Mực nước sông dâng cao, khẩn trương khắc phục hậu quả do bão

08/09/2024 10:20 AM

(Chinhphu.vn) - Hiện mực nước trên sông Bùi, sông Tích đang lên nhanh, khả năng xảy ra các thiên tai khác đi kèm lũ lên cao gây ngập lụt, sạt lở đất ở vùng ven sông, nguy cơ mất an toàn đối với các tuyến đê thuộc huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất… Theo đó các địa phương vừa tăng cường khắc phục hậu quả do bão, vừa triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai.

Mực nước sông dâng cao, khẩn trương khắc phục hậu quả do bão- Ảnh 1.

Mưa bão làm gẫy đổ nhiều cây xanh trên địa bàn huyện Quốc Oai. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực đồng bằng và Trung du Bắc bộ, do ảnh hưởng của bão số 3, thành phố Hà Nội có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9 và có mưa to đến rất to, lượng mưa từ 07h đến 22h ngày 7/9 phổ biến 80-150mm, có nơi lớn hơn như: Thường Tín 230mm, Quốc Oai 218mm, Thanh Trì 203mm, Chúc Sơn- Chương Mỹ là199mm...

Mưa lớn có khả năng gây ra sạt lở đất ở vùng đồi núi một số huyện ngoại thành như: Ba Vì, Sóc Sơn, Quốc Oai… Mực nước sông lên cao nguy cơ xảy ra sạt lở đất ven sông, ngập lụt các vùng trũng thấp, các bãi nổi giữa sông, ảnh hưởng đến an toàn đối với các tuyến đê vùng ven sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy, sông Bùi, sông Tích, sông Cà Lồ và vùng trũng, ven sông một số khu vực thuộc huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Đông Anh, Sóc Sơn, quận Long Biên, quận Hà Đông…

Lũ, ngập lụt, lũ quét sạt lở đất ảnh hưởng đến con người, một số khu công nghiệp, khu nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp và sinh hoạt, giao thông của người dân. Bên cạnh đó có thể gây ngập úng cây trồng, làm đất trở nên bão hòa nước, hoặc làm cây bị đổ gây thiệt hại cho mùa màng.

Hiện mực nước sông Bùi, sông Tích đang lên nhanh. Vì vậy, theo cảnh báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực đồng bằng và Trung du Bắc bộ, từ hôm nay (8/9) đến ngày 10/9, trên sông Bùi, sông Tích xuất hiện một đợt lũ với biên độ từ 1,5-2,5m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Bùi, sông Tích ở mức BĐ2 đến BĐ3. Cảnh báo nguy cơ ngập lụt, khả năng xảy ra các thiên tai khác đi kèm lũ lên cao gây ngập lụt, sạt lở đất ở vùng ven sông, nguy cơ mất an toàn đối với các tuyến đê thuộc huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất,…

Lũ trong sông lên cao, mực nước lũ có nguy cơ gây ngập lụt vùng ven sông, vùng trũng thấp diện rộng. Thời gian ngập lụt kéo dài ở các khu vực sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và một số vùng dân cư của địa phương sống ven sông, có thể gây nguy hiểm cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhân dân tại một số khu vực thuộc huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ cấp 1. Vì vậy, các địa phương của Hà Nội đang tích cực khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 để lại, đồng thời tăng cường các biện pháp để phòng chống do thiên tai gây ra.

Cụ thể, tại huyện Quốc Oai, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Phó Trưởng ban Ban PCTT&TKCN Quốc Oai cho biết, tổng lượng mưa trên địa bàn huyện từ 7h00 ngày 6/9 đến 5h00 ngày 8/9 đo được khoảng 231mm. Hiện tại, toàn huyện đang vận hành 9 trạm bơm tiêu gồm: Thông Đạt; Vĩnh Phúc; Yên Sơn, Cấn Hạ; Đông Yên tiêu; Cộng Hoà, Cống Mẻn, Trại Ro, Đồng Mạ với 32 tổ máy; 1 trạm bơm tiêu Ba Tàu mất 1 pha điện đang khắc phục để tiêu úng. Không có thiệt hại về đê điều.

Mực nước sông dâng cao, khẩn trương khắc phục hậu quả do bão- Ảnh 2.

Lãnh đạo huyện Quốc Oai đi kiểm tra tình hình thực tế và triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả do bão số 3. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Hiện chưa có thiệt hại về người do thiên tai gây ra. Nhưng về cơ sở vật chất có 2 cột điện đèn cao áp xã Ngọc Liệp, Ngọc Mỹ bị gãy đổ; 2 mái tôn một nhà chăn nuôi ngoài đồng xã Tuyết Nghĩa và Cấn Hữu bị tốc mái; 5 mái nhà hộ dân xã Ngọc Mỹ, Đồng Quang bị tốc mái; 1 cột điện tại xã UBND xã Yên Sơn và 1 cột điện tại xã Tuyết Nghĩa và 1 cột điện tại xã Cấn Hữu bị đổ. Theo đó, Công ty điện lực Quốc Oai đã chủ động phối hợp với UBND các xã thị trấn để khắc phục kịp thời, không gây nguy hiểm cho nhân dân.

Để khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra, Ban chỉ huy PCTT & TKCN huyện Quốc Oai đã triển khai các giải pháp, nhiệm vụ cấp bách cần thực hiện. Theo đó đã chỉ đạo UBND các xã, trị trấn chủ động tổ chức giải tỏa kịp thời cây đổ, gãy không để ùn tắc giao thông. Đồng thời, rà soát cây xanh, kiểm tra, cắt tỉa ngay cây nặng tán, chặt hạ những cây xanh có nguy cơ đổ, gẫy mất an toàn không để xảy ra trường hợp cây gãy đổ gây tai nạn cho người, phương tiện, tài sản của nhân dân và nhà nước.

Duy trì chế độ trực 24/24h tại Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện và lịch trực tăng cường ứng phó với cơn bão số 3 của UBND huyện; UBND các xã, thị trấn, các điếm canh đê cũng như các đơn vị liên quan, kịp thời xử lý các sự cố khi xảy ra. Kịp thời cập nhật thông tin, dự báo, cảnh báo tình hình thiên tai, sự cố để nắm bắt, chỉ đạo.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ của các phòng, ban ngành, đơn vị và UBND các xã, thị trấn căn cứ nhiệm vụ được giao của Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Quốc Oai rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng chống thiên tai, chuẩn bị các phương án ứng phó trong mọi tình huống theo phương châm "Ba sẵn sàng", " Bốn tại chỗ", khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo các phương án đã được phê duyệt.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua hệ thống thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội, vận động người dân hạn chế tối đa đi ra ngoài đường, chỉ thực sự có việc cần thiết mới ra ngoài trong thời gian diễn ra mưa bão để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản. Tiếp tục kiểm tra, rà soát các công trình, nhà ở có nguy cơ ngập lụt, đổ sập, tốc mái, nhà hộ độc thân, neo đơn, người gia, người yếu thế… để di dời đến nơi an toàn. Tăng cường kiểm tra, tuyên truyền vận động, người dân hạn chế tối đa ra ngoài đường, quay trở lại nhà cũ trong thời gian bão đổ bộ; thăm hỏi, động viên, chăm lo cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn,…

Đồng thời vận hành tối đa các trạm bơm tiêu để tiêu thoát nước cạn nước đệm cho các khu vực sản xuất nông nghiệp trước khi xảy ra mưa lớn.

Mực nước sông dâng cao, khẩn trương khắc phục hậu quả do bão- Ảnh 3.

Các lực lượng địa phương cắt tỉa cây gẫy đổ sau bão. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh khi bão, lũ, ngập úng xảy ra; đảm bảo an toàn đê điều, thủy lợi, giao thông, phòng chống cháy nổ, an toàn lưới điện, thông tin, chiếu sáng, nước sạch, vệ sinh môi trường, rò rỉ chất thải, hóa chất độc hại, phòng chống dịch bệnh, trật tự, an toàn xã hội,…

Hướng dẫn nhân dân chuẩn bị vật tư, hóa chất, phương tiện, dụng cụ bảo vệ an toàn sản xuất; kịp thời di dời vật nuôi, cây trồng đến những khu vực an toàn; bám sát cơ sở hướng dẫn triển khai các quy trình bảo quản nông sản, chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng, trừ bệnh hại, vệ sinh đồng ruộng, chuồng trại chăn nuôi cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản trong và sau khi bão đi qua; chuẩn bị dự phòng cơ số cây, con giống để sẵn sàng gieo trồng ngay khi bão tan…để phục hồi ổn định sản xuất.

Tại huyện Thạch Thất, mưa bão đã làm cho hàng trăm cây xanh bị gãy đổ, nhiều diện tích lúa mùa bị đổ.

Theo đó, công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do bão số 3 đã được các ngành chức năng, đơn vị, địa phương và người dân chủ động ứng phó. Trong đó triển khai bơm tiêu nước đệm bảo đảm tiêu úng, hạn chế tối đa thiệt hại đối với diện tích sản xuất nông nghiệp; xử lý các cây đổ, gãy trên các trục đường giao thông đã được lực lượng chức năng từ huyện đến cơ sở kịp thời khắc phục nhằm đảm bảo an toàn giao thông thông suốt, tránh ách tắc giao thông.

Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện yêu cầu Ban chỉ huy PCTT&TKCN các xã, thị trấn trong bất kỳ tình huống nào cũng phải nêu cao tinh thần ứng phó với bão, không chủ quan lơ là. Chủ động, sẵn sàng phương châm "4 tại chỗ". Tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân nâng cao ý thức phòng chống bão, kịp thời theo dõi các bản tin dự báo thời tiết và khuyến cáo phòng chống bão từ chính quyền địa phương và trên các phương tiên thông tin đại chúng, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.

Thiện Tâm

Top