Nâng cao chất lượng hàng hóa dịp Tết

16/12/2022 12:02 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày Tết thì không thể thiếu những món ăn truyền thống như bánh chưng, giò chả, bánh mứt kẹo, rượu bia... Đây là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm; tuy nhiên vấn đề an toàn thực phẩm luôn là nỗi lo thường trực của mỗi gia đình.

Nâng cao chất lượng hàng hóa dịp Tết - Ảnh 1.

Nâng cao chất lượng hàng hóa dịp Tết. Ảnh: VGP/Bích Phương

Thực phẩm không rõ nguồn gốc gia tăng

Tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, quá hạn có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Vì vậy, các lực lượng chức năng đã đẩy mạnh các giải pháp nhằm kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn từ xa các hành vi vi phạm pháp luật.

Mới đây, ngày 1/12, Đội Quản lý thị trường số 22 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp Đội 4, Phòng Cảnh sát Môi trường và Công an quận Bắc Từ Liêm tiến hành kiểm tra đột xuất một cơ sở kinh doanh tại phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm phát hiện 1 tấn ức vịt và 180 kg cánh gà đông lạnh.

Chủ hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ, không có căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ hàng hóa. Do đó, toàn bộ số thực phẩm trên đã bị thu giữ và tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Phòng 6, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 17 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) triệt phá một kho hàng thực phẩm đông lạnh với quy mô lớn tại địa bàn huyện Mê Linh, Hà Nội. Bên trong các thùng hàng chủ yếu chứa các sản phẩm thực phẩm đã qua sơ chế như chân gà, móng lợn, dê muối và nhiều đùi lợn muối có nhãn mác nước ngoài…

Một điểm chung là tất cả sản phẩm đều được nhập khẩu và đều là lô hàng 3 không: Không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch và không được cấp phép nhập khẩu theo quy định. Về cảm quan khó phát hiện ra là thực phẩm bẩn nhưng trên tem mác cho thấy nhiều thực phẩm đã hết hạn từ 1 năm, thậm chí là gần 2 năm.

Theo các chuyên gia, vấn nạn thực phẩm bẩn liên tiếp bị phát hiện xử lý, nhưng khó có thể dập tắt trong thời gian qua là do lợi nhuận đem lại quá lớn. Bên cạnh đó còn do một bộ phận người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn những mặt hàng giá rẻ. Lợi dụng nhu cầu đó, các đối tượng đã vận chuyển thực phẩm quá hạn sử dụng, hàng nhập lậu vào Việt Nam tiêu thụ khiến tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm diễn biến phức tạp…

Ngăn chặn vấn nạn về "thực phẩm bẩn"

Nâng cao chất lượng hàng hóa dịp Tết - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa. Ảnh: VGP/BP

Để ngăn chặn vấn nạn về "thực phẩm bẩn", ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho rằng công tác kiểm soát chất lượng hàng hóa phải dựa trên các quy chuẩn và tiêu chuẩn và phải làm thường xuyên.

"Vấn đề cần lưu ý và quan tâm là cơ quan quản lý cũng như tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử lý, nhằm ngăn chặn các vi phạm," ông Hùng nhấn mạnh.

Hiện nay, để tăng cường kiểm soát hàng hóa, nhiều siêu thị cũng tăng cường các biện pháp để truy xuất nguồn gốc, tập trung vào các nguồn thực phẩm an toàn.

Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Giám đốc vận hành hệ thống siêu thị WinMart cho hay, ngoài tổ chức các chương trình khuyến mại lớn, kích cầu mua sắm, đóng góp đáng kể cho doanh thu và lợi nhuận mà hệ thống thì siêu thị còn đặc biệt chú trọng vào việc phục vụ khách hàng với những hàng hóa đa dạng, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đặc biệt hàng hóa tươi sống, hàng hóa Tết…

Nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng đã ban hành Kế hoạch số 302/KH-UBND bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023. Theo kế hoạch, từ nay đến hết ngày 12/3/2023, TP. Hà Nội lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm, qua đó tập trung thanh kiểm tra vào những nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết, lễ hội và có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm…

Đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đã được triển khai đồng bộ tới tất cả các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội. Các đoàn kiểm tra liên ngành về vấn đề an toàn thực phẩm tổ chức nhiều đợt thanh, kiểm tra những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm…

Ngoài công tác kiểm tra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cũng tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm từ cấp thành phố đến quận, huyện, xã, phường. Tăng cường tuyên truyền, tập huấn nâng cao kỹ năng thực hành về an toàn thực phẩm đối với người chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng cũng luôn được cơ quan chức năng tổ chức một cách đồng bộ…

Có thể thấy, để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong Tết Nguyên đán sắp tới, bên cạnh sự vào cuộc của các lực lượng chức năng còn đòi hỏi các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần tuân thủ nghiêm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, tuyệt đối không sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc, không an toàn; không quảng cáo sai về bản chất, tác dụng của sản phẩm thực phẩm.

Ở chiều ngược lại người tiêu dùng không nên ham rẻ để sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Chỉ nên mua thực phẩm tại những địa chỉ uy tín, bảo  đảm chất lượng, nói không với những sản phẩm có tem nhãn in không rõ ràng, để tránh mua hàng giả, hàng nhái…

Diệu Anh

Top