Nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

23/07/2024 6:00 PM

(Chinhphu.vn) - Huyện Quốc Oai là vùng có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, thời gian qua, huyện Quốc Oai đã quan tâm đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời tạo điều kiện phát triển bình đẳng, toàn diện giữa các dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, phát triển kinh tế nâng cao đời sống nhân dân.

Nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số- Ảnh 1.

Chị em phụ nữ đồng bào dân tộc của HTX Đông Xuân, huyện Quốc Oai bên các sản phẩm nông nghiệp do đơn vị sản xuất. Ảnh: VGP/TT.

Từ một vùng khó khăn nhưng qua việc đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng đã tạo động lực phát triển mới cho xã Phú Mãn-địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đồng thời người dân trên địa bàn xã cũng được thụ hưởng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, cây con giống mới. Trong vụ mùa này, bà Lương Thị Phương, thôn Đồng Âm, xã Phú Mãn và những hộ dân trong xã được Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Mãn cung cấp giống lúa TBR 225- giống lúa chất lượng cao, ứng dụng cơ giới hóa vào từng khâu sản xuất để giảm thiểu sức lao động, tăng năng suất, sản lượng cho bà con.

Hiện nay trên địa bàn huyện Quốc Oai có 22/53 thành phần dân tộc thiểu số với trên 7.200 người, chiếm 3,47% dân số toàn huyện, trong đó dân tộc Mường chiếm 93%, dân tộc Tày chiếm 2,59%, dân tộc Thái chiếm 2,35%, còn lại là các dân tộc thiểu số khác. Đồng bào dân tộc thiểu số của huyện cư trú tập trung theo cộng đồng tại hai xã Phú Mãn, Đông Xuân với hơn 6.100 người. 

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030, huyện Quốc Oai được bố trí nguồn vốn đầu tư để phát triển vùng đồng bào dân tộc là trên 406 tỷ 735 triệu đồng phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi; giáo dục văn hóa, y tế…

Theo ông Đinh Công Nhật, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mãn, xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, phát triển các sản phẩm OCOP, bảo tồn giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng đã tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho các dân tộc.

Nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số- Ảnh 2.

Vườn rau VietGAP của đồng bào dân tộc huyện Quốc Oai. Ảnh: VGP/TT.

Từ sự quan tâm đầu tư của thành phố và huyện Quốc Oai, Kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có những bước phát triển nhanh, bền vững. Thu nhập của người dân được nâng lên, đời sống nhân dân cơ bản được cải thiện, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều khởi sắc, đã từng bước rút ngắn dần khoảng cách phát triển giữa vùng thuận lợi so với các vùng khó khăn trên địa bàn huyện.

Ông Trần Hùng, Phó phòng Kinh tế huyện Quốc Oai cho biết, với chủ trương đầu tư của huyện Quốc Oai thời gian qua, kinh tế của 2 xã miền núi là Đông Xuân và Phú Mãn đã thay đổi rõ nét, bà con đồng bào dân tộc thiểu số từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm để nâng cao đời sống.

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bền vững. Các dịch vụ khám chữa bệnh, giáo dục, chăm lo đời sống cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm triển khai thực hiện kịp thời. Qua đó, phát triển đồng đều giữa các xã đồng bào dân tộc miền núi và các xã khác, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, tốc độ phát triển kinh tế giữa các dân tộc trong toàn huyện. Việc tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Quốc Oai là cách để xây dựng, gắn kết khối đại đoàn kết toàn dân tộc và là diễn đàn để các thành phần dân tộc bày tỏ quan điểm, kiến nghị các chính sách để phát triển đồng bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Sự đoàn kết, đồng tâm nhất trí giữa các dân tộc là sức mạnh để huyện Quốc Oai phát triển kinh tế xã hội đồng đều giữa các dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa và tạo cho đồng bào cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Thiện Tâm

Top