Năm 2024: Hà Nội tiếp tục phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ

11/02/2024 8:00 AM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội là địa phương đi đầu trong việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc phân cấp, ủy quyền trong giải quyết TTHC, giải quyết công việc, phát huy mọi nguồn lực cho phát triển Thủ đô.

Năm 2024: Hà Nội tiếp tục phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ- Ảnh 1.

Năm 2024, các quận, huyện, thị xã của Hà Nội tiếp tục được phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ - Ảnh: VGP/GH

Tăng tính chủ động cho các địa phương

Sau hơn 1 năm Hà Nội triển khai đề án về đẩy mạnh phân cấp, uỷ quyền để phát huy mọi nguồn lực cho phát triển, theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải, Thành phố đã điều chỉnh bổ sung quy định phân cấp cho cấp huyện của 09 lĩnh vực.

Cụ thể, đã phân cấp cho cấp huyện: Đầu tư, cải tạo, nâng cấp, mở rộng trường trung học phổ thông; đầu tư hệ thống nước sạch ở vùng sâu, vùng xa; công trình xử lý nước thải cục bộ không kết nối được với hệ thống thu gom nước, xử lý nước thải tập trung của Thành phố; đầu tư chợ hạng 1; cấp điện chiếu sáng ngõ, ngách trên địa bàn các quận; về quản lý tượng đài tranh hoàng tráng; quản lý di tích; bến, bãi đỗ xe; đèn tín hiệu giao thông.

Đánh giá sau 1 năm đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, Phó Chủ tịch Hà Minh Hải cho biết đã tăng tính chủ động cho các quận, huyện, thị xã có năng lực tổ chức triển khai, có nguồn lực tốt có khả năng cân đối được ngân sách, có năng lực tổ chức thực hiện tốt thì được sử dụng ngân sách cấp huyện để thực hiện các dự án nhiệm vụ chi ngân sách cấp Thành phố (không phân biệt tính chất, quy mô, loại hình, lĩnh vực dự án).

Đối với các dự án này, Thành phố ủy quyền cho cấp huyện toàn bộ các thủ tục hành chính được phép theo quy định: Giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư; thẩm định và phê duyệt dự án, thẩm định và phê duyệt dự toán; thẩm định và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thẩm định và phê duyệt quyết toán.

Các quận, huyện, thị xã được tự chủ, tự thực hiện các thủ tục hành chính, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp (như tự cân đối ngân sách, tự thực hiện thủ tục đầu tư các dự án đối với các lĩnh vực theo phân cấp; được cấp phép theo thủ tục hành chính, kiểm tra, giám sát…).

Theo Phó Chủ tịch Hà Minh Hải, việc phân cấp, ủy quyền như trên sẽ giải phóng được nguồn lực của các quận, huyện có nguồn lực tốt, tăng tính chủ động, cải cách hành chính thực chất cho cấp huyện; đáp ứng mong muốn, đề xuất từ cơ sở, đặc biệt là các huyện có Đề án thành lập quận đang có nhu cầu đầu tư rất lớn để hoàn thành các tiêu chí lên quận.

Từ phân cấp, ủy quyền, từ tháng 9/2022 đến kỳ họp HĐND Thành phố tháng 9/2023, có 14 quận, huyện, thị xã đã đề xuất và được HĐND Thành phố chấp thuận tại các kỳ họp của HĐND Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư 55 dự án sử dụng ngân sách cấp huyện để thực hiện các nhiệm vụ chi cấp Thành phố với tổng kinh phí trên 22.670 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch cho biết, các nội dung khi triển khai ủy quyền phải xác định lấy việc phục vụ người dân, giảm thời gian, giảm công sức, đơn giản nhất có thể để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Phân cấp, ủy quyền TTHC mang lại lợi ích thiết thực cho người dân

Còn theo Phó Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội Cù Ngọc Trang, sau 1 năm triển khai thực hiện Quyết định về việc phê duyệt phương án ủy quyền giải quyết TTHC, trên địa bàn, toàn Thành phố đã ban hành quyết định ủy quyền đối với 574/613 TTHC đạt 94%; đã tham mưu UBND Thành phố công bố TTHC đối với 574 TTHC được ủy quyền (đạt tỷ lệ 100%); phê duyệt 578 quy trình nội bộ đạt tỷ lệ 100%, (do 04 TTHC có ủy quyền về 2 đơn vị thực hiện).

Đối với 39 TTHC chưa ủy quyền do vướng mắc, khó khăn đều đang thực hiện theo quy trình nội bộ TTHC đã được Thành phố ban hành theo quy định.

Trên cơ sở phương án được phê duyệt, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và pháp luật liên quan để ban hành các quyết định cá biệt để ủy quyền việc giải quyết thủ tục hành chính cụ thể trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể (điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác).

Việc ủy quyền TTHC mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính; giúp chính sách, các quy định của pháp luật được thực hiện nhanh chóng, chính xác; rút ngắn khoảng cách giữa cơ quan hành chính nhà nước các cấp với người dân, doanh nghiệp; đơn giản hóa quy trình, hồ sơ của TTHC, qua đó rút ngắn thời gian giải quyết, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính.

Việc ủy quyền giải quyết TTHC đã tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC tiết giảm thời gian, chi phí; đồng thời đã giảm tải áp lực công việc cho sở, ngành, để đơn vị tập chung hơn cho nhiệm vụ tham mưu xây dựng chính sách, quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực trên địa bàn Thành phố.

Phó Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội Cù Ngọc Trang cũng cho biết, việc thực thi phương án ủy quyền trong giải quyết TTHC đã đem lại hiệu ứng, khí thế tích cực công tác cải cách TTHC nói riêng, cải cách hành chính của Thành phố nói chung.

Hà Nội là địa phương đi đầu trong việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc phân cấp, ủy quyền trong giải quyết TTHC, công việc.

Chính vì vậy, năm 2024, Hà Nội tiếp tục để phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, đơn giản hóa thủ tục hành chính, mang lại những lợi tích thiết thực nhất cho người dân được thụ hưởng.

Năm 2024: Hà Nội tiếp tục phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ- Ảnh 5.

Việc phân cấp, ủy quyền sẽ giải phóng được nguồn lực của các quận, huyện có nguồn lực tốt, tăng tính chủ động cho địa phương - Ảnh: VGP/Gia Huy

Đẩy mạnh phân cấp quản lý các lĩnh vực kinh tế-xã hội

Do phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ, năm 2023, các quận, huyện, thị xã đã triển khai thực hiện tốt công tác quản lý ở nhiều lĩnh vực.

Công tác duy trì vệ sinh môi trường, việc quản lý, giám sát đã được triển khai sâu rộng từ các phòng, ban chuyên môn đến cấp phường, nâng cao vai trò, trách nhiệm của địa phương trong việc phối hợp duy trì vệ sinh đường phố, địa bàn sạch sẽ. Việc thực hiện cơ giới hóa công tác quét hút đường phố, đặc biệt là cơ giới hóa công tác thu gom, vận chuyển rác thải đã đạt hiệu quả tỷ lệ thu gom vận chuyển rác được thực hiện trong ngày, ít xuất hiện tình trạng tồn rác qua đêm.

Trong các ngày diễn ra các sự kiện trọng đại, các kỳ cuộc phát sinh trên địa bàn, các tuyến phố chính, tuyến xuyên tâm đều được thực hiện tăng cường duy trì sạch sẽ, không có rác phát sinh trên phố. Kịp thời thu dọn rác thải, phế thải xây dựng đổ trộm trên địa bàn; vỉa hè, dưới lòng đường, giải phân cách, vườn hoa thảm cỏ cơ bản đảm bảo sạch sẽ, đường phố sạch sẽ; nhà vệ sinh công cộng cơ bản đảm bảo vệ sinh sạch sẽ phục vụ người dân.

Các quận, huyện, thị xã cũng tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp quản lý các bãi đỗ xe trên địa bàn theo quy hoạch. Các bãi, điểm đỗ xe trên hè đường, lòng đường do cấp huyện quản lý và các điểm đỗ xe trong các khu dân cư, trung tâm thương mại và khu vực công cộng khác trên địa bàn.

Về quản lý cấp nước sạch, các quận, huyện, thị xã đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn quản lý, giám sát các đơn vị cung cấp nước sạch trên địa bàn, đảm bảo giá bán cho từng đối tượng cụ thể trên địa bàn theo khung giá bán Thành phố quy định; Phối hợp với các đơn vị cấp nước bảo vệ an toàn hệ thống cấp nước, thực hiện phối hợp điều chỉnh đường cấp nước dân sinh khi thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật; Thành lập đoàn kiểm tra chất lượng nước sạch nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước đầu ra để cung cấp cho Nhân dân.

Sau 1 năm triển khai đề án về phân cấp, ủy quyền, UBND TP. Hà Nội đánh giá, còn có những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, năm 2024, các quận, huyện, thị xã của Hà Nội tiếp tục được phân cấp mạnh mẽ sẽ cân đối nguồn lực, lựa chọn nhiệm vụ ưu tiên hợp lý, tổ chức thực hiện hiệu quả để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, phát huy mọi nguồn lực cho phát triển Thủ đô.

Tiếp tục rà soát, xây dựng phương án kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế, tăng cường đào tạo cán bộ gắn với phương án phân cấp ủy quyền và giải quyết thủ tục hành chính tại các đơn vị. Thực hiện kỷ luật, kỷ cương ngân sách, nguyên tắc của phân cấp: "Trách nhiệm, quyền hạn của cấp chính quyền nào thì cấp đó phải làm". Các quận, huyện, thị xã ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ đã được phân cấp trước khi thực hiện các nhiệm vụ của Thành phố bằng nguồn ngân sách cấp huyện trong khả năng cân đối.

Thành phố cũng tiếp tục rà soát, xem xét, giải quyết đề xuất của các quận, huyện, thị xã đề xuất thay đổi quy mô đầu tư, tăng tổng mức đầu tư của từng dự án xây dựng mới, cải tạo sửa chữa các trường trung học phổ thông được phân cấp đầu tư cho cấp huyện phù hợp với chỉ tiêu, tiêu chuẩn của ngành, với yêu cầu đảm bảo hiệu quả, không lãng phí vốn ngân sách.

Gia Huy

Top