Nâng cao đời sống nhờ trồng hoa thương phẩm

24/11/2016 2:45 PM

(Chinhphu.vn) - Nhờ truyền thống trồng hoa lâu đời cùng với việc phát triển hoa thương phẩm nên thời gian qua, nghề trồng hoa tại Mê Linh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân và bước đầu xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Vùng trồng hoa xã Mê Linh, huyện Mê Linh. Ảnh: Tú Mai

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh cho biết, nghề trồng hoa Mê Linh đã được hình thành và phát triển cách đây hơn 20 năm. Đây là nghề chính của nông dân trong huyện. Với vị trí địa lý thuận lợi, thổ nhưỡng thích hợp và người nông dân chịu khó sản xuất, có kinh nghiệm trong sản xuất hoa nên từ việc trồng với diện tích manh mún, nhỏ lẻ và chủ yếu là các giống hoa truyền thống đến nay huyện Mê Linh đã hình thành các vùng trồng hoa tập trung với nhiều loại hoa chất lượng cao, nhiều màu sắc và độ bền hoa cắt dài ngày: Hoa ly, hoa hồng, hoa cúc, đồng tiền...

Nhiều kỹ thuật mới được nông dân ứng dụng vào sản xuất để tăng năng suất và chất lượng hoa như trồng hoa trong nhà lưới, nhà màng, sử dụng phân hữu cơ đặc biệt là đậu tương ngâm để tăng độ bền cây và bông hoa... Các mô hình trồng hoa thảm, hoa chậu... cũng dần được phát triển.

Hiện nay, huyện Mê Linh có diện tích trồng hoa khoảng 430 ha, trồng các loại hoa chính: Hoa hồng (chiếm 84%), hoa cúc (11%) và một số loại hoa khác (ly, đồng tiền, loa kèn, dơn...). Đồng thời đã hình thành vùng chuyên canh hoa, tập trung ở các xã Mê Linh 200 ha, Đại Thịnh 90 ha, Văn Khê 107 ha...

Hàng năm Mê Linh cung cấp hàng triệu cành hoa các loại cho người tiêu dùng ở Thủ đô Hà Nội và khắp các vùng miền trong cả nước. Không những vậy nghề trồng hoa ở Mê Linh đã tạo được thương hiệu bên ngoài biên giới Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường các nước bạn như: Trung Quốc, Lào, Thái Lan...

Nghề trồng hoa ở Mê Linh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho những người sản xuất hoa thương phẩm. Lợi nhuận thu được trên 1 ha diện tích gấp nhiều lần so với cây lương thực như trồng hoa hồng cho thu nhập 300-350 triệu/ha/năm; trồng hoa cúc cho thu nhập 400-450 triệu/ha/năm... Đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất hoa trên địa bàn huyện vẫn gặp nhiều khó khăn do các hộ chưa có một quy trình sản xuất hoa theo hướng chuyên môn hóa phù hợp và chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm. Bên cạnh đó người dân vẫn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trong sản xuất; khâu bảo quản hoa sau cắt cũng còn hạn chế. Thị trường tiêu thụ không ổn định, giá cả bấp bênh, chủ yếu là người sản xuất tự sản, tự tiêu chưa có sự tham gia nhiều của các doanh nghiệp.

Chính vì vậy, trong thời gian tới huyện Mê Linh sẽ mở rộng vùng hoa ra đất bãi tại xã Văn Khê và trong đồng của một số xã như Tự Lập, Vạn Yên, Tiến Thịnh. Đồng thời chuyển đổi cơ cấu giống hoa, trong đó chú trọng phát triển các loại hoa có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện đất đai khí hậu ở địa phương.

Tăng cường đầu tư hạ tầng sản xuất như giao thông nội đồng, hệ thống kênh mương, điện, nước phục vụ sản xuất. Xây dựng nhãn hiệu tập thể hoa Mê Linh để giúp người dân thuận lợi trong tiêu thụ, nâng cao giá trị kinh tế và yên tâm phát triển sản xuất; bảo quản hoa sau thu hoạch để nâng cao năng suất, chất lượng hoa. Xây dựng chợ đầu mối hoa và nông sản cấp vùng để thuận tiện cho việc tiêu thụ, giao thương hàng hóa.

Tú Mai

Top