đô thị xanh, văn minh, hiện đại; nhà ở xã hội giá thấp nhưng chất lượng không được thấp.

Bí thư Thành ủy khẳng định, Hà Nội sẽ dành nguồn lực hợp lý để đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội với mục tiêu nâng diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố đạt 29,5 m2 sàn/người; tỉ lệ diện tích nhà ở cho thuê trong các dự án nhà ở xã hội phải đạt tối thiểu 30% tổng diện tích sàn.

Thành phố đang rà soát việc lập, trình phê duyệt quy hoạch chi tiết và triển khai đầu tư xây dựng 5 khu nhà ở xã hội tập trung đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về nguyên tắc, trên cơ sở đó lựa chọn chủ đầu tư. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng đang khẩn trương rà soát 68 ô đất thuộc quỹ đất 20%, 25% tại dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đề xuất phương án xây nhà ở xã hội.

Thành phố Hà Nội cũng chỉ đạo, đối với các dự án chậm triển khai sẽ kiên quyết thu hồi; cân đối nhu cầu, cơ cấu các loại hình nhà ở để phân bổ phù hợp từng khu vực dân cư, tránh tình trạng tập trung quá cao một loại hình nhà ở trên một khu vực. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ các chủ đầu tư tiếp tục phát triển các dự án nhà ở xã hội sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Còn theo các chuyên gia, để thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, điểm "nghẽn" đầu tiên cần giải quyết là các vấn đề về thời gian, thủ tục, nguồn vốn cũng như hoạt động phân phối. Khi phát triển nhà ở xã hội, doanh nghiệp thường không chủ động được về dòng tiền, đối tượng mua nhà ở xã hội, giá bán, đều do Nhà nước quyết định. Vì thế, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế ưu đãi bằng các công cụ như vốn vay, giảm bớt thủ tục hành chính, nâng mức lợi nhuận tối đa trên cơ sở cân đối với mức thu nhập của đối tượng được ưu đãi mua nhà ở xã hội.

Như vậy, với chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng với sự hướng dẫn của Sở Xây dựng, người dân có đủ các điều kiện trên có thể đăng ký mua nhà ở xã hội, bảo đảm quyền lợi và lợi ích của mình.

Vĩnh Hoàng

Top