Nâng cao chất lượng sản xuất từ mô hình lúa VietGAP

06/06/2024 5:43 PM

(Chinhphu.vn) - Xây dựng mô hình Sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm, nhằm tạo ra sản phẩm gạo an toàn, hướng đến sản phẩm gạo sạch. Từ đó, góp phần nâng cao sức khoẻ cộng đồng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và tạo chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho người sản xuất.

Nâng cao chất lượng sản xuất từ mô hình lúa VietGAP- Ảnh 1.

Mô hình trồng lúa VietGAP tại xã Liên Hà, huyện Đông Anh mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Ảnh: VGP/TT.

Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, để đẩy mạnh phát triển sản xuất lúa chất lượng cao, thời gian qua Trung tâm đã triển khai nhiều mô hình lúa VietGAP tại một số huyện trên địa bàn TP. Hà Nội. Trong đó mô hình sản xuất lúa chất lượng cao gắn với tiêu thụ sản phẩm tại xã Liên Hà, huyện Đông Anh đến nay đã cho kết quả và chất lượng tốt.

Liên Hà là một xã nông nghiệp nằm ở phía đông huyện Đông Anh. Ngoài sản xuất nông nghiệp, Liên Hà còn là xã phát triển tốt nghề mộc truyền thống, hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 370 cơ sở chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất, sản phẩm được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Với việc phát triển nghề mộc truyền thống như vậy đã thu hút phần lớn lao động của địa phương dẫn đến việc thiếu hụt nguồn lao động cho sản xuất nông nghiệp, dẫn đến giá công lao động lúc thời vụ tăng cao.

Mặt khác tập quán canh tác nhiều năm của bà con nông dân trong sản xuất lúa là sử dụng chủ yếu phân bón hóa học, gây ra tình trạng đất đai bị chua, bạc màu, dần mất đi độ tơi xốp và độ phì tự nhiên. Trong những năm gần đây nhu cầu của thị trường đòi hỏi sản phẩm lúa gạo sản xuất ra phải có chất lượng và an toàn với cả người sản xuất và người người tiêu dùng, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, để bà con nông dân xã Liên Hà dần thay đổi tập quán canh tác, vụ xuân năm 2024 được sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Đông Anh, sự nhất trí của xã Liên Hà, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp xã Liên Hà đã triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Theo kế hoạch, trong năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội thực hiện mô hình với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp xã Liên Hà về việc thực hiện mô hình này, với diện tích 40ha/ 2 vụ (vụ xuân 20ha đối với giống TBR225 có gen kháng bạc lá, vụ mùa 20ha với giống lúa cái hoa vàng Đông Triều ). Địa điểm triển khai tại xứ đồng Dậy, Đồng Dòng, Bãi Lẽ - thôn Hà Phong - xã Liên Hà, huyện Đông Anh, với sự tham gia của 168 hộ. Sau sản xuất, công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed - chi nhánh Hà Nội sẽ bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Nâng cao chất lượng sản xuất từ mô hình lúa VietGAP- Ảnh 2.

Giống lúa TBR225 (có gen kháng bạc lá, cấp giống xác nhận 1, giống lúa đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo quy định. Ảnh: VGP/TT.

Trong quá trình triển khai, các hộ tham gia đã được nhận hỗ trợ và mua đối ứng đầy đủ giống, vật tư đảm bảo tiêu chuẩn, quy cách, chất lượng; thực hiện trồng và chăm sóc cơ bản theo đúng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao theo VietGAP.

Mặc dù thời tiết vụ xuân diễn biến tương đối phức tạp do thời tiết nắng mưa xen kẽ liên tục, sâu cuốn lá thuận lợi cho sâu cuốn lá nhỏ phát sinh gây hại các lứa gối nhau, dẫn đến công tác tổ chức phòng trừ gặp khó khăn. Tuy nhiên, do có sự chỉ đạo kịp thời của cán bộ kỹ thuật cùng sự bám sát mô hình của ban lãnh đạo hợp tác xã, sự quan tâm của Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện và sự chỉ đạo sát sao của Trung tâm Khuyến nông Thành phố, các hộ dân đã tiến hành phun thuốc kịp thời nên đã hạn chế tối đa sự gây hại của sâu bệnh. Kết quả lúa sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao.

Trong quá trình triển khai mô hình, Phòng Khuyến nông Trồng trọt - Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã cử cán bộ theo dõi, phối hợp với cán bộ kỹ thuật của Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Đông Anh thường xuyên nắm tiến độ thực hiện và báo cáo tiến độ định kỳ theo yêu cầu.

Qua đánh giá mô hình cho thấy, ngoài hiệu quả kinh tế, hiệu quả lớn hơn mà không đo đếm được là hiệu quả về môi trường và sức khỏe cộng đồng, đáp ứng nền sản xuất nông nghiệp bền vững. Việc sản xuất lúa theo hướng VietGAP góp phần cải tạo lý hóa tính của đất, giảm dư lượng các chất độc hại trong đất cũng như trong sản phẩm hạt gạo.

Đồng thời tạo ra sản phẩm gạo an toàn, hướng đến sản phẩm gạo sạch, góp phần xây dựng vùng trồng lúa khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, nâng cao sức khoẻ cộng đồng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Mô hình cũng là nơi tham quan học tập, làm tiền đề phát triển nhân rộng và từng bước tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, chất lượng.

Thiện Tâm

Top