Nâng cao chất lượng toàn diện trong ngành giáo dục Hà Nội
(Chinhphu.vn) - Năm học 2018 - 2019, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đã triển khai tích cực 9 nhóm nhiệm vụ và 5 nhóm giải pháp trọng tâm mà Bộ GD&ĐT đề ra. Qua đó đạt được kết quả toàn diện trong các hoạt động giáo dục.
Hội nghị trực tuyến về Tổng kết năm học 2018 - 2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020. Ảnh: Quang Hiếu |
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về Tổng kết năm học 2018 - 2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 được tổ chức sáng nay 6/8, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết: Thời gian vừa qua, thành phố Hà Nội đã quan tâm rà soát mạng lưới trường học theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, tập trung xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu của Ngành. Trong năm học 2018 - 2019, Hà Nội đầu tư xây dựng 70 trường học mới, sửa chữa 387 trường học với tổng kinh phí trên 5.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội còn tập trung xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia và coi đây là giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cũng như phát triển toàn diện các trường học. Năm học vừa qua, Hà Nội đã công nhận đạt chuẩn quốc gia thêm 121 trường, nâng tỉ lệ trường chuẩn quốc gia của thành phố đạt trên 66,7%.
Thành tích của học sinh Thủ đô đạt được qua các kỳ thi quốc gia, quốc tế được nâng cao về chất lượng, số lượng. Hà Nội tiếp tục khẳng định là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước với 197 giải, huy chương các loại cả trong nước và quốc tế. Đặc biệt trong kỳ thi Olympic Hóa học Quốc tế và Olympic Vật lý Quốc tế, học sinh Hà Nội đều đạt giải cao, góp phần vào thành tích chung của cả nước.
Ngoài ra, Hà Nội cũng đã thực hiện tốt công tác tuyển sinh đầu cấp cũng như kỳ thi THPT quốc gia; triển khai nhiều chương trình hội nhập quốc tế như: Chương trình song bằng, kỳ thi Toán học mở rộng, quản lý chặt chẽ và đúng quy định đối với các trường quốc tế trên địa bàn; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dạy và học; thực hiện tuyển sinh trực tuyến mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, đáp ứng tình minh bạch trong công tác tuyển sinh; triển khai tốt đề án “Sữa học đường” với tỷ lệ học sinh tham gia đạt 87,7% (khu vực công lập đạt 92,5%); quan tâm giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cũng thẳng thắn nêu rõ một số hạn chế của ngành GD&ĐT Thủ đô như: Lạm thu, dạy thêm sai quy định, bạo lực học đường, thiếu trường học cục bộ đặc biệt trong các trường nội đô, các trường trong khu đô thị mới...
Đồng thời kiến nghị Bộ GD&ĐT một số vấn đề liên quan đến quy hoạch mạng lưới trường học, đào tạo bồi dưỡng giáo viên, xây dựng cơ chế hướng nghiệp cho học sinh phổ thông...
Vĩnh Hoàng