Nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt là yếu tố sống còn
(Chinhphu.vn) - “Quản lý nhà nước tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp cũng phải xác định mục tiêu tăng sản lượng, tăng doanh thu, nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt là yếu tố sống còn. Không thể ỷ lại, trông chờ vào trợ giá”.
Đó là khẳng định của Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội Nguyễn Phi Thường tại Hội nghị đối thoại với 11 doanh nghiệp khai thác, vận hành xe buýt ngày 27/2 vừa qua, giữa Sở GTVT với các đơn vị cung ứng dịch vụ xe buýt của Hà Nội.
Hiệu quả sụt giảm
Nhiều vấn đề tồn tại, bất cập đã được các nhà quản lý, chuyên gia chỉ ra, cho thấy hiệu quả của loại hình vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) này đang sụt giảm.
Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông công cộng TP. Hà Nội (Tramoc) Thái Hồ Phương cho biết, trong năm 2022 sản lượng VTHKCC bằng xe buýt đạt 340 triệu lượt hành khách, chỉ bằng khoảng 60% so với thời điểm trước đại dịch COVID-19. Năm 2022, Hà Nội đặt mục tiêu cho VTHKCC phải giải quyết được 21,5%-23% nhu cầu đi lại của nhân dân, nhưng thực tế chỉ đạt được 18%.
Đầu tiên phải kể đến những khó khăn khách quan đã tồn tại từ rất lâu, khiến mạng lưới xe buýt Thủ đô bị ảnh hưởng nặng nề, khiến xe buýt ngày càng không hấp hẫn với số đông người dân. Đó là việc thiếu làn đường dành riêng khiến xe buýt phải thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt trong khung giờ cao điểm.
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Thủy chia sẻ, hạ tầng dành riêng cho xe buýt là yếu tố có ảnh hưởng hết sức quan trọng đến sản lượng khách. Phải chen chúc, giành giật với các loại phương tiện khác khiến thời gian vận hành mỗi chuyến buýt kéo dài, không bảo đảm yêu cầu đi lại của người dân.
Mặt khác, lãnh đạo Tramoc cũng chỉ ra những tồn tại như: Hạ tầng dành cho xe buýt còn thiếu và chưa bảo đảm theo quy hoạch. Trong quá trình mở mới các tuyến buýt, việc bố trí điểm dừng còn có chỗ chưa hợp lý. Việc nghiên cứu tổ chức làn đường dành riêng cho xe buýt, phát triển các điểm trung chuyển còn chưa đạt được kết quả theo yêu cầu dẫn đến việc tiếp cận xe buýt của người dân còn khá khó khăn ở nhiều nơi. Một số đoạn tuyến vỉa hè không đủ rộng để lắp đặt nhà chờ, thậm chí còn không có cả vỉa hè để lắp đặt điểm dừng. Hạ tầng xe buýt bị xâm phạm, biến thành điểm bán hàng rong, dừng đỗ xe... ảnh hưởng không nhỏ đến công tác vận hành của xe buýt và an toàn của hành khách khi đi xe.
Khó khăn về hạ tầng còn ảnh hưởng rõ rệt đến chất lượng dịch vụ của xe buýt. Phó Giám đốc Công ty CP Xe điện Hà Nội Đào Việt Dũng cho rằng, việc thường xuyên phải lái xe trong tình trạng ùn tắc giao thông tạo nên áp lực nhất định ảnh hưởng đến thái độ phục vụ của nhân viên xe buýt.
Mục tiêu cao nhất là hành khách
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội đã chia sẻ với khó khăn của các doanh nghiệp xe buýt của Thành phố, đặc biệt trong 3 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và biến động giá nhiên liệu vừa qua. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước cũng yêu cầu doanh nghiệp xe buýt xác định rõ mục tiêu sống còn của mình là hành khách. Sản lượng khách sụt giảm, các doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường đánh giá, xe buýt hiện đang có hàng loạt vấn đề tồn tại về chất lượng dịch vụ, tính hiệu quả của chi phí trợ giá...
"Quản lý nhà nước tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp cũng phải xác định mục tiêu tăng sản lượng, tăng doanh thu, nâng cao chất lượng dịch vụ là yếu tố sống còn. Không thể ỷ lại, trông chờ vào trợ giá", ông Nguyễn Phi Thường nói.
Có thể thấy, không chỉ những khó khăn khách quan mà nội tại nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ xe buýt đang còn những bất cập trong quản lý, điều hành, xao nhãng vấn đề chất lượng phục vụ, khiến người dân có xu hướng từ bỏ xe buýt.
Mặt khác, Hà Nội hiện chưa có công cụ nào để đánh giá chất lượng của xe buýt, tất cả các DN đều bị cào bằng, làm tốt cũng như không tốt, khiến doanh nghiệp chưa thực sự chú tâm vào hình ảnh và chất lượng dịch vụ.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường thẳng thắn nói: "Đâu đó vẫn còn có doanh nghiệp chỉ muốn tuyến của mình dài, có hành khách hay không, sản lượng tăng hay không cũng không quan tâm lắm. Đây là sự khấp khểnh, bất cập trong phương pháp tiếp cận quản lý. Có doanh nghiệp ỷ lại chỉ muốn làm sao được điều chỉnh khối lượng, tăng trợ giá lên, còn lại không quan tâm có hành khách hay không".
Sở GTVT sẽ có những điều chỉnh trong công tác đấu thầu các tuyến buýt mới tới đây để tập trung vào tiêu chí chất lượng.
Đồng thời, đánh giá lại các tuyến đang vận hành, điều chỉnh linh hoạt để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách. Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ, hiệu quả của các tuyến buýt dựa trên: Sản lượng, doanh thu, trợ giá... để điều chỉnh, thậm chí dừng các tuyến không hiệu quả.
"Không thể để tình trạng có tuyến trợ giá tới 95%-96% được. Đây là lãng phí, sử dụng không hiệu quả ngân sách", ông Nguyễn Phi Thường nói.
Sở GTVT đã đề xuất với UBND TP. Hà Nội cho mời đơn vị tư vấn độc lập vào đánh giá tổng thể mạng lưới xe buýt của Thành phố. Cùng với đó, chuẩn bị triển khai Thẻ vé điện tử liên thông để bảo đảm minh bạch doanh thu, thuận tiện cho hành khách khi sử dụng xe buýt.
Vị lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng quyết liệt yêu cầu, các doanh nghiệp phải đồng hành với quản lý nhà nước, hướng tới mục tiêu tối thượng là vì cộng đồng; sản lượng hành khách, doanh thu bán vé là yếu tố sống còn. Doanh nghiệp cần chủ động đề xuất các giải pháp tăng sản lượng, tăng doanh thu, cải thiện chất lượng phục vụ, nhất là thái độ của nhân viên.
Hoàng Phương