Nâng cao chất lượng quản lý vật tư, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản
(Chinhphu.vn) - Mặc dù công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn Hà Nội thời gian qua đã được đẩy mạnh nhưng thực tế cho thấy vẫn còn nhiều bất cập, số mẫu vi phạm các chỉ tiêu và số cơ sở được giám sát có vi phạm vẫn còn cao.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, năm 2022 đơn vị đã tổ chức lấy 2.585 mẫu nông sản, thực phẩm. Kết quả phân tích cho thấy, có 2.433/2.585 mẫu đạt (chiếm 94,12%); còn lại 152 mẫu vi phạm các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm (chiếm 5,88%).
Thông qua kết quả phân tích đã phát hiện số mẫu vi phạm đối với thủy sản và sản phẩm chế biến cần được lưu ý, cảnh báo, trong đó có 37 mẫu thủy sản vi phạm về chỉ tiêu tồn dư Leucomalachite Green; 22 mẫu chế biến vi phạm là mẫu chế biến thịt gia nhiệt phát hiện tồn dư chất bảo quản Natribenzoat, Acid Benzoic không đúng đối tượng thực phẩm. Bên cạnh đó, trong số 152 mẫu chưa đạt chất lượng, có 23 mẫu vi phạm các chỉ tiêu vi sinh Salmonella; 129 mẫu sản phẩm vi phạm các chỉ tiêu hoá học, chủ yếu là sản phẩm thuỷ sản tươi sống, thịt, rau củ, trái cây, thực phẩm chế biến, nông sản khô, muối, nhuyễn thể và nước mắm.
Số lượng sản phẩm thuỷ sản tươi sống vi phạm các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm chiếm tỷ lệ cao nhất với 68 mẫu; tiếp đến là các sản phẩm chế biến với 37 mẫu. Chỉ tiêu hoá học vi phạm chủ yếu là: Leucomalachite Green, Ciprofloxacin, Enrofloxacin, Chloramphenicol, Natribenzoat, Axit Sorbic…
Để bảo đảm an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, trong năm 2022, Chi cục đã tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với 120 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm sản và thuỷ sản. Thông qua đó đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đối với 10 cơ sở, chiếm 8,33% tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra, với tổng số tiền hơn 85 triệu đồng. Đồng thời tổ chức 206 lớp tập huấn, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm, từ đó từng bước nâng cao nhận thức cho các thành phần kinh tế. Ngoài ra, ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người dân.
Thực tế cho thấy, dù đã tăng cường công tác tuyên truyền và thanh, kiểm tra nhưng vẫn còn tình trạng vi phạm. Với tỷ lệ gần 6% mẫu thực phẩm không bảo đảm các chỉ tiêu hoá học, sinh học và hơn 8,3% số cơ sở được giám sát có vi phạm cho thấy vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều bất cập.
Vì vậy, theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, để khắc phục những hạn chế, bất cập, trong năm 2023 ngành sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến và đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong đó, nâng cao năng lực quản lý chất lượng vật tư và an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp cũng như nhận thức, thực hành đúng về an toàn thực phẩm cho người quản lý, người sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm nông lâm thủy sản. Đảm bảo an toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản phục vụ đặc biệt là những ngày lễ, Tết trong năm.
Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm về chất lượng vật tư và an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông sản, thủy sản, phân bón, thức ăn chăn nuôi thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật và các hóa chất, chất cấm sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.
Phát triển sản xuất nông nghiệp, chú trọng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó cần thực hiện tốt các quy hoạch phát triển nông nghiệp, vùng sản xuất chuyên canh tập trung, quy hoạch giết mổ. Khuyến khích áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết chuỗi sản xuất tiêu thụ thực phẩm an toàn. Duy trì, phát triển thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản thủy sản an toàn. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm nông sản bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.
Đồng thời kiểm soát chặt chẽ, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm các sản phẩm nông lâm thủy sản, sản phẩm OCOP trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ và khi lưu thông trên thị trường. Nâng cao hoạt động quản lý nhà nước về tự công bố sản phẩm nông lâm thủy sản. Tăng cường giám sát chất lượng, cảnh báo nguy cơ, truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, duy trì và phát triển ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QRcode truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nâng cao năng lực hệ thống kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng vật tư và an toàn thực phẩm nông nghiệp.
Thiện Tâm